Thứ Sáu, 22/11/2024 19:13:52 GMT+7
Lượt xem: 3576

Tin đăng lúc 12-11-2015

Nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu

Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu (XK) hàng hóa, tận dụng cơ hội từ hội nhập, Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam thời kỳ 2015 – 2020, định hướng đến năm 2030”. Tại Hà Nội, Bộ Công Thương vừa tổ chức lấy ý kiến cho đề án này.
Nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu
Cà phê Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thô

Sức cạnh tranh thấp

 

Ông Lê Quốc Phương – Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) - đơn vị chủ trì xây dựng đề án - cho biết: Thời gian qua, XK đã trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế cả nước. Nếu như năm 1986, kim ngạch XK cả nước chỉ đạt 789 triệu USD thì đến năm 2014, con số này đã hơn 150 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng XK trung bình giai đoạn 1987 – 2014 đạt 25,5%, gấp nhiều lần tốc độ tăng GDP trung bình của giai đoạn này (6,9%). Nhiều mặt hàng như: Hạt điều, gạo, thủy sản, dệt may… kim ngạch XK thuộc top đầu thế giới.

 

Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam vẫn ở mức thấp. Khoảng 90% nông sản XK ở dạng thô hoặc sơ chế, chất lượng thấp; mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo chủ yếu gia công, lắp ráp cho nước ngoài. Thêm nữa, do chưa có thương hiệu, hàng Việt Nam XK phải chấp nhận giá bán thấp hơn so với các sản phẩm cùng loại. Đơn cử như giá gạo Việt Nam luôn thấp hơn gạo cùng loại của Thái Lan từ 3 – 5%. Cá tra hiện chiếm hơn 90% thị phần thế giới nhưng giá bán thấp hơn 20 – 30% sản phẩm tương tự.

 

Do đó, Đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam thời kỳ 2015 – 2020, định hướng đến năm 2030” đã được Bộ Công Thương chủ trì xây dựng với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa XK Việt Nam trên thị trường thế giới thông qua tổ chức lại sản xuất theo hướng hiện đại, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, mở rộng thị trường XK. Bên cạnh đó, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu của “Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 – 2020, định hướng đến năm 2030”.

 

Tận dụng lợi thế từ hội nhập

 

Đánh giá Dự thảo đề án đã bám sát những nội dung cơ bản của Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 – 2020, định hướng đến năm 2030, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)- cho rằng, dự thảo cần chú trọng 3 yếu tố quan trọng. Thứ nhất, bám sát vào Quy hoạch các ngành sản xuất đã được phê duyệt để lựa chọn mặt hàng XK chủ lực. Thứ hai, gắn chặt mục tiêu đề án với khung khổ hội nhập ta đã và đang tích cực triển khai. Thứ ba, cần có giải pháp để huy động sự “vào cuộc” của hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp bởi đây chính là lực lượng quan trọng nhất giúp hàng hóa nâng cao sức cạnh tranh.

 

Bà Trịnh Thị Thanh Thủy – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương)- nêu ý kiến: Cạnh tranh là yếu tố thay đổi theo từng thời kỳ chứ không phải cố định nên đề án cần đánh giá và vạch ra giải pháp mang tính lâu dài; định hướng để sản phẩm có thể tham gia tốt vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Có như vậy, sản phẩm mới có năng lực cạnh tranh tốt, XK bền vững.

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh:

Đề án cần bám sát khung khổ hội nhập để xác định mặt hàng, thị trường thực sự có thế mạnh, từ đó tìm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh XK.

 

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang