Thứ Năm, 21/11/2024 20:16:44 GMT+7
Lượt xem: 1728

Tin đăng lúc 04-12-2023

Nguồn vốn Agribank giúp người nông dân Bắc Giang “ngược đường, thắng lớn”

Đến huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) vào thời điểm nửa cuối tháng 11, chúng tôi cảm nhận được sức sống mạnh mẽ của một vùng đất trù phú được phủ kín màu xanh của những gốc bưởi, gốc cam trĩu trịt quả. Được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng cho điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, thật không hề quá khi nhận xét rằng: Lục Ngạn chính là "thủ phủ" cây ăn quả lớn nhất miền Bắc, mà trong đó, các loại cây có múi đang dần khẳng định được vị thế của mình, giúp không ít hộ nông dân nơi đây ăn nên, làm ra.
Nguồn vốn Agribank giúp người nông dân Bắc Giang “ngược đường, thắng lớn”
Trong hành trình “ngược đường” “di cư” cho cây bưởi da xanh của anh Hữu luôn có sự đồng hành của Agribank Chi nhánh huyện Lục Ngạn

Người nông dân “ngược đường” “di cư” cho trái bưởi da xanh

 

Chiều cuối tuần, cùng cán bộ Agribank huyện Lục Ngạn ghé thăm mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ của gia đình anh Nguyễn Văn Hữu (thôn Xẻ Cũ, xã Thanh Hải), chúng tôi không khỏi bất ngờ với quy mô gần 10ha cam - bưởi mà cây nào cũng trĩu quả. Trên khắp các sườn đồi thấp xung quanh trải bạt ngàn những gốc bưởi, gốc cam đang vào vụ thu hoạch, ngào ngạt mùi hương ngọt thơm của trái chín.

 

Nếu là du khách từ phương xa đến, có lẽ ít ai biết được toàn bộ diện tích này trước đây là “địa bàn” của cây vải - thứ cây ăn quả đã làm nên thương hiệu “Vải Lục Ngạn” nức tiếng xa gần. Nhưng đó đã là câu chuyện của gần 15 năm về trước. Anh Nguyễn Văn Hữu cũng như bao người nông dân Lục Ngạn khác, làn da sạm đi vì nắng gió và đôi tay chai sần, đã mạnh dạn từ bỏ nghề trồng vải kế thừa từ thời cha mẹ để lại, chuyển toàn bộ diện tích gần 10ha sang trồng cây có múi.

 

Anh Hữu cho biết: Thời điểm năm 2009, khi bắt đầu nhen nhóm dự định phá bỏ vườn vải của gia đình để bắt đầu dự án trồng bưởi da xanh, anh vấp phải sự phản đối quyết liệt của cha mẹ mình cùng sự can ngăn của anh em, bà con hàng xóm. Việc thay đổi hoàn toàn một loại cây mới gần như chưa có ai đi trước “làm phép thử” là vô cùng mạo hiểm. Anh như đánh cược toàn bộ cơ nghiệp bấy lâu của gia đình vào hai chữ “may rủi”. Hơn nữa, theo những người nông dân cùng nghề trên địa bàn, cây bưởi da xanh vốn có nguồn gốc phương Nam, không phải là giống cây “dễ chiều”, nhất là với thổ nhưỡng, khí hậu miền Bắc. Nhưng với ý chí, quyết tâm và tinh thần không ngại học hỏi, anh cùng vợ đã đi khắp nơi, thậm chí vào tận quê hương của giống bưởi này ở Bến Tre để tìm hiểu từ giống đến kỹ thuật ươm trồng và chăm sóc… làm sao để đạt hiệu quả nhất.

 

Anh Hữu chia sẻ: “Vải Lục Ngạn dù ngon, dù sai nhưng đều phải phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, rất dễ được mùa, mất giá. Hơn nữa, vụ thu hoạch vải ngắn, thu nhập không cao. Lúc có ý tưởng chuyển sang trồng bưởi, tôi chỉ có một suy nghĩ: Người miền Nam đi trước mình gần 20 năm và thành công, vậy tại sao địa bàn Lục Ngạn có thổ nhưỡng tốt lại không trồng bưởi được?”.

 

Nghĩ là làm, anh cùng vợ quyết tâm hiện thực hóa ước mơ đổi đời nhờ cây bưởi da xanh. Và không phụ lòng anh mong mỏi, sau gần 4 năm vất vả chăm sóc, vườn bưởi của anh đã cho ra lứa đầu tiên với chất lượng trên cả mong đợi. Mùa bưởi năm 2013, gia đình anh bội thu với những trái ngọt vừa đạt tiêu chuẩn thưởng thức, vừa bán được giá.

 

Sau 15 năm nhìn lại, anh Hữu tâm sự, bản thân anh không thể tưởng tượng được sẽ có ngày hôm nay. Xuất phát điểm từ bưởi da xanh, giờ đây vườn của anh đã có thêm cả những cây bưởi siêu ngọt, cam ngọt mọng nước dành bán vụ Tết. Không chỉ vậy, mô hình trồng cây ăn quả kết hợp du lịch sinh thái mà gia đình anh đang áp dụng cũng mang lại hiệu quả trông thấy. Du khách đến vườn được tự tay trải nghiệm thu hái cam, bưởi từ trên cây và ăn ngay tại chỗ, cảm nhận được sự ngon ngọt tuyệt vời của trái chín cây tươi mọng. Nhờ vậy, thu nhập mang lại cho gia đình anh cũng cao hơn so với mô hình bán hàng truyền thống. So sánh với vụ vải ngắn ngày chỉ lãi khoảng 30%, hiện nay, với mô hình bưởi - cam, gia đình anh Hữu đạt sản lượng mỗi niên vụ khoảng 300 tấn quả, thu về khoảng 8 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 50%.

 

Trên đà thành công, gia đình anh Hữu dự định sau năm 2023 sẽ tăng thêm 02ha bưởi siêu ngọt; sau năm 2024 trồng thêm 02ha cam ngọt và tiếp tục mở rộng mô hình du lịch miệt vườn theo hướng gia tăng các hoạt động trải nghiệm, tiện ích… cho du khách tham quan.

 

Agribank Bắc Giang - Người bạn đồng hành của nông dân địa phương

 

Mới nghe qua câu chuyện “đổi đời” nhờ cây bưởi da xanh của hộ gia đình anh Nguyễn Văn Hữu, không ít người nghĩ rằng chặng đường làm giàu trên mảnh đất quê hương của anh thật dễ dàng. Nhưng tìm hiểu sâu hơn những khó khăn, vướng mắc anh gặp phải trong suốt 15 năm qua mới thấu hết những nhọc nhằn, trăn trở của người nông dân.

 

Từ bỏ cây vải, giống cây ngắn ngày nhanh cho ra trái đã là chuyện không dễ dàng. Chờ đợi trái bưởi, trái cam cho “quả ngọt” lại càng là sự thử thách lớn lao cho niềm tin, lòng kiên nhẫn và cả sự may rủi vốn nằm ngoài tầm với của con người. Anh Hữu chia sẻ: Trên địa bàn huyện Lục Ngạn vào thời điểm những năm 2007 - 2009, nhiều người cũng chuyển hướng từ vải sang cây có múi, nhưng có đến khoảng 60% mô hình thất bại do nhiều nguyên nhân. Hơn nữa, việc trồng cây có múi, đặc biệt là cây bưởi, nếu muốn cho năng suất và chất lượng cao đòi hỏi tốn nhiều nhân lực, công sức chăm sóc theo vườn, đặc biệt là phải đúng giai đoạn, không được bỏ lỡ các thời kỳ phát triển của cây. Chưa kể đến làm lớn, lại làm “khác người”, tất cả những hạng mục như: thuê kỹ sư về chăm sóc, xây dựng hạ tầng tưới tiêu, phân bón… đều cần đến chi phí không nhỏ.

 

Khởi điểm với số vốn 200 triệu đồng từ Agribank Chi nhánh huyện Lục Ngạn, anh Hữu từng bước tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất. Sau 1-2 năm đầu, khi mô hình trồng bưởi của gia đình anh từng bước đi vào ổn định, Agribank Chi nhánh huyện Lục Ngạn tiếp tục đầu tư thêm để anh Hữu mở rộng sản xuất. Trọn vẹn 15 năm và trong chặng đường dài tiếp theo, Agribank Lục Ngạn vẫn “thủy chung” đồng hành cùng gia đình anh.

 

Ngoài gia đình anh Nguyễn Văn Hữu, nhiều hộ dân mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây có múi trên địa bàn huyện Lục Ngạn cũng đang thu “trái ngọt”, đời sống từng bước được nâng cao. Kết quả này có được, ngoài sự quan tâm, hướng dẫn của chính quyền và Hội Nông dân địa phương, còn phải kể đến sự đồng hành sát sao của Agribank Lục Ngạn.

 

“Khi đến hạn trả nợ, nếu bà con gặp khó khăn do dịch bệnh, mất mùa, Agribank Lục Ngạn luôn có mặt kịp thời, hỗ trợ bà con tháo gỡ vướng mắc bằng cách gia hạn, kéo dài thời hạn trả nợ... Trong thời gian tới, Agribank Lục Ngạn sẽ tiếp tục tập trung ưu tiên từ nguồn vốn đến lãi suất cho bà con vay để phát triển kinh tế, đặc biệt là đối với cây có múi, góp phần nâng cao đời sống cho bà con, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”, ông Hà Duy Tuấn, -Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Lục Ngạn chia sẻ.

 

Những gốc bưởi, gốc cam, quýt… trên địa bàn huyện Lục Ngạn đang vào mùa cho quả ngọt. Đây cũng là thành quả của dòng vốn ngân hàng đã được đong đếm qua từng năm, từng mùa vụ. Hy vọng rằng, với sự đồng hành, tiếp sức từ Agribank tại địa phương, sẽ ngày càng có thêm nhiều những “tỷ phú nông dân” thành công với tâm huyết của mình, để màu xanh của cây trái, mùi thơm của quả ngọt vào mùa thu hoạch sẽ phủ kín mảnh đất được mệnh danh là “thủ phủ trái cây” của miền Bắc này.

 

Lê Na


Tag:Agribank

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang