Sau tám năm thực hiện Quyết định số 1216/QĐ-TTg, với sự nỗ lực của các bộ, ngành, chính quyền các địa phương, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) ở nước ta đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ như: Nhận thức về BVMT đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân; hệ thống chính sách, pháp luật, tổ chức bộ máy về BVMT không ngừng được hoàn thiện; nguồn lực đầu tư cho công tác BVMT tiếp tục được tăng cường, với tổng chi ngân sách cho sự nghiệp môi trường tăng từ 9.772 tỷ đồng năm 2013 lên hơn 20,4 nghìn tỷ đồng năm 2019. Vốn đầu tư phát triển ngành tài nguyên và môi trường được phân bổ tăng từ 550 tỷ đồng năm 2013 lên 1.798 tỷ đồng năm 2018; hoạt động hợp tác quốc tế về BVMT được đẩy mạnh, trong giai đoạn 2012 - 2018, huy động được gần 700 triệu USD hỗ trợ cho BVMT và biến đổi khí hậu (BĐKH)… Đáng mừng, tính đến năm 2019, tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 89% (tăng gần 60% so với năm 2010); tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị đã tăng lên 86,5% năm 2019 (so với 82% năm 2010); tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải nguy hại đã được cải thiện, đạt 75%; tỷ lệ chất thải rắn y tế được phân loại, xử lý đạt hơn 98%...
Đối với các hoạt động khai thác bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, hiện nay đã thực hiện thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước. Điển hình như tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đã tăng lên, đạt hơn 9.354 tỷ đồng; tăng thêm bốn khu bảo tồn thiên nhiên trên cạn với diện tích tăng thêm 2.500 ha so với năm 2015; tăng thêm bốn khu bảo tồn biển so với năm 2010, với tổng diện tích đạt khoảng 0,11% vùng biển trên cả nước; việc nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH, công tác phòng, chống, ứng phó với thiên tai tiếp tục được đẩy mạnh như xây dựng kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam đã được cập nhật vào các năm 2012 và 2016; hiện đại hóa hệ thống quan trắc, cảnh báo khí tượng - thủy văn trên toàn quốc.
Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường tiếp tục gia tăng, cụ thể như ô nhiễm môi trường không khí ở các đô thị lớn, nhất là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có nhiều thời điểm ở mức nguy hại. Chất thải sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, tỷ lệ chôn lấp vẫn chiếm đến hơn 70%, chủ yếu là không hợp vệ sinh. Đa dạng sinh học tiếp tục suy thoái, tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác bền vững, sử dụng hiệu quả; công tác bảo vệ an ninh nguồn nước chưa đáp ứng yêu cầu; chưa ngăn chặn được suy giảm nước ngầm và ô nhiễm nước mặt. Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là khai thác cát sỏi lòng sông trái phép ở nhiều địa phương trên cả nước. Năng lực chủ động ứng phó với BĐKH còn chưa cao; việc phổ biến, nhân rộng các mô hình thích nghi, sống chung với BĐKH, phát triển các-bon thấp còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Các chuyên gia, các nhà quản lý lĩnh vực tài nguyên và môi trường cho rằng: Để hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết 1216/QĐ-TTg đề ra, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố tăng cường phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, suy thoái môi trường, trong đó sớm xây dựng và thực hiện có hiệu quả quy hoạch BVMT quốc gia, đưa các nội dung về tài nguyên môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh. Thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng thân thiện môi trường, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, các-bon thấp; thực hiện việc cấp phép môi trường và phân loại, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, nhất là đối với các nguồn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, kể cả các nguồn xuyên biên giới. Đẩy mạnh việc kiểm soát, ngăn chặn ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường không khí ở các đô thị lớn; tăng cường quản lý chất thải rắn theo hướng giảm chôn lấp, tăng cường sự tuần hoàn để thu hồi vật liệu và năng lượng; chú trọng chất thải rắn nông thôn; phòng ngừa, giảm thiểu và tái chế chất thải nhựa.
Bên cạnh đó, cần tăng cường xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự, tiếp tục nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý môi trường cấp vùng, cấp tỉnh, huyện và xã, huy động sự tham gia giám sát của các tổ chức chính trị xã hội và cộng đồng dân cư trong BVMT. Đồng thời, tiếp tục tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho BVMT, nhất là nâng cao hơn nữa tính hiệu quả của các quỹ BVMT. Đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư từ các định chế tài chính quốc tế, để đầu tư vào các lĩnh vực mũi nhọn như xử lý chất thải rắn, xử lý ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí… tại các địa phương hiện nay.
Theo Báo Nhân Dân