Mới đây, Bộ Công Thương cho biết việc cung ứng điện trong năm 2020 được dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn, xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn cho việc cung cấp điện. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do tình hình thủy văn không thuận lợi, cực đoan và một số công trình điện chậm tiến độ vào vận hành…
Tăng nguồn điện chạy dầu
Theo tính toán, tổng sản lượng thủy điện trong các hồ thủy điện vào đầu năm 2020 thấp hơn so với mực nước dâng bình thường là 4,55 tỷ kWh. Đặc biệt, năm tới, để bảo đảm cung cấp đủ điện cho cả nước, dự kiến phải huy động tới 3,397 tỷ kWh từ nguồn điện chạy dầu giá thành cao.
Về giá dầu, dự báo mới đây từ đại diện Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas) cho rằng giá dầu thô Brent trong năm 2020 sẽ vẫn có thể nằm ở mức 63 - 65 USD/thùng.
Như lý giải của PVGas, vì hiện tại chỉ số công nghiệp và các chỉ số về sản xuất ở Trung Quốc đang hồi phục sau thương chiến Mỹ - Trung, nhưng vẫn rất khó đoán trước điều gì có thể tác động nhiều đến mức giá dầu lên.
Trong báo cáo kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được công bố mới nhất cho thấy, giá dầu Diesel (DO) và giá dầu Mazut (FO) bình quân hồi năm 2018 tăng so với 2017 lần lượt là 22% và 20,7%. “ G i a dầu tăng đã làm tăng chi phí mua điện khi huy động các nhà máy nhiệt điện chạy dầu”, báo cáo này nêu rõ.
Riêng mùa khô năm tới (tập trung vào các tháng 3, 4, 5, 6), theo dự kiến sẽ phải huy động khoảng 3,153 tỷ kWh từ nguồn điện chạy dầu, do tình hình thủy văn không thuận lợi.
Các chuyên gia cho rằng lượng điện huy động từ nguồn điện chạy dầu sẽ tăng thêm nếu xảy ra những tình huống cực đoan như lượng nước về các hồ thủy điện tiếp tục thấp hơn mức tần suất 65%, phụ tải tăng cao đột biến, hoặc có sự cố kéo dài tại các nhà máy nhiệt điện than và tuabin khí.
Thời gian qua, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia đã phải huy động đến các nguồn chạy dầu giá cao từ các nhà máy nhiệt điện Thủ Đức, Ô Môn, Cần Thơ… Giá bán điện của các nguồn điện chạy dầu được ghi nhận là rất cao nếu so với các nguồn năng lượng truyền thống khác như thủy điện, nhiệt điện than, tua bin khí.
Một số liệu so sánh đưa ra hồi giữa năm nay cho thấy, trong giá của các nhà máy nhiệt điện than, tua bin khí chu trình hỗn hợp đắt nhất khoảng 1.600 - 1.800 đồng/kWh. Giá của nguồn điện chạy dầu FO khoảng xấp xỉ 3.000 đồng/kWh. Đặc biệt, điện từ các nguồn chạy dầu DO có giá khoảng 5.500 đồng/kWh.
Lo chi phí mua điện
Theo dự báo và đánh giá từ giới phân tích của PVGas, trong năm 2020 và 2021 giá dầu FO sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi những chính sách cũng như xu hướng sử dụng năng lượng trên thế giới. “Giá dầu FO sẽ giảm xuống. Mức giảm của dầu FO trong năm 2020 được dự kiến sẽ vào khoảng 20 - 25% và đến năm 2021 sẽ vẫn có xu hướng giảm và có thể phục hồi tăng trưởng vào sau năm 2026”, PVGas nhận định.
Về giá khí, theo Bộ Công Thương, việc giá dầu HSFO thế giới (dùng để tham chiếu tính giá khí thị trường) hồi năm ngoái tăng so với năm 2017 đã làm tăng chi phí mua điện của Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau và các nhà máy nhiệt điện có giá khí theo thị trường.
Trong khi đó, hiện nay cả nước có 7.200 MW điện khí chiếm khoảng 16% tổng công suất hệ thống. Trong đó, khu vực Đông Nam bộ với 10 nhà máy có tổng công suất 5.700 MW, gồm các nhà máy điện Phú Mỹ, Bà Rịa và nhà máy Nhơn Trạch 1, 2 sử dụng nguồn khí mỏ Nam Côn sơn, Cửu Long.
Còn khu vực Tây Nam bộ với 2 nhà máy Cà Mau 1, 2 có tổng công suất khoảng 1.500 MW sử dụng nguồn khí mỏ PM3, Cái Nước. Tổng sản lượng điện khoảng 45 tỷ kWh/năm chiếm khoảng 25% tổng sản lượng điện hệ thống.
Về giá than cho nhiệt điện, chỉ tính hồi năm ngoái, mặc dù giá than nội địa ổn định nhưng giá than nhập khẩu lại tăng mạnh. Cụ thể, giá than Coalfax và giá than NewCastle Index bình quân năm 2018 tăng so với năm 2017 lần lượt là 20,42% và 21,34%.
Bởi vì giá than nhập khẩu tăng làm tăng chi phí mua điện từ các nhà máy điện sử dụng than nhập khẩu như Formosa Đồng Nai, Formosa Hà Tĩnh và Duyên Hải 3.
Tính chung 11 tháng đầu năm 2019, tổng lượng điện thương phẩm ước đạt 193.202,7 triệu kWh, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng bên cạnh đó, điều đáng lo là tổng dung tích hữu ích hiện có ở các hồ chứa thủy điện lại thiếu hụt so với mực nước dâng bình thường khoảng gần 11 tỷ m3, trong đó riêng đối với 3 hồ chứa lớn lưu vực sông Hồng (Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình) đã thiếu hụt gần 7,3 tỷ m3.
Vì vậy, trong năm 2020 các nguồn nhiệt điện vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.
Theo Thời Báo Kinh Doanh