Thứ Sáu, 22/11/2024 15:26:37 GMT+7
Lượt xem: 1434

Tin đăng lúc 16-09-2023

Nam Định xác định công nghiệp cơ khí là ngành kinh tế mũi nhọn

Công nghiệp cơ khí được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Nam Định. Với nền tảng nghề có từ lâu đời, đội ngũ thợ kỹ thuật và công nhân bậc cao, tay nghề vững, nên nghề cơ khí của tỉnh đã khẳng định được vị thế chắc chắn trên thị trường, đóng góp quan trọng vào kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế công nghiệp địa phương.
Nam Định xác định công nghiệp cơ khí là ngành kinh tế mũi nhọn
Ngành công nghiệp cơ khí của Nam Định vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển nhờ truyền thống, kinh nghiệm, đội ngũ lao động tương đối lành nghề

Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng hơn 200 doanh nghiệp (DN) tham gia sản xuất các mặt hàng cơ khí, trong đó chủ yếu là các DN đóng mới và sửa chữa tàu thuyền; DN cơ khí đúc và cán, kéo kim loại và các DN gia công kim loại. Các DN tập trung tại các địa phương có làng nghề cơ khí như: Xuân Tiến (Xuân Trường); Vân Chàng, Đồng Côi, Bình Yên (Nam Trực); Tống Xá (Ý Yên); Quang Trung (Vụ Bản)… và TP. Nam Định. Ngoài các sản phẩm truyền thống của địa phương gồm sản xuất chi tiết, phụ tùng máy nông nghiệp, công nghiệp, nông cụ… nhiều DN đã mạnh dạn đầu tư, tích cực đổi mới công nghệ, sản xuất những sản phẩm cơ khí có tính đột phá như đóng mới, sửa chữa tàu thuỷ có trọng tải lớn, luyện kim đen, đúc thép, dây lưới thép, dây điện, tôn mỹ nghệ xuất khẩu, đồ gia dụng cao cấp bằng inox, phụ tùng ô tô, xe máy, xe đạp chất lượng cao…

 

Một số phân ngành có sự gia tăng đáng kể, điển hình là phân ngành sản xuất kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản xuất thiết bị điện. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số “trung tâm” sản xuất cơ khí tương đối đặc trưng như: Huyện Xuân Trường chuyên sản xuất các loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng, khai thác và chế biến lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng…; huyện Nam Trực từ thế mạnh truyền thống chuyên sản xuất các chi tiết thiết bị, phụ tùng xe máy đã phát triển thêm các sản phẩm cơ khí phục vụ thi công xây dựng, giao thông, sản xuất thép nguyên liệu, thiết bị nội thất xây dựng…; các làng nghề đúc của huyện Ý Yên phát triển mạnh dòng sản phẩm đúc mỹ nghệ truyền thống (tượng, tranh, đồ thờ). 

 

Đến nay, các DN trong ngành Cơ khí đã tăng tốc đầu tư các giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất, tạo đà cho ngành Cơ khí phát triển theo chiến lược sản xuất dài hạn. Nhiều DN đã từng bước làm chủ việc thiết kế, chế tạo kết cấu, các chi tiết linh kiện, nâng tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm; nhiều sản phẩm trước đây phải nhập hoàn toàn, đến nay đã từng bước được thay thế bằng sản phẩm do chính các DN cơ khí trong tỉnh chế tạo.

 

Hiện nay, linh kiện kim loại sản xuất nội địa của tỉnh đáp ứng được 85-90% nhu cầu sản xuất xe máy; khoảng 15-40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ô tô; khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ; 40-60% cho sản xuất các loại máy nông nghiệp, máy động lực và 40% cho máy xây dựng; cung ứng khoảng 10% nhu cầu linh kiện kim loại cho các ngành công nghiệp công nghệ cao. 

 

Các DN trong ngành Cơ khí của tỉnh đã tăng tốc đầu tư các giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ, tạo đà phát triển theo chiến lược sản xuất dài hạn

 

Là một trong những đơn vị điển hình trong cộng đồng DN làng nghề Đồng Côi - Nam Trực, Công ty TNHH Cơ khí Nam Định đã khẳng định là một trong những DN công nghiệp hỗ trợ uy tín trong ngành Cơ khí và trở thành điểm sáng trong bức tranh công nghiệp tỉnh Nam Định, góp phần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu kinh tế của địa phương.

 

Ông Lê Hải Đăng - Giám đốc Công ty cho biết, đơn vị đã tập trung nghiên cứu và đi sâu vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp phụ trợ phục vụ cho ngành Giao thông vận tải (đường bộ, đường sắt) và ngành khai thác than và khoáng sản như: Bu lông, tấm chèn, gông lò, tà vẹt, cọc khoan nhồi và các sản phẩm phụ kiện cơ khí. Nhờ sự cần cù, chịu khó, năng động, tập trung mọi nguồn lực và kịp thời nắm bắt thời cơ, đầu tư trọng tâm nên Công ty đã không ngừng phát triển và lớn mạnh. 

 

Hiện, Công ty đã nâng cao năng lực tự sản xuất các linh kiện chi tiết nên đã nâng tỷ lệ nội địa hoá lên gần 80%, giảm sâu tỷ lệ nhập khẩu chi tiết linh kiện, chủ động nguyên liệu đầu vào, hạ chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, gia tăng tính cạnh tranh khi cung ứng sản phẩm ra thị trường. Nhờ đó, Công ty khẳng định được thương hiệu là một trong những DN sản xuất linh kiện cơ khí tốp đầu của Việt Nam, chất lượng sản phẩm không thua kém gì sản phẩm cùng loại của nước ngoài sản xuất. Năm 2022, Công ty đạt doanh thu trên 50 tỷ đồng; năm 2023 Công ty đã tiếp tục ký kết được nhiều đơn hàng với các đối tác lớn.

 

Với mục tiêu thúc đẩy ngành Cơ khí phát triển mạnh mẽ hơn, đưa công nghiệp của tỉnh trở thành ngành kinh tế chủ đạo, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp, ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Theo đó, tỉnh đã có kế hoạch hỗ trợ, thu hút DN đầu tư cho các lĩnh vực cơ khí phục vụ các ngành đóng và sửa chữa tàu thuyền, cơ khí ô tô, xe máy, cơ khí xây dựng, thiết bị vật tư ngành điện...

 

Cụ thể, đối với lĩnh vực đóng tàu cần tái cơ cấu sản xuất đảm bảo ổn định và phát triển; gia tăng năng lực đóng mới và sửa chữa nhóm sản phẩm tàu trọng tải trên 50 nghìn DWT; từng bước nâng cấp cơ sở hạ tầng đủ khả năng đóng các loại tàu có trọng tải lớn hơn; đặc biệt khuyến khích đầu tư công nghệ lắp ráp và chế tạo các loại tàu chất lượng cao (du thuyền, tàu cao tốc...) với công nghệ 4.0. 

 

Lĩnh vực công nghiệp lắp ráp, sản xuất linh kiện ô tô, xe máy cần chú trọng vào phân khúc thị trường xe khách, xe chuyên dụng, xe bán tải, xe tải dưới 5 tấn với chất lượng và tỷ lệ nội địa hoá cao. Tích cực tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất linh phụ kiện cho các tập đoàn lắp ráp, phân phối lớn; đầu tư máy móc chuyên dụng hướng tới phát triển ngành chế tạo phụ tùng phục vụ dịch vụ sửa chữa. 

 

Trong lĩnh vực chế tạo thiết bị máy nông nghiệp, máy xây dựng, kim khí tiêu dùng, theo hướng nâng cao chất lượng, độ bền các linh kiện chủ chốt, tối ưu hoá thiết kế để nâng cao tuổi thọ thiết bị, vận hành và bảo dưỡng thuận lợi tạo dựng thương hiệu và uy tín trên thị trường. Phát triển ngành đúc - luyện kim theo hướng chuyên sâu với quy mô lớn, làm chủ các công nghệ chế tạo và gia công các loại vật liệu có tính năng vật lý ưu việt, chú trọng đầu tư thiết bị có chất lượng nhằm giảm tiêu hao năng lượng cũng như ổn định chất lượng.

 

Tỉnh cũng xác định ưu tiên bố trí không gian phát triển công nghiệp cơ khí tại các khu, cụm công nghiệp được quy hoạch thuộc các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng.

 

Hiện tại, ngành công nghiệp cơ khí của Nam Định vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển nhờ truyền thống, kinh nghiệm, đội ngũ lao động tương đối lành nghề; nhiều DN cơ khí của tỉnh không ngừng vươn lên lớn mạnh, thiết lập uy tín, chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong và ngoài nước. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh hỗ trợ các DN cơ khí tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, qua đó góp phần gia tăng cơ hội tiếp cận nhiều bạn hàng lớn và mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm cơ khí địa phương.

 

Duy Tiên


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang