Ðầu tư công nghiệp, dịch vụ
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Ðịnh Phạm Ðình Nghị cho biết, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 19 (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đã nêu rõ ba mục tiêu trọng tâm phát triển kinh tế, gồm: Tập trung đầu tư xây dựng vùng công nghiệp - dịch vụ chung quanh TP Nam Ðịnh; vùng sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững; và nhất là vùng kinh tế ven biển được coi là động lực, tạo sức bật và thế ổn định cho địa phương.
Tỉnh tập trung phát triển vùng kinh tế ven biển theo hai hướng chính là đầu tư khai thác, đánh bắt, chế biến thủy, hải sản và phát triển công nghiệp, dịch vụ. Tỉnh đã triển khai quy hoạch các khu kinh tế ven biển, như các khu công nghiệp (KCN) thuộc Khu kinh tế Ninh Cơ, KCN Thịnh Long (huyện Hải Hậu), KCN Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng), KCN Dệt may Rạng Ðông (huyện Nghĩa Hưng); thành lập nhiều cụm công nghiệp (CCN) tại các huyện ven biển như Thịnh Lâm (huyện Giao Thủy), Nghĩa Sơn (huyện Nghĩa Hưng), Thịnh Long, Hải Minh, Hải Phương (huyện Hải Hậu). Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối các khu vực trung tâm với các khu vực này được hoàn thiện, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Năm 2017, tỉnh khởi công cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ, kết nối hai huyện Hải Hậu và Nghĩa Hưng. Cùng thời gian, Dự án đường trục kết nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được xây dựng (đã có quyết định giao vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017 - 2020 là hơn 1.077 tỷ đồng). Thời gian tới, Nam Ðịnh tiếp tục triển khai các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ đầu tư Dự án xây dựng tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Ðịnh - Thái Bình, và Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua Nam Ðịnh (đã có thông báo dự kiến bố trí vốn ngân sách T.Ư cho mỗi dự án 1.000 tỷ đồng).
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Nam Ðịnh Trần Thanh Minh, năm 2017, tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Theo đó dự kiến năm 2025, khu vực ven biển Nam Ðịnh sẽ có 21 CCN với tổng diện tích hơn 500 ha. Hiện tại, điểm nhấn lớn nhất của công nghiệp ven biển Nam Ðịnh là Dự án KCN Dệt may Rạng Ðông (huyện Nghĩa Hưng) với tổng mức đầu tư hơn 4.600 tỷ đồng. KCN này được khởi công từ tháng 4 -2017, đang được gấp rút xây dựng, hoàn thành giai đoạn một (300 ha) trong cuối năm nay. Dự án khi đi vào hoạt động sẽ cung cấp cho thị trường hằng năm khoảng 1 tỷ m² vải, thu hút khoảng 60 nghìn lao động trên nhiều lĩnh vực khác.
"Việc tỉnh có quy hoạch rõ nét các KCN, CCN nói chung, KCN, CCN ven biển nói riêng và ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp vào sản xuất tập trung sẽ tạo động lực lớn để hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm, là cú huých để kinh tế Nam Ðịnh phát triển"- đồng chí Trần Thanh Minh nhấn mạnh. Ngoài các ngành công nghiệp truyền thống, tỉnh còn có tiềm năng phát triển công nghiệp năng lượng, cụ thể là điện gió ở xã Bạch Long (huyện Giao Thủy) hay xã Văn Lý (huyện Hải Hậu).
Kết hợp nuôi trồng với khai thác
Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp đóng tàu, hạ tầng và dịch vụ cảng biển, hoạt động phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản xa bờ tại các huyện ven biển Nam Ðịnh đang từng bước được đẩy mạnh.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nam Ðịnh Mai Ðăng Nhân cho biết, hiện toàn tỉnh đã hình thành 50 vùng nuôi thủy sản tập trung, chuyển từ nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến sang nuôi thâm canh và siêu thâm canh, áp dụng quy trình theo hướng VietGAP, công nghệ cao, trong đó hình thành các sản phẩm đặc sản thế mạnh của địa phương, như cá song, cá bống bớp ở huyện Nghĩa Hưng, tôm thẻ chân trắng ở huyện Hải Hậu, ngao vạng ở huyện Giao Thủy... Trong 10 năm qua, diện tích nuôi trồng thủy sản tăng khoảng 5.000 ha, lên gần 17.500 ha, sản lượng tăng 2,27 lần. Năm 2017, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh là 16.090 ha, sản lượng đạt 90.029 tấn.
Từ người nông dân "chân lấm tay bùn" trên ruộng lúa, ông Phạm Văn Cương ở khu 4, đội 3, xã Bạch Long (huyện Giao Thủy) nay đã là chủ một cơ sở nuôi trồng thủy sản có tiếng trong vùng. Với 2,5 ha đất thuê của Nông trường Bạch Long cũ (nay là Công ty TNHH một thành viên nông nghiệp Bạch Long), theo chủ trương của tỉnh, ông chuyển đổi diện tích trồng cói, trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, thành công chưa đến sau những năm đầu bỡ ngỡ làm quen mô hình sản xuất mới. Ðược sự hỗ trợ về kiến thức, kỹ thuật qua các lớp đào tạo miễn phí, ông Cương dần tìm thấy "bí quyết". Ðến nay, với phương pháp nuôi xen canh các loại cá (diêu hồng, trắm, chép, đối mục) và tôm thẻ chân trắng để tận dụng nguồn thức ăn giữa các tầng nước và ngăn chặn dịch bệnh, mỗi năm ông thu hoạch từ 40 đến 50 tấn cá, tôm; trừ chi phí, lãi khoảng một tỷ đồng. "Vào đợt thu hoạch, có ngày 10 xe tải từ Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên xếp hàng lấy cá"- ông Cương nói.
Theo ông Mai Cao Cường, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên nông nghiệp Bạch Long, hầu hết diện tích 200 ha của nông trường cũ đã được chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, với hơn 200 hộ tham gia. Trung bình doanh thu mỗi héc-ta đạt 500 triệu đồng, cho thu nhập gấp nhiều lần so với trồng cói, trồng lúa trước kia.
Cùng với nuôi trồng thủy sản, đánh bắt xa bờ cũng được tỉnh Nam Ðịnh quan tâm đầu tư. Hiện toàn tỉnh có 2.082 tàu cá với 5.699 lao động, trong đó tàu cá hơn 90CV (mã lực) có 676 chiếc, chiếm 32%. So với năm 2008, số tàu giảm 469 chiếc nhưng tổng công suất lại tăng 143 nghìn CV, số tàu công suất lớn, khai thác xa bờ tăng 413 chiếc.
Thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, UBND tỉnh phê duyệt đóng mới 60 tàu cá vỏ thép (36 tàu đóng mới bổ sung, 24 tàu đóng mới thay thế); 36 tàu cá được các ngân hàng thương mại ký hợp đồng tín dụng với tổng số tiền cam kết cho vay 580 tỷ đồng, đã giải ngân 563 tỷ đồng. Tỉnh còn tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ cho 758 lượt thuyền viên tham gia khóa học vận hành tàu vỏ thép; hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới... Sản lượng khai thác thủy sản năm 2017 đạt 48.341 tấn, trong đó khai thác biển 46.030 tấn, khai thác nội đồng đạt 2.311 tấn. Ðáng chú ý, sản lượng khai thác thủy hải sản năm 2017 đã vượt chỉ tiêu đề ra trong Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020.
Bên cạnh đó, tỉnh phát huy giá trị của hệ sinh thái đất ngập nước thuộc hai huyện Giao Thủy và Nghĩa Hưng, thuộc khu dự trữ sinh quyển thế giới để phát triển du lịch sinh thái ven biển. Trong giai đoạn trước mắt, Nam Ðịnh ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, chú trọng khai thác có hiệu quả Vườn quốc gia Xuân Thủy, các khu du lịch biển Quất Lâm (huyện Giao Thủy), Thịnh Long (huyện Hải Hậu) và sắp tới là khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng biển Rạng Ðông (huyện Nghĩa Hưng). |
Theo báo Nhân dân