Thứ Tư, 04/12/2024 00:51:26 GMT+7
Lượt xem: 4668

Tin đăng lúc 23-11-2015

Nhiều bài học giá trị trong công tác cổ phần hóa DN

Thực tế triển khai cổ phần hóa (CPH) tại các DN cho thấy, nếu Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối, DN có nhiều khả năng thành công do được chủ động hơn trong việc điều hành, quản lý và không bị vướng vào các thủ tục hành chính như khi còn là DNNN.
Nhiều bài học giá trị trong công tác cổ phần hóa DN
Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Phan Hoàng

Ngày 20/11, tại TPHCM, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp do Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với một số doanh nghiệp (DN) về tình hình thực hiện cổ phần hóa (CPH).

 

Cùng dự buổi làm việc có Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp VPCP Nguyễn Trọng Dũng, đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và đại diện Tổng Công ty Bia Sài Gòn và Công ty Sữa Việt Nam. Đây là những mô hình DN tiêu biểu trong việc thực hiện CPH, có số vốn thuộc sở hữu Nhà nước trên 50% (Tổng Công ty Bia Sài Gòn) và vốn Nhà nước dưới 50% (Công ty Sữa Việt Nam).

 

Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã tập trung đánh giá về kết quả thực hiện công tác CPH tại các DN nêu trên; đồng thời làm rõ các bài học, thành công cũng như chưa thành công, phân tích nguyên nhân nhằm đề ra hướng khắc phục hiệu quả trong thời gian tới.

 

Theo Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà, CPH là chủ trương lớn của Nhà nước. Thời gian qua công tác này đã được tập trung đẩy mạnh, đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Giai đoạn 2011-2015 số DN nghiệp được CPH đã đạt trên 80% kế hoạch, dự kiến hết năm 2015 sẽ đạt 90% kế hoạch. Các DN được CPH từ giai đoạn trước đã hoạt động ổn định và cần đánh giá hiệu quả của công tác này để qua đó rút ra nhiều bài học kinh nghiệm giá trị, góp phần thiết thực đối với việc thực hiện CPH DNNN trong thời gian tới.

 

Trước tiên là nếu Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối, DN sẽ có nhiều khả năng thành công do được chủ động hơn trong điều hành, quản lý và không bị vướng vào các thủ tục hành chính như khi còn là DNNN. Hơn nữa, đối với các DN này tính chủ động, sáng tạo của cá nhân và tập thể người lao động được phát huy, năng suất lao động, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách tăng mạnh.

 

Tiêu biểu như trường hợp thực hiện CPH tại Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk), hiện nay Nhà nước nắm giữ 45% tổng số cổ phần. Việc CPH và thoái vốn Nhà nước là yếu tố “then chốt”, là bước ngoặt giúp Vinamilk lớn mạnh không ngừng trong suốt thời gian qua. Năm 2014, tổng doanh thu của DN này đã đạt 34.977 tỉ đồng, với tốc độ tăng trưởng bình quân về mặt doanh thu khoảng 22% mỗi năm, tăng gấp 8,3 lần so với năm 2004.

 

Khi Nhà nước còn giữ cổ phần chi phối hoạt động của DN không có nhiều thay đổi, thiếu sự đột phá trong điều hành, quản lý. Khi đó, mọi hoạt động của DN vẫn sẽ gần như các DNNN khác, với nhiều hạn chế cả về vốn, quản trị, công nghệ, sử dụng lao động và chế độ tiền lương.

 

Đơn cử như trường hợp CPH tại Tổng Công ty Bia Sài Gòn (Sabeco). Hiện nay vốn sở hữu Nhà nước tại DN này còn khá lớn, chiếm tỉ lệ 89,59% cổ phần. Trên thực tế, Sabeco hình thức là công ty cổ phần nhưng lại đang được vận hành theo  cơ chế của một DNNN.

 

Theo báo cáo của Sabeco, về cơ chế hoạt động, dù là một DN cổ phần nhưng cơ cấu tổ chức của Sabeco có cả HĐQT và Bộ phận Quản lý vốn Nhà nước. Bộ máy quản lý phức tạp, cồng kềnh không những làm tăng chi phí mà còn khiến việc điều hành hoạt động DN gặp nhiều khó khăn. Chưa thấy rõ tác động của cổ phần hóa đến hoạt động của Sabeco.

 

Cũng theo Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà, bài học nữa cần lưu ý để góp phần đẩy nhanh tiến trình CPH DN là về phương thức thực hiện CPH. Ghi nhận tại nhiều đơn vị cho thấy, việc tập trung CPH tại công ty mẹ trước sẽ là phương án CPH hữu hiệu, giúp quá trình CPH diễn ra nhanh và thuận lợi hơn so với phương án CPH từ các công ty con rồi đến công ty mẹ như cách làm thường thấy.

 

Tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm VPCP đề nghị các DN cần sớm xây dựng báo cáo cụ thể về tình hình thực hiện CPH tại đơn vị. Trong đó, cần tập trung nêu rõ các yếu tố thuận lợi, cũng như khó khăn, đồng thời đề xuất, kiến nghị những giải pháp hay, cách làm hiệu quả để góp phần nâng cao hiệu quả của công tác CPH DN trong thời gian tới.

 

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang