Sản xuất linh kiện điện tử thu hút chủ yếu các DN FDI
Trong tổng số trên 500 dự án đang còn hiệu lực tại các KCN của tỉnh Hà Nam, có khoảng 200 dự án thuộc lĩnh vực sản xuất các mặt hàng điện, điện tử với sản phẩm chính là dây dẫn điện ô tô, xe máy; điện tử, máy tính; điện thoại và linh kiện điện thoại; điện gia dụng; hệ thống bán dẫn… Những năm gần đây, thị trường tiêu thụ các mặt hàng này khá thuận lợi, nhất là các loại linh kiện điện thoại cho Tập đoàn Samsung; các loại dây dẫn điện ô tô, xe máy cho các hãng Honda, Toyota, Hyundai, Kia hay Mazda… Điều này đã tạo thuận lợi để cho các DN đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.
Đầu tư vào KCN Thanh Liêm từ cuối năm 2021, Công ty TNHH Samas Wiring Systems Vina - DN có 100% vốn đầu tư từ Hàn Quốc đang sản xuất mặt hàng dây dẫn điện ô tô. Những năm qua, các hãng ô tô lớn như Honda, Toyota, Hyundai, Kia, Mazda… không ngừng lớn mạnh đã thúc đẩy các DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ, sản xuất dây dẫn điện ô tô cùng phát triển, trong đó có Samas Wiring Systems Vina. Nếu như thời điểm mới đi vào hoạt động, Samas Wiring Systems Vina chỉ có vài chục lao động thì đến nay, Công ty đã thu hút trên 300 lao động làm việc.
Ông Moon Doyeon, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Sau gần 2 năm đầu tư tại tỉnh Hà Nam, chúng tôi thấy môi trường đầu tư tại đây rất thuận lợi. Công ty luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ từ các cấp chính quyền tỉnh, Ban Quản lý các KCN tỉnh, nhất là trong đợt bùng phát dịch Covid-19, nhờ vậy mà Công ty luôn bảo đảm an toàn trong thực hiện công tác phòng chống dịch, tuyển dụng đủ lao động để hoạt động ổn định và từng bước phát triển. Nhận thấy môi trường đầu tư an toàn, thuận lợi, chúng tôi đang tiếp tục tìm kiếm đối tác để mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như đẩy mạnh sản xuất trong thời gian tới.
Để kêu gọi các DN nói chung, DN điện, điện tử nói riêng đến đầu tư, những năm qua, tỉnh Hà Nam đã quan tâm làm tốt công tác xúc tiến đầu tư, nhất là xúc tiến đầu tư nước ngoài; tăng cường quảng bá, giới thiệu hình ảnh, môi trường đầu tư của tỉnh thông qua nhiều kênh quảng bá tại các khu vực trọng điểm thu hút đầu tư FDI như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), các nước châu Âu. Hằng năm, lãnh đạo tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi làm việc, gặp mặt DN, nhà đầu tư lớn đang đầu tư tại KCN và các Hiệp hội DN của Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc để trao đổi, tiếp nhận, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, phản ánh của nhà đầu tư; hỗ trợ DN mới đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà xưởng, hoàn tất thủ tục đầu tư.
Đẩy mạnh chính sách hỗ trợ DN điện, điện tử
Theo số liệu từ Ban Quản lý các KCN tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2023, DN trong các KCN tỉnh xuất ra thị trường gần 14,6 triệu bộ dây dẫn điện ô tô, xe máy, đạt 50% kế hoạch năm, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, các DN còn tiêu thụ 150 triệu sản phẩm thiết bị điện các loại, đạt 40,5% kế hoạch năm; 18.500 triệu sản phẩm linh kiện, thiết bị điện tử, đạt gần 49% kế hoạch năm…
Ông Trần Văn Kiên, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Những tháng cuối năm, nhất là quý IV, các DN nói chung, DN sản xuất mặt hàng điện, điện tử nói riêng luôn có sự tăng tốc đáng kể trong sản xuất để hoàn thành các đơn hàng của năm cũng như phục vụ các đơn hàng cho đầu năm sau.
Nhằm hỗ trợ các DN công nghiệp hỗ trợ trong tỉnh nói chung, các DN điện, điện tử nói riêng, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đề ra mục tiêu: Đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 213.000 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ chiếm tỷ trọng 30% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 25%.
Hà Nam đang cải cải thiện môi trường đầu tư, thu hút và tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp điện, điện tử
Ngoài ra, theo Quy hoạch phát triển công nghiệp – thương mại tỉnh Hà Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 của UBND tỉnh Hà Nam, đối với ngành Công nghiệp sản xuất thiết bị điện, Điện tử và Công nghệ thông tin, giai đoạn đến năm 2025, tỉnh tiếp tục tập trung phát triển một số nhóm ngành đã có thế mạnh sản xuất trên địa bàn tỉnh như: Các sản phẩm thiết bị điện, điện tử thông dụng; công nghiệp hỗ trợ điện tử phục vụ cho việc hoàn thiện các sản phẩm điện tử gia dụng, các sản phẩm điện tử văn phòng, điện, điện tử phục vụ công nghiệp.
Tiếp tục kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài các ngành công nghiệp điện tử, tin học, đặc biệt là các nhóm ngành sản phẩm kỹ thuật cao, hàm lượng công nghệ và vốn lớn như: Thiết bị ngoại vi/ mạng và máy tính cá nhân; Các thiết bị thông tin di động chủ yếu; Thiết bị điện tử gia dụng thông dụng. Đồng thời xúc tiến, nghiên cứu sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử chuyên dụng.
Giai đoạn 2026-2035: Dự kiến trong giai đoạn này tỉnh sẽ phấn đấu tự chủ nắm vững đầy đủ các công nghệ mới trong sản xuất các nhóm sản phẩm công nghệ phức tạp hơn theo tiêu chí sản xuất xanh, tiết kiệm năng lượng, trình độ tự động hóa cao hơn. Chú trọng thu hút phát triển nhóm các sản phẩm mới hình thành từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như: máy in 3D, robot, thiết bị đeo thông minh; phương tiện tự hành, máy tính lượng tử; công nghệ sinh học, công nghệ nano,...
Để đạt mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thu hút và tạo điều kiện phát triển một số ngành, sản phẩm như điện, điện tử, cơ khí chế tạo, lắp ráp, sản phẩm công nghệ cao, thân thiện môi trường và tiết kiệm năng lượng… Đồng thời, tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, trọng tâm là tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu; củng cố, nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ hoạt động sản xuất tại các KCN; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN vào đầu tư, hoạt động.
Huyền My