Thứ Sáu, 22/11/2024 15:28:12 GMT+7
Lượt xem: 4899

Tin đăng lúc 08-06-2016

Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ: Quyết liệt đổi mới môi trường kinh doanh

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Theo đó, Chính phủ quyết liệt đổi mới môi trường kinh doanh cũng như đưa ra những đích đến rất cụ thể cho doanh nghiệp Việt Nam.
Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ: Quyết liệt đổi mới môi trường kinh doanh
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với các đại biểu dự Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp ngày 29/4/2016 tại TP HCM. Ảnh : Quốc Tuấn

Đây là Nghị quyết triển khai những kiến nghị của doanh nghiệp và những đề xuất của các bộ ngành tại cuộc gặp Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 29/4 vừa qua.

 

Năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp

 

Mục tiêu đầu tiên mà Nghị quyết đặt ra là đến năm 2020, xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Như vậy có thể thấy, Chính phủ đang hướng tới sự phát triển doanh nghiệp thiên nhiều về chất lượng hơn số lượng. Bởi vì với khoảng nửa triệu doanh nghiệp đang hoạt động hiện nay, nhiều chuyên gia đang kỳ vọng Việt Nam sẽ có khoảng 1,5 – 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Đặc biệt, trong nhiều văn kiện của Đảng cũng như chính sách của Nhà nước đều hướng tới một chương trình khởi nghiệp doanh nghiệp rất mạnh mẽ, trong giai đoạn tới.

 

Mục tiêu tiếp theo cũng rất quan trọng đó là khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48 – 49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Theo một số báo cáo, hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân đang đóng góp khoảng hơn 32% GDP với vốn đầu tư vào tổng đầu tư nền kinh tế khoảng 36-38%. Những số liệu này có thể thấy, Chính phủ đang kỳ vọng rất nhiều vào sự đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, trong 5 năm tới.

 

Để đạt được mục tiêu này, Nghị quyết của Chính phủ đã đề ra việc quyết tâm thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ. Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế. Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực như: Vốn, tài nguyên, đất đai… và đầu tư kinh doanh.

 

Cải cách hành chính và đồng bộ hóa Chính phủ điện tử để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cũng là nội dung được đặc biệt chú trọng. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 – 2017, định hướng đến năm 2020.

 

Năng suất lao động tăng khoảng 5%/năm

 

Đối với nhóm mục tiêu tăng năng suất, việc tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) sẽ phải đóng góp khoảng 30 – 35% GDP. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm. Hàng năm, có khoảng 30 – 35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo. Đây được xem là những mục tiêu có thể phải cố gắng hơn nữa.

 

Bởi vì, nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra việc tăng năng suất của Việt Nam trong giai đoạn tới cần phải đẩy mạnh nếu muốn thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”. Theo Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tăng năng suất lao động của Việt Nam bình quân giai đoạn 2005 – 2015 chỉ đạt 3,9%/năm. Nếu so với Trung Quốc là 9,07%/năm thì tỷ lệ tăng năng suất của Việt Nam còn rất khiêm tốn.

 

Để giải quyết vấn đề năng suất lao động, Chính phủ đã giao Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, đánh giá tình hình thực hiện và hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Vấn đề phát triển các Quỹ Phát triển DNNVV, cùng với Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia và các quỹ của khu vực tư nhân sẽ được đẩy mạnh. Chính phủ sẽ chú trọng nghiên cứu việc thành lập, tổ chức và vận hành các mô hình vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp, chương trình tăng tốc đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp theo hình thức đối tác công tư…

 

Chính phủ giao Bộ KH-CN chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi bổ sung tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy trình đánh giá sự phù hợp, hợp chuẩn, tạo điều kiện thuận lợi để thương mại hóa sản phẩm của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ này cũng phải rà soát, đơn giản hoá quy trình, thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ; nâng cao hiệu quả thực thi và đẩy mạnh việc tạo lập, khai thác, quản trị tài sản trí tuệ của doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận, khai thác, sử dụng hiệu quả các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia. Tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tiếp tục xử lý nghiêm các vi phạm cũng được nhấn mạnh.

 

Nghị quyết 35 nêu rõ: Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực như: Vốn, tài nguyên, đất đai… và đầu tư kinh doanh.

 

Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp

 

Vấn đề tiết giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp là một nội dung được Chính phủ giao rất cụ thể cho từng bộ. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan rà soát các quy định giảm tiền thuê đất, chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất, điều chỉnh mức phí đường bộ, phí BOT. Qua đó, Bộ Tài chính đề xuất mức điều chỉnh hợp lý để giúp doanh nghiệp giảm chi phí, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải. Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, bảo đảm công khai minh bạch về giá và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển. Bộ LĐ-TB-XH chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan rà soát, điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng phù hợp với năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh của DN và nhu cầu sống tối thiểu của người lao động…

 

Đặc biệt, chi phí không chính thức đang là một thực trạng rất báo động. Nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra, mặc dù Quốc hội, Chính phủ rất sát sao về vấn đề này nhưng chi phí không chính thức trong những năm qua đang có chiều hướng tăng lên. Chính phủ đã giao VCCI tổ chức điều tra, thống kê, tổng hợp các chi phí chính thức, chi phí không chính thức đối với doanh nghiệp, so sánh với các doanh nghiệp trong khu vực, quốc tế và đề xuất giải pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp.

 

Ông Phạm Ngọc Hưng- Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh: Không vương vấn cách làm chậm chạp cũ
 

Sẽ có những thách thức lớn đặt ra đối với thực hiện Nghị quyết. Trước hết, thách thức ở chính chỉ tiêu cao. Để đạt được, Chính phủ sẽ phải có giải pháp để có bộ máy nhân sự hành chính, các cán bộ nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công có thể giải quyết được nhiệm vụ xây dựng Chính phủ kiến tạo. Nếu hô hào mà không cải cách hành chính và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hành chính, sẽ rất khó thực hiện được chỉ tiêu đặt ra.

Bên cạnh đó, vấn đề sẽ là đôn đốc các Bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết, không duy trì hay vương vấn cách làm chậm chạp cũ. Với quyết tâm của Chính phủ, sự đồng lòng cao độ của Nhà nước – Doanh nghiệp, đạt được những mục tiêu nói trên, Việt Nam sẽ có bước đột phá vươn lên ít nhất đứng trong top 4 Asean.

Cái đích nhắm ấy cũng chính là điều mà cộng đồng doanh nghiệp cũng đang nỗ lực hướng đến, như một trong những hướng đi nâng cao năng lực cạnh tranh, tự cường và vị thế Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu.

Ông Lê Phạm Thanh Tâm – Giám đốc Công ty TNHH MTV Quốc tế Letas: Tránh tình trạng “trên bảo dưới không nghe”

Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ : Về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 16/5/2016, một thời gian rất ngắn ngay sau khi Thủ tướng nhậm chức và điều hành bộ máy Chính phủ cũng như tổ chức Hội nghị gặp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, có thể nói là một sách lược thể hiện quyết tâm hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế – xã hội trong một giai đoạn mới.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, hiện nay, theo các số liệu thống kê có đến 7.000 điều kiện kinh doanh, trong đó có rất nhiều điều kiện không còn hợp lý và đang tạo gánh nặng cho doanh nghiệp dù Chính phủ trong thời gian qua cũng đã rất quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính. Do đó, cần sự vào cuộc quyết liệt của bộ máy chính trị các cấp để giúp cho môi trường kinh doanh được cải thiện tốt hơn, tránh tình trạng “trên bảo dưới không nghe” như trong thời gian qua.

L.Mỹ, N.Phước ghi

 

 

Theo Báo Diễn đàn doanh nghiệp


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang