Theo Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương, CNHT ngành điện tử là ngành công nghiệp còn khá non trẻ nhưng đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong những năm vừa qua. Các doanh nghiệp (DN) điện tử hoạt động tại Việt Nam (bao gồm cả DN trong nước và FDI) đã sản xuất được hầu hết các sản phẩm điện tử thiết yếu như điều hòa nhiệt độ, ti vi, máy giặt, điện thoại, máy in… Các sản phẩm điện tử sản xuất trong nước đa dạng về chủng loại, màu sắc, mẫu mã, có chất lượng tốt, đáp ứng phần lớn nhu cầu trong nước và đã xuất khẩu đi một số nước trên thế giới. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các quy định về giãn cách xã hội tại nhiều quốc gia đã khiến nhu cầu sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện làm việc online, trực tuyến của người tiêu dùng tại nhiều quốc gia tăng mạnh, cùng với đó là sự dịch chuyển chuỗi giá trị của một số hãng điện tử lớn trên thế giới, trong giai đoạn từ cuối năm 2020 đến nửa đầu năm 2022, các DN điện tử trong nước cũng đã tiếp cận được nhiều đơn hàng mới.
Tuy nhiên, do kinh tế thế giới thời gian qua có nhiều biến động, đặc biệt là tình hình xung đột tại các quốc gia Đông Âu đã khiến tốc độ tăng trưởng của ngành chậm lại vào năm 2022 (5,76% so với 2021 là 13%, 2020: 9,7% và 2019: 10,8%). Do đó, việc xuất khẩu của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hiện nay chủ yếu vào hai thị trường lớn là Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Mặc dù được coi là có nhiều tiềm năng để phát triển, nhưng ngành công nghiệp điện tử của nước ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế và thách thức. Dù kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp điện tử chiếm tỉ trọng cao và Việt Nam nằm trong số các quốc gia xuất khẩu điện tử lớn nhất thế giới nhưng có đến 95% giá trị thuộc khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các tập đoàn đa quốc gia đang đóng vai trò chủ đạo, trong đó đặc biệt là các tập đoàn của Hàn Quốc, Nhật Bản… đặc biệt ở lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử.
Do tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, các DN Việt Nam mới chỉ dừng lại ở giai đoạn đầu của chuỗi sản xuất các sản phẩm điện tử, phần lớn chỉ tập trung vào lắp rắp các bộ phận, gia công đơn giản. Phần lớn hàng điện tử trên thị trường là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng các linh kiện nhập khẩu, mang tính công nghệ thấp và có giá trị gia tăng thấp. Một phần do ngành CNHT cho ngành công nghiệp điện tử chưa thực sự phát triển, năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam vẫn còn rất hạn chế, chất lượng và mẫu mã chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương Việt Nam còn nhận định, tốc độ chuyển đổi số ở các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp điện tử hiện nay rất thấp. Phần lớn các DN trong nước đều sử dụng máy vi tính, nhưng ở mức độ ứng dụng thông thường trong khi thiếu các ứng dụng mang tính chuyên sâu. Số lượng DN sẵn sàng đầu tư cho số hóa chưa nhiều, chỉ chiếm khoảng 20% tổng doanh nghiệp cả nước… Đặc biệt là, Việt Nam còn thiếu các trung tâm, viện nghiên cứu đầu ngành để trợ giúp kỹ thuật công nghệ cho các DN, thực hiện thử nghiệm sản phẩm. Hơn nữa, DN điện tử muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thì phải có thực lực, trước hết là công nghệ. Có công nghệ mới có khả năng tạo ra được sản phẩm phù hợp với yêu cầu trong chuỗi. Cùng với đó, phải có biện pháp quản lý công nghệ để kiểm soát chất lượng sản phẩm tốt, ổn định và tạo ra sản phẩm có chi phí giá thành phù hợp.
Nhiều chuyên gia cho rằng, thực tế hiện nay, các DN trong nước không đủ sức tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia. Cụ thể, để tham gia cung ứng linh kiện, bản mạch..., cần đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, vì thế nếu không được đảm bảo đầu ra, DN chắc chắn sẽ rơi vào khó khăn.
Theo dự báo của các chuyên gia, xu hướng nền kinh tế toàn cầu năm 2023 vẫn tiếp tục có suy thoái nhẹ, cục bộ và ngắn hạn. Giá cả hàng hóa đã giảm nhưng nhu cầu của người tiêu dùng cũng giảm đáng kể, đặc biệt là các mặt hàng công nghệ cao. Tuy nhiên, xu hướng dịch chuyển đầu tư và sản xuất đang tạo cơ hội cho Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư FDI trong ngành công nghiệp điện tử, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất chip. Bên cạnh đó, các DN ngành điện tử Việt Nam có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng giá trị nội địa để đóng góp nhiều hơn vào chuỗi cung ứng.
Nhận định về những cơ hội cho ngành công nghiệp điện tử Việt Nam, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam thông tin, từ đầu năm 2023 đến nay đã có nhiều hãng lớn, DN trong chuỗi cung ứng công nghiệp điện tử đã dịch chuyển từ thị trường nước ngoài vào Việt Nam, tìm kiếm nhà máy sản xuất và triển khai chuỗi cung ứng. Bởi Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong ngành công nghiệp điện tử, với hơn 10 tỷ USD vốn đầu tư. Trong đó, đã có nhiều hãng điện tử hàng đầu thế giới đầu tư những khoản tiền rất lớn xây dựng các cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao phục vụ xuất khẩu ở Việt Nam như: Samsung, LG, Panasonic, Foxconn… Chia sẻ nhận định này, ông Darren Seah, Giám đốc Danh mục phụ trách Triển lãm Chuyển đổi Công nghiệp châu Á- Thái Bình Dương (ITAP) bày tỏ, DN điện tử Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trên thế giới đang có xu hướng tìm kiếm các địa điểm sản xuất về điện tử, thay đổi cho các thị trường truyền thống.
Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine do Tập đoàn Universal Alloy Corporation (UAC) Vietnam của Mỹ đầu tư với tổng số vốn đầu tư 170 triệu USD tại Đà Nẵng
Đặc biệt, sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam (từ ngày 10 – 11/9/2023) một lần nữa xác nhận sự tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao giữa hai nước. Trong khuôn khổ chuyến thăm này, nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp lớn lĩnh vực bán dẫn, công nghệ cao của Mỹ như Intel, Amkor, Marvell, GlobalFoundries… cùng với các doanh nghiệp công nghệ lớn của Việt Nam như VNG, VinFast, FPT… đã tham gia Hội nghị Cấp cao Việt Nam - Hoa Kỳ về đầu tư và đổi mới sáng tạo dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Trước đó cũng đã có phái đoàn gồm 52 doanh nghiệp Mỹ sang Việt Nam để thảo luận về các cơ hội đầu tư và kinh doanh. Có thể thấy, nhiều ông lớn của Mỹ đang quan tâm đến thị trường Việt Nam, thời gian tới khả năng cao sẽ có làn sóng các doanh nghiệp Mỹ ngành điện tử, công nghệ cao tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Đây là cơ hội để các DN Việt Nam tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng ngành công nghiệp điện tử, công nghệ cao.
Có thể thấy, cơ hội mở ra cho ngành điện tử, công nghệ cao là rất lớn. Tuy nhiên, con đường đối với các DN Việt Nam lĩnh vực này còn rất dài để có thể thay đổi và theo kịp được một trong những chuỗi cung điện tử tiên tiến nhất hiện nay, do ngành công nghiệp điện tử, chế biến chế tạo Việt Nam có đặc thù là thâm dụng lao động lớn. Điều đó ngược hẳn với ngành công nghiệp điện tử ở các nước khác trên thế giới khi tập trung vốn và công nghệ. Nguyên nhân do Việt Nam chủ yếu tập trung vào khâu hạ nguồn, chủ yếu là lắp ráp và thâm dụng lao động.
Phân tích thêm về điều này, ông Phạm Hải Phong, Chánh văn phòng Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho hay, xuất khẩu hàng điện tử của Việt Nam đang tăng nhanh và khoảng cách giữa xuất khẩu và nhập khẩu ngày càng tăng, trong đó điện thoại thông minh đang chiếm tới 65% kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử. Tuy nhiên, kết quả xuất khẩu phần cứng điện tử phụ thuộc phần lớn vào các DN FDI. Còn với DN 100% vốn Việt Nam thì khả năng sản xuất, xuất khẩu chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu lĩnh vực này.
Các chuyên gia nhận định, làn sóng đầu tư của các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ vào Việt Nam sau chuyến thăm Việt Nam của nguyên thủ các quốc gia trên thế giới sẽ tăng mạnh. Việc các nhà đầu tư nước ngoài mở rộng sản xuất tại Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc nới rộng tăng trưởng xuất khẩu của ngành điện tử trong những năm tới. Nhất là khi Việt Nam tham gia vào nhiều Hiệp định FTAs lớn như EVFTA, UKFTA, CTPPP… cũng tạo ra nhiều cơ hội cho các DN Việt Nam tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, đi kèm với những lợi ích từ việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do sẽ là những thách thức về năng lực sản xuất, quy chuẩn quốc tế từ các đối tác nước ngoài.
Những thách thức nêu trên đã và đang là những rào cản đối với sự phát triển của ngành CNHT điện tử trong nước. Vì thế, điều cần thiết đối với các DN điện tử, công nghệ cao Việt Nam lúc này là phải kịp thời nắm bắt cơ hội, đặc biệt trong thời kì chuyển đổi số hiện nay, cần sự nỗ lực hơn nữa trong việc cải thiện năng lực sản xuất, công nghệ, quản lý chất lượng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao... để sao cho có thể đáp ứng được 3 điều kiện là chất lượng đảm bảo, giao hàng đúng hẹn và giá cả hợp lý. Đặc biệt, các DN trong nước cần phải liên kết với nhau trong sản xuất, cung cấp linh kiện, lắp ráp và tham gia từng công đoạn cho các tập đoàn đã có thương hiệu, từ đó xây dựng và phát triển thương hiệu cho ngành CNHT điện tử, công nghệ cao Việt Nam. Tất nhiên, để làm tốt được việc này thì cũng rất cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của Nhà nước thông qua các chính sách hỗ trợ, kết nối, xúc tiến thương mại... Có như vậy, các DN Việt Nam mới có thể tham gia được sâu hơn vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn có thương hiệu quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam và tiến tới tham gia chuỗi giá trị ngành điện tử, công nghệ cao toàn cầu…
Minh Anh