Thực trạng ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam
Theo những thông tin có được từ chính các cuộc hội thảo tổ chức trong khuôn khổ triển lãm đã cho thấy, không ít điểm yếu đáng lo ngại của ngành CNHT được bộc lộ, ví như đến nay bao bì carton, vỏ nhựa gần như là loại sản phẩm duy nhất mà các DN Việt Nam có thể đóng góp cho ngành công nghiệp điện tử Việt Nam, hay số liệu từ cuộc khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy, tỷ lệ phần trăm các phụ tùng mua tại Việt Nam thấp hơn so với bất kỳ nước nào khác trong khối ASEAN. Các nhà sản xuất Nhật Bản tại Việt Nam phải nhập khẩu những phụ tùng cần thiết từ các nước khác như Nhật Bản, Thái Lan và Trung Quốc. Điều này khiến cho giá thành sản phẩm tăng, làm giảm khả năng cạnh tranh xuất khẩu, giảm lợi nhuận thương mại. Mặt khác, cũng do năng lực sản xuất phụ tùng, nguyên liệu của Việt Nam còn yếu kém, hiện chỉ có khoảng 80% tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam được dành cho việc nhập các nguyên liệu đầu vào, thiết bị, phụ tùng và máy móc phục vụ sản xuất trong nước. Ngoài ra, việc không tự sản xuất được phụ tùng, nguyên liệu còn làm cho các nhà sản xuất tại Việt Nam gặp khó khăn rất lớn trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm với mức giá cạnh tranh. Chính vì vậy, lợi thế sản xuất rẻ tại Việt Nam sẽ nhanh chóng mất đi. Đặc biệt, với các nước ASEAN thì rào cản thuế quan đã được dỡ bỏ, thì rất có thể các nhà đầu tư sẽ lựa chọn “điểm đến” khác và Việt Nam có nguy cơ trở thành thị trường tiêu thụ hàng nhập khẩu thuần túy. Một cố vấn cao cấp của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đưa ra nhận định: thiếu CNHT, nền công nghiệp hoàn toàn không được nuôi dưỡng ở Việt Nam.
Thực tế cho thấy khung pháp lý để nâng đỡ CNHT cũng đã được chú trọng, được xây dựng từ rất lâu; Chiến lược phát triển CNHT đã có; Thông tư quy định về cơ chế ưu đãi cho các DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT cũng đã được ban hành, nhưng theo các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này, tư duy và nhận thức của các DN trong nước cần phải có bước chuyển mạnh mẽ, nhằm đảm bảo hai yêu cầu then chốt đó là sản phẩm phải có chất lượng đồng đều và thời hạn giao hàng phải chuẩn. Hai yếu tố này được làm tốt thì uy tín của DN sẽ được đảm bảo, từ đó mới giúp DN tìm kiếm được đối tác lâu dài và có tiềm lực thực sự.
Phát triển CNHT của Việt Nam - những vấn đề đặt ra
Sản xuất điện thoại của Công ty Samsung
Việt Nam phấn đấu sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nhưng hiện nay, ngành công nghiệp Việt Nam cơ bản vẫn là gia công, lắp ráp. Nguyên liệu, phụ tùng từ ngành dệt may đến đóng tàu chủ yếu phải nhập khẩu. Thực tế cho thấy, giá trị nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp và sản phẩm công nghiệp Việt Nam xuất khẩu rất lớn, tỷ lệ nhập siêu trong công nghiệp lại càng lớn hơn, nhưng chúng ta vẫn phải xuất siêu sản phẩm công nghiệp. Nếu tỷ lệ nhập siêu trong toàn bộ kim ngạch xuất khẩu chiếm 20% thì tỷ lệ nhập siêu ngành công nghiệp chiếm tới khoảng 70%. Quá trình này dẫn đến giá trị gia tăng thấp, năng lực cạnh tranh không cao, đó còn chưa nói ở Việt Nam, hiện có rất ít nhà sản xuất phụ tùng, linh kiện đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng của các DN Nhật Bản. Ngành lắp ráp, chi phí linh phụ kiện chiếm từ 70-90% giá thành, còn nhân công lao động chiếm dưới 10%, nhưng các nhà quản lý công nghiệp chưa mấy chú ý đến hàm lượng giá trị gia tăng mà CNHT có thể mang lại. Ngoài ra, còn chưa kể xu hướng tất yếu của sản xuất trong một nền kinh tế thị trường là không ngừng nâng cao năng suất, tạo nhiều giá trị gia tăng, giảm giá thành để tồn tại, phát triển trong cạnh tranh khốc liệt, vậy mà nền công nghiệp của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên và lao động gia công giá rẻ. Trong khi, hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi phải bắt đầu bằng việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, sản xuất chi tiết linh kiện. Chúng ta đã và đang làm ngược lại, hầu hết sản phẩm xuất khẩu dầu, than, nông sản... đều ở dạng thô. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cho phát triển ngành CNHT chưa đáp ứng được điều kiện cần, chứ đừng nói là đủ. CNHT chưa phát triển, thậm chí là kém phát triển sẽ dẫn đến hệ lụy khiến các cơ sở sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng có thể phải rút khỏi thị trường Việt Nam do không tìm được nguồn cung cấp linh kiện chi tiết, đặc biệt là trong điều kiện sức ép về tiền lương tăng lên, lợi thế nhân công rẻ mất đi, vì vậy hơn lúc nào hết, phát triển ngành CNHT ở Việt Nam đang thực sự trở nên cấp bách.
Một đất nước trở thành nước công nghiệp đòi hỏi phải có đầy đủ các ngành nghề thuộc lĩnh vực CNHT. Muốn vậy, thiết nghĩ, Chính phủ cần tạo ra được môi trường kinh doanh tốt, chính sách phát triển hợp lý, các DN phải thường xuyên cải thiện sản xuất, kỹ thuật, cung cấp những sản phẩm được thị trường chấp nhận. Tuy nhiên, do thực lực còn hạn chế về nhiều mặt, từ vốn liếng, công nghệ cho đến nguồn nhân lực, đa phần các DN Việt Nam đang rất cần nhận được sự hỗ trợ thiết thực từ phía Nhà nước như: Hỗ trợ tìm kiếm, xây dựng các quan hệ liên kết với DN CNHT nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm, với DN sản xuất để nắm bắt cơ hội liên doanh, liên kết, thương mại...
Anh Thư