Thứ Sáu, 22/11/2024 15:34:57 GMT+7
Lượt xem: 1521

Tin đăng lúc 19-09-2023

Ngành cơ khí chế tạo là nền tảng của nền công nghiệp tỉnh Đồng Nai

Hiện nay, ngành công nghiệp chế tạo ở Đồng Nai phát triển khá đa dạng với nhiều ngành nghề khác nhau như: Cơ khí, điện tử, linh kiện máy móc... trong đó, lĩnh vực cơ khí chế tạo là một trong các ngành sản xuất đặc biệt quan trọng, được xem như là “nền tảng của nền công nghiệp”, đóng vai trò chủ lực trong phát triển công nghiệp tại Đồng Nai.
Ngành cơ khí chế tạo là nền tảng của nền công nghiệp tỉnh Đồng Nai
Hoạt động sản xuất trong nhà xưởng tại Công ty Sản xuất cơ khí ở Đồng Nai

Tại Đồng Nai, giữ vai trò chủ đạo trong phát triển công nghiệp chế tạo là các DN FDI đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ. Khi họ đến Đồng Nai đầu tư đã góp phần thúc đẩy các DN có vốn đầu tư trong nước cùng tham gia vào chuỗi cung ứng, gồm gia công một số công đoạn cho sản phẩm, hoặc sản xuất một số linh kiện thiết bị máy móc cho DN FDI. Nhiều DN nhỏ và vừa của Việt Nam được thành lập và trở thành đối tác cung ứng đầu vào cho sản xuất của nhiều DN FDI trong và ngoài tỉnh.

 

Có nhiều tập đoàn FDI đã đầu tư vào tỉnh ở những ngành nghề trên như: Bosch, Hansol Technics, Intops, Posco, Schaeffler, Nok, Meggitt… Nhiều tập đoàn, DN FDI sau một thời gian đầu tư vào tỉnh thành công đã tăng vốn, mở rộng sản xuất và xuất khẩu sang nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Bên cạnh đó, mỗi năm tỉnh thu hút vài chục dự án mới của DN FDI vào lĩnh vực chế tạo. Trong 7 tháng đầu năm 2023, các khu công nghiệp Đồng Nai thu hút gần 780 triệu USD vốn FDI. Các dự án thu hút mới thuộc ngành cơ khí, thực phẩm, năng lượng, công nghệ cao, thân thiện môi trường.

 

Các quốc gia, vùng lãnh thổ dẫn đầu trong đầu tư vào công nghiệp chế tạo ở Đồng Nai là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Liên minh châu Âu (EU). Trên địa bàn tỉnh đã thành lập Chi hội Ngành công nghiệp hỗ trợ Đồng Nai với hơn 30 thành viên, chuyên sản xuất các thiết bị, linh kiện cung ứng cho DN FDI trong và ngoài tỉnh và từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

 

Ông Ngô Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) cho hay: “Năm 2016, tôi thành lập Công ty Quyết Thắng, chuyên sản xuất những thiết bị phễu rung, mâm rung, sàng rung, bộ điều khiển rung, máy cấp phôi… để cung cấp cho các DN FDI có nhu cầu tự động hóa ở một số khâu trong sản xuất nhằm giảm lao động, chi phí mà vẫn tăng công suất. Sau khi sử dụng thành công sản phẩm của Công ty, một số DN FDI đã đặt hàng với số lượng lớn, vì thế tôi tăng công suất để đáp ứng các đơn hàng trong nước, xuất khẩu”.

 

Cũng theo ông Bình, ngày càng có nhiều DN FDI tại Việt Nam tìm đến Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Quyết Thắng đặt hàng, vì lắp đặt sản phẩm của Công ty vào dây chuyền sản xuất sẽ giúp DN giảm tỷ lệ hàng hóa hư hỏng xuống thấp và giảm 3-6 lao động/công đoạn. Chỉ sau 1-2 năm, DN có thể thu hồi vốn bỏ ra mua thiết bị của Quyết Thắng.

 

Doanh nghiệp sản xuất cơ khí tại Đồng Nai mong nhận được sự hỗ trợ về nguồn vốn

 

Trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, lĩnh vực sản xuất khuôn mẫu là một trong các ngành sản xuất đặc biệt quan trọng, đang phát triển theo hướng tập trung đầu tư và phát triển công nghệ. Với khả năng tạo ra sản phẩm có số lượng lớn, thời gian sản xuất ngắn và mức độ ổn định cao, các sản phẩm khuôn mẫu là công cụ không thể thiếu trong rất nhiều ngành sản xuất công nghiệp, từ các sản phẩm đồ gia dụng đến các sản phẩm hàng không và điện tử hiện đại.

 

Tại Đồng Nai đã có một số DN trong lĩnh vực sản xuất khuôn mẫu có thành công đáng kể, đơn cử như Công ty TNHH Tương Lai (huyện Long Thành) từng bước đặt chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Trương Quốc Cường, Giám đốc Công ty cho hay, DN chuyên cung ứng các sản phẩm nhựa cao su kỹ thuật trong sản xuất ô tô, xe máy. Tuy là DN Việt, quy mô vừa, nhưng lợi thế của Công ty là chủ động chế tạo được khuôn mẫu. Thay vì phải thuê gia công thì việc tự chủ công nghệ giúp DN giảm giá thành và nâng cao chất lượng.

 

Hiện tại, ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo đang có tiềm năng lớn để phát triển, nhưng hầu hết các DN tại Đồng Nai mới chỉ có quy mô nhỏ, nguồn lực còn hạn chế, lại chịu sự cạnh tranh gay gắt với các DN nước ngoài nên chưa phát huy được hết tiềm năng. Khảo sát các DN cơ khí, chế tạo của Đồng Nai thì đa số DN tự tin về trình độ kỹ thuật, tay nghề, khả năng nắm bắt kỹ thuật mới, nhưng đang gặp vướng mắc lớn về tài chính để đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại cho sản xuất công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao.

 

Hạn chế về năng lực công nghệ, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những khó khăn mà các DN ngành cơ khí đang phải đối mặt. Cùng với đó, chất lượng nhân công có trình độ, kỹ thuật cao còn ít, DN phải bỏ công ra đào tạo nhiều mới trở thành thợ lành nghề được.

 

Theo ông Mai Thành Long, Giám đốc Công ty TNHH Môi trường Chín Chín (TP. Biên Hòa), chuyên sản xuất máy móc trong lĩnh vực xử lý môi trường thì vấn đề có thể thấy ngay là đầu tư vào lĩnh vực cơ khí, chế tạo đòi hỏi rất nhiều vốn. Máy móc, nguyên phụ liệu, các thiết bị đầu vào đắt đỏ. Muốn sản phẩm chất lượng, cạnh tranh, DN phải có được cơ sở vật chất, máy móc hiện đại nhất. Điều này không phải DN nào cũng đáp ứng được.

 

Thực tế hiện nay, để đầu tư phát triển, DN rất khó vay được vốn ngân hàng vì nhu cầu lớn, nhưng số tiền vay được không đủ, nhiều người phải tính đến phương án vay ngoài. Việc phải trả lãi suất cao cũng bào mòn “sức khỏe” DN, nhất là trong giai đoạn hiện nay, do đó rất khó để huy động tiềm lực tái đầu tư. Vì vậy, để ngành công nghiệp cơ khí tại Đồng Nai phát triển, các DN mong muốn có sự đồng hành, tạo điều kiện từ chính quyền địa phương để chính sách trợ giúp thuận lợi hơn cho ngành, nhất là trong việc vay vốn ưu đãi.

 

Trường Phạm


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang