Thứ Năm, 21/11/2024 19:56:28 GMT+7
Lượt xem: 2043

Tin đăng lúc 22-05-2024

Ngành CNHT điện tử Việt Nam: Cơ hội lớn đi kèm thách thức

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành điểm đến lý tưởng, thu hút đầu tư của những tập đoàn điện tử lớn trên thế giới như Samsung, LG, Intel, Canon, Poster… Tiếp đà thành công, năm 2024, nhiều ông lớn công nghệ thế giới cho biết sẽ tiếp tục mở rộng, tăng đầu tư tại Việt Nam. Đây là cơ hội lớn, đồng thời cũng là thách thức cho ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) điện tử Việt Nam.
Ngành CNHT điện tử Việt Nam: Cơ hội lớn đi kèm thách thức
Ngành CNHT điện tử Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa phát triển

Số liệu thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của ngành điện tử và linh kiện. Trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 33,9% so với cùng kỳ. Như vậy có thể thấy rằng, tiềm năng của ngành CNHT điện tử Việt Nam là vô cùng lớn.

 

Thời gian qua, Apple đã liên tục gia tăng cam kết tại Việt Nam. Từ năm 2019 tới nay, Apple đã chi gần 400 nghìn tỷ đồng thông qua chuỗi cung ứng địa phương và đã tăng hơn gấp đôi mức chi hàng năm cho Việt Nam so với cùng kỳ. Ngoài ra, ba đối tác lớn cho Apple tại Việt Nam là Foxconn, Luxshare và GoerTek cũng liên tục mở rộng cơ sở sản xuất điện tử. Hãng Apple đã đề nghị đối tác lớn nhất là Foxconn mở dây chuyền sản xuất MacBook tại Việt Nam từ khoảng tháng 5/2023. Foxconn sau khi đầu tư 1,5 tỷ USD xây dựng cơ sở sản xuất, tới đây sẽ đầu tư thêm 300 triệu USD vào nhà máy Fukang đang xây dựng tại Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang). Trong khi đại diện Goertek cho biết, tiếp tục đầu tư 300 triệu USD mở rộng nhà máy tại Bắc Giang, còn Luxshare hiện có 6 nhà máy với khoảng 40.000 nhân sự tại Việt Nam.

 

Theo Bộ Công Thương, Tập đoàn Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam. Tập đoàn Intel mở rộng giai đoạn 2 nhà máy kiểm định chip tại TP.HCM với tổng trị giá đầu tư tới 4 tỉ USD, hay tập đoàn Lego của Đan Mạch đầu tư xây dựng nhà máy ở Bình Dương tổng vốn 1 tỉ USD. Sự xuất hiện của những ông lớn như thế này chứng minh rằng Việt Nam đã trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng trong ngành công nghiệp điện tử toàn cầu.

 

Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu sản phẩm điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới. Khả năng tham gia của Việt Nam vào chuỗi cung ứng ngành điện tử ngày càng lớn, thể hiện qua tỷ lệ xuất khẩu hàng hóa trung gian và hàng hóa cuối cùng của Việt Nam trong xuất khẩu hàng điện tử thế giới ngày càng tăng, thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn vào ngành điện tử, khả năng tiếp cận các trung tâm chuỗi cung ứng ứng lớn như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

 

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) nhận định, đây là cơ hội của doanh nghiệp (DN) Việt Nam và chúng ta phải nắm bắt cơ hội đó. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Việt Nam chủ yếu tham gia chuỗi cung ứng ngành điện tử thông qua các DN FDI ở khâu cung cấp linh kiện, gia công, lắp ráp, đóng gói sản phẩm cuối cùng. Sự tham gia của DN nội địa trong chuỗi cung ứng ngành điện tử tại Việt Nam không cao và mối liên kết với các nền kinh tế khác trong khu vực còn khiêm tốn. Điều đó khiến cho khả năng tham gia của Việt Nam vào chuỗi cung ứng gặp khó khăn, giá trị gia tăng trong nước thấp. Do đó, các chuyên gia cho rằng, việc thúc đẩy khả năng tham gia của Việt Nam vào chuỗi cung ứng ngành điện tử ở những công đoạn tạo ra giá trị gia tăng cao hơn là vấn đề cấp thiết để phát triển ngành điện tử.

 

 

Công nhân sản xuất trong nhà máy triệu đô của Công ty TNHH Hana Micron Vina, vốn FDI của Hàn Quốc, tại Bắc Giang

 

Một vấn đề nổi cộm khác của ngành CNHT điện tử Việt Nam là tỷ lệ nội địa hóa còn thấp. Các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc, hoặc lắp ráp trong nước bằng linh kiện ngoại. DN CNHT ngành điện tử dù đã tham gia vào chuỗi giá trị của ngành, song mới chỉ cung cấp được các sản phẩm đơn giản, có giá trị hàm lượng công nghệ thấp. Ngành điện tử Việt Nam vẫn đang dừng ở công đoạn lắp ráp trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử, còn những sản phẩm có thương hiệu để xuất khẩu gần như không có. Theo JETRO (2023), tỷ lệ nội địa hóa của các DN Nhật Bản tại Việt Nam đã tăng từ 28% vào 10 năm trước lên đến 37% năm 2022. Trong tổng số lượng nội địa hóa, tỷ lệ mua sắm linh phụ kiện từ các DN Việt Nam chỉ chiếm 15%. Con số này thấp hơn các nước lân cận như Thái Lan, Malaysia.

 

Trong bối cảnh thị trường chung biến động, nhiều nhà đầu tư đang chuyển hướng sang thị trường thứ ba, chuỗi cung ứng toàn cầu được định hình lại theo xu hướng dịch chuyển nguồn cung để giảm phụ thuộc vào một quốc gia. Để trở thành mắt xích trong chuỗi thì DN Việt Nam phải vượt qua các quy trình đánh giá năng lực khắt khe về chất lượng sản phẩm và hoạt động nhà máy. Có thể nói, cơ hội là có, nhưng nắm bắt được hay không lại phụ thuộc vào năng lực của mỗi DN.

 

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua Bộ Công Thương đã hợp tác với Samsung Việt Nam và Toyota triển khai nhiều chương trình thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực của ngành CNHT tại Việt Nam. “Trong đó, có Chương trình hợp tác với Samsung đào tạo chuyên gia tư vấn lĩnh vực nghiệp hỗ trợ; Chương trình “Tổ chức tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật để cải tiến sản xuất tại các DN Việt Nam trong lĩnh vực CNHT và sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, nhằm nâng cao tính chủ động, năng lực cạnh tranh của DN cũng như khả năng tham gia vào các chuỗi sản xuất toàn cầu”, ông Phạm Tuấn Anh khẳng định.

 

Việt Nam đã tham gia một số chuỗi cung ứng điện tử trong khu vực, song chủ yếu tham gia ở công đoạn lắp ráp (với Hàn Quốc), gia công (với Trung Quốc). Hiện nay, dòng vốn FDI và lĩnh vực điện tử của Việt Nam đang tăng lên, vì thế, cần tăng cường năng lực của DN và khả năng hấp thụ công nghệ của các DN để có thể tận dụng dòng vốn FDI này, chuyển dịch tập trung tham gia ở công đoạn cao hơn trong chuỗi cung ứng, trước tiên là trong khu vực và sau đó là chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chip điện tử làm đầu vào cho các ngành sản xuất mạch điện tử tích hợp, đi ốt và bóng bán dẫn.

 

Phương Lê

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang