Thứ Bẩy, 23/11/2024 15:05:10 GMT+7
Lượt xem: 1878

Tin đăng lúc 14-06-2020

Ngành Công Thương Ninh Bình: Phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội

Với những thế mạnh vốn có của vùng đất cố đô, kinh tế Ninh Bình hiện đang tăng tốc, trên đà phát triển mạnh mẽ. Trong đó, không thể không nhắc tới đóng góp của ngành Công Thương tỉnh, đơn vị khẳng định vai trò nòng cốt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội quan trọng, giúp Ninh Bình có những bước tiến vững chắc trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế.
Ngành Công Thương Ninh Bình: Phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội
Ông Hoàng Trung Kiên - Giám đốc Sở cùng các lãnh đạo Trung tâm tổ chức nghiệm thu tại DNTN Minh Quyền

Sản xuất công nghiệp tiếp đà tăng trưởng

 

Thời gian qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng với các cấp, các ngành và sự đồng hành của các doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp (SXCN) của tỉnh Ninh Bình đã có những bước phát triển khá. Tỉnh đã tập trung vào những ngành công nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh và có ý nghĩa chiến lược đối với tăng trưởng nhanh, bền vững.

 

Năm 2019, SXCN tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, với sự mở rộng quy mô và phát huy công suất của các sản phẩm chủ lực có tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất ngành công nghiệp. Tổng giá trị SXCN năm 2019 đạt 71.830 tỷ đồng, tăng 24,46% so với cùng kỳ năm 2018, vượt 25,81% kế hoạch. Một số sản phẩm chủ lực chiếm tỷ trọng lớn và có mức tăng trưởng cao so với năm 2018 như sản xuất, lắp ráp ô tô ước đạt 67.489 xe, tăng 14,1%, vượt 27,34% kế hoạch; camera modul ước đạt 178,2 triệu sản phẩm, tăng 71,1%, gần gấp 2 lần kế hoạch; bên cạnh đó các sản phẩm như linh kiện điện tử, may mặc, giày dép… đều duy trì mức tăng trưởng rất tốt.

 

Gặt hái được những thành quả đó là nhờ sự hoạt động ổn định của các cơ sở sản xuất, lắp ráp ô tô thuộc Tập đoàn Ô tô Thành Công; sản xuất phân đạm từ than cám hoạt động ổn định trở lại, tạo sản phẩm cung cấp cho thị trường của Nhà máy Đạm Ninh Bình; Nhà máy kính nổi CFG Ninh Bình tại KCN Khánh Cư hoàn thành xây dựng dây chuyền 2 của nhà máy và đưa vào hoạt động...

 

Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu tiếp tục có bước tăng trưởng đáng kể, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2019 ước đạt trên 2,1 tỷ USD, tăng 35,2% so với cùng kỳ năm 2018, vượt 44,8%. Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn như: Camera modul và linh kiện điện thoại ước đạt trên 970 triệu USD; xi măng và clanke ước đạt trên 322,3 triệu USD; linh kiện điện tử ước đạt trên 77,2 triệu USD…

 

Các nhóm hàng như nông sản, công nghiệp chế biến, thủ công mỹ nghệ, đều tiếp tục giữ được ổn định và chiếm tỷ trọng lớn kim ngạch xuất khẩu, lần lượt tăng từ 32,7% - 38,3% so với cùng kỳ. Nổi bật trong năm 2019, mặt hàng camera modul và linh kiện điện thoại của Công ty TNHH Mcnex có sự gia tăng đột biến về xuất khẩu, giá trị ước đạt trên 970 triệu USD, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ. Đây cũng là thời điểm tỉnh Ninh Bình xuất hiện một số sản phẩm xuất khẩu mới như linh kiện ô tô, dầu silicon, sản phẩm nhựa… Bên cạnh đó, một số dự án mới đi vào sản xuất ổn định đã đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

 

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là hướng đi trọng tâm

 

Từ nhiều năm nay, việc ưu tiên, khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN – TTCN) luôn được coi là hướng đi trọng tâm trong phát triển kinh tế tại địa phương. Trong đó, Sở Công Thương Ninh Bình đã thực hiện đúng chức năng là cơ quan tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực Công Thương, Sở đã xây dựng và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quyết định liên quan đến phát triển CN – TTCN trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như kế hoạch phát triển cụm công nghiệp, khu chế biến nông – lâm – thủy sản tập trung dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa… Kết quả, năm 2019, tỉnh đã thu hút 04 dự án đầu tư thứ cấp vào các cụm công nghiệp, nâng tổng số dự án mà tỉnh đã thu hút đầu tư lên 174 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư là 11.790,6 tỷ đồng.

 

Ngoài lĩnh vực công nghiệp, chiến lược phát triển TTCN, làng nghề cũng được các cấp, các ngành quan tâm chú trọng, tạo điều kiện. UBND tỉnh đã ban hành quyết định về công nhận danh hiệu nghệ nhân thủ công mỹ nghệ cấp tỉnh cho 12 nghệ nhân và 26 sản phẩm CNNTTB. Tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 75 làng nghề cấp tỉnh được công nhận đang hoạt động SXKD ổn định.

 

Công tác khuyến công và xúc tiến thương mại cũng được đơn vị đẩy mạnh bằng nhiều hoạt động có hiệu quả. Năm 2019, Sở đã thực hiện 39 đề án khuyến công và 22 đề án xúc tiến thương mại với tổng kinh phí hỗ trợ là 13,15 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này đã tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở CNNT mua sắm máy móc, thiết bị để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, giúp tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động, góp phần xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.

 

Song song với các hoạt động thúc đẩy CN – TTCN, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ANTP) cũng được Sở tích cực triển khai thông qua việc đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định về phân cấp quản lý nhà nước về ATTP thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường công tác thanh kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm…

 

 

Hỗ trợ cho các làng nghề phát triển tiểu thủ công nghiệp

 

Cụ thể hóa mục tiêu nhiệm vụ trong năm 2020

 

Năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu giá trị SXCN đạt 80.814 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2019; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt 39.700 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2019; kim ngạch xuất khẩu đạt 2,2 tỷ USD, tăng 4,7% so với năm 2019.

 

Để hoàn thành mục tiêu này, Sở Công Thương Ninh Bình đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển CN – TTCN; tăng cường thu hút đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, tạo mặt bằng thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào các cụm công nghiệp trên địa bàn; ưu tiên các dự án thuộc ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử; các dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; các dự án CNHT…

 

Ngoài ra, công tác quản lý năng lượng; quản lý nhà nước về kỹ thuật an toàn và môi trường; phát triển thị trường trong nước; đẩy mạnh phát triển xuất khẩu; công tác thanh, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo và cải cách thủ tục hành chính… vẫn được Sở chú trọng triển khai.

 

Sự phát triển nhanh và toàn diện của ngành Công Thương Ninh Bình đã và đang tiếp tục khẳng định vai trò là “đầu tàu” thúc đẩy kinh tế xã hội, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh. Bằng các giải pháp quyết liệt, thời gian tới, ngành Công Thương Ninh Bình sẽ triển khai có hiệu quả các mục tiêu đã đề ra để hoạt động SXCN, thương mại trên địa bàn đạt kết quả tốt. Đồng thời, nỗ lực phấn đấu và thi đua thực hiện thắng lợi mọi mục tiêu, kế hoạch, qua đó khẳng định vai trò là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh, chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, hướng tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

 

Nguyễn Hoa


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang