Cách đây 65 năm, ngày 14/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 21-SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương. Trải qua 65 năm phát triển và trưởng thành, ngành Công Thương Việt Nam nói chung và ngành Công Thương Thái Nguyên nói riêng đã luôn và đang tiếp tục đóng góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội chung của đất nước.
Đặc biệt, trong những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, ngành Công Thương Thái Nguyên đã tiếp tục phát huy, nêu cao vai trò vị trí của mình đối với sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước và địa phương đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Sự trưởng thành của ngành Công Thương Thái Nguyên được thể hiện rõ nét qua từng lĩnh vực. Đối với lĩnh vực công nghiệp, hiện tại trên địa bàn tỉnh đã hình thành một hệ thống gồm 6 KCN tập trung và 32 cụm công nghiệp với diện tích lên tới 2.630 ha. Trong đó, đáng chú ý là các KCN có lợi thế đặc biệt về thu hút đầu tư như: KCN Yên Bình, thu hút được các dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng tỷ USD, trong đó nổi bật là Dự án đầu tư các nhà máy sản xuất, lắp ráp điện tử của Tập đoàn Samsung; các KCN Điềm Thụy, Nam Phổ Yên, Sông Công thu hút cả trăm dự án lớn nhỏ, trong đó có nhiều dự án phụ trợ cho Samsung. Trước những đòi hỏi từ thực tế phát triển, ngành Công Thương đã mạnh dạn điều chỉnh cơ cấu nội ngành cho phù hợp trên cơ sở dịch chuyển từ công nghiệp truyền thống sang công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử và vi mạch bán dẫn. Bên cạnh đó ngành cũng chủ trương vừa phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vừa tăng cường cho ngành công nghiệp chế biến sâu khoáng sản, luyện kim, chế tạo máy để tạo năng lực đa chiều..
Những năm gần đây, tình hình thu hút đầu tư vào lĩnh vực Công Thương đã có nhiều khởi sắc. Tổng số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh hiện đã ở con số 102 dự án, với số vốn đăng ký lên tới trên 7 tỷ USD. Năm 2015, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng đang chiếm tới 49,4%, dịch vụ chiếm 34% trong cơ cấu GDP toàn tỉnh. Hiện nay, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đã đạt trên 365 nghìn tỷ đồng, gấp 14,5 lần so với năm 2010; tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 10 năm, từ 2006 đến 2015 đã đạt mức 40,5%/năm. Giá trị xuất khẩu cũng đạt 17,5 tỷ USD năm 2015, bằng 10% giá trị xuất khẩu của cả nước, trở thành địa phương có giá trị xuất khẩu lớn toàn quốc. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng đạt trên 19.700 tỷ đồng…
Đối với khu vực thương mại, hiện nay toàn tỉnh đã và đang đầu tư 22 trung tâm thương mại, 24 siêu thị, 54 cửa hàng tự chọn và 139 chợ, đáp ứng tốt nhu cầu giao thương mua sắm của nhân dân. Mạng lưới thị trường từ thành thị đến nông thôn đã phát triển và mở rộng với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, đảm bảo hài hòa, ổn định cả về sản xuất và tiêu dùng.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc đã biểu dương những thành tích mà ngành Công Thương Thái Nguyên đạt được trong những năm qua, đồng thời định hướng một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển toàn ngành trong thời gian tới. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành Công Thương tiếp tục nâng cao năng lực tham mưu, triển khai và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được phân công, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Trong đó, cần tiếp tục hoàn thiện các quy hoạch, hạ tầng ngành; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chủ động hội nhập; tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, những ngành có khả năng tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu; phát triển thương mại nhiều thành phần, hiện đại hóa các loại hình dịch vụ; tổ chức lại thị trường nội địa theo hướng văn minh, hiện đại, chú trọng phát triển thị trường nông thôn, miền núi, vùng cao.
Với những thành tích đạt được trong thời gian qua, ngành Công Thương Thái Nguyên vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều Bằng khen, Cờ thi đua, Huân chương Lao động hạng Nhì, Ba. |
Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho rằng, ngành Công Thương Thái Nguyên phải phát huy lợi thế của một tỉnh là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực đứng thứ 3 cả nước để huy động tối đa lực lượng cán bộ chất lượng cao phục vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Ngành cần tích cực đẩy mạnh các hoạt động thi đua yêu nước, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tập trung nguồn lực đầu tư các ngành kinh tế mũi nhọn, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp và người dân yên tâm tham gia sản xuất, kinh doanh; có giải pháp đẩy lùi thực phẩm bẩn, đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… Mong muốn ngành Công Thương phát triển mạnh mẽ, xứng đáng là ngành kinh tế chủ lực ở địa phương.
Một số hình ảnh tại buổi Lễ:
Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hồng Bắc trao tặng cờ cho Sở Công Thương Thái Nguyên
Các cá nhân nhận kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển ngành Công Thương
PV