Thứ Năm, 05/12/2024 02:51:41 GMT+7
Lượt xem: 1221

Tin đăng lúc 22-11-2024

Nhiều cơ hội lớn phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại TPHCM

Chưa bao giờ, vấn đề công nghiệp bán dẫn được nói nhiều ở Việt Nam như trong năm qua. Từ cơ hội hợp tác với các đối tác nước ngoài, đến vấn đề hạ tầng và nguồn nhân lực, cơ chế chính sách. Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn khi ngày càng có nhiều ông lớn ngành bán dẫn chọn làm điểm dừng chân. Trong đó, TPHCM là điểm sáng của cơ hội lớn này.
Nhiều cơ hội lớn phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại TPHCM
Nghiên cứu chế tạo chất bán dẫn phục vụ trong vật liệu thông minh tại Trung tâm đào tạo Khu công nghệ cao TPHCM

Nhiều cơ hội lớn

 

TP.HCM sở hữu vị trí địa lý chiến lược thuận lợi cho thương mại quốc tế, nền kinh tế năng động với tốc độ tăng trưởng cao cùng lực lượng lao động trẻ, có kỹ năng (85% kỹ sư thiết kế chip tại Việt Nam tập trung ở TP.HCM). Theo đó, Thành phố có thể phát huy lợi thế chi phí lao động thấp hơn so với các trung tâm bán dẫn tiềm năng khác trong khu vực (như Bangkok, Thái Lan) và những chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư nước ngoài.

 

Hơn nữa, Việt Nam có nguồn tài nguyên dồi dào, sở hữu dự trữ silica và nguồn kim loại hiếm được sử dụng cho sản xuất chip lớn thứ hai thế giới (sau Trung Quốc). Điều này mang lại lợi thế lớn cho TP.HCM trong việc phát triển một chuỗi cung ứng tích hợp và hoàn thiện hơn trong tương lai.

 

Những năm gần đây, việc phát triển lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn đang được triển khai tại Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Cùng với thu hút đầu tư, Khu Công nghệ cao đã hình thành Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn trong năm 2023, được xem là bước đi cần thiết để chuẩn bị nhân lực cho lĩnh vực nhiều tiềm năng này.

 

Tại Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, hiện tại có hơn 160 dự án đầu tư còn hiệu lực, với nhiều dự án của các tập đoàn đa quốc gia. Khu hướng tới mục tiêu trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế trong khu vực và thu hút đầu tư trong và ngoài nước; trong đó, lĩnh vực vi mạch bán dẫn được quan tâm hàng đầu.

 

Ngay tháng 11/2023, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đã trao chứng đầu tư vào lĩnh vực vi mạch bán dẫn cho BE Semiconductor Industries N.V (Công ty BESI) của Hà Lan, tổng vốn hơn 115 tỷ đồng (tương đương 4,9 triệu USD), dự kiến hoạt động trong quý I/2025. Để chuẩn bị cho việc vận hành nhà máy tại Việt Nam, Công ty BESI  dự kiến tuyển dụng và đào tạo nhân sự trong 2-3 năm tới. Dự án có quy mô không quá lớn nhưng là bước khởi đầu quan trọng để phát triển lĩnh vực này tại Khu Công nghệ cao.

 

Cuối năm 2023, Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ cùng các doanh nghiệp hàng đầu như Intel, Synopsys, Ampere Computing, Marvell... cũng đến thăm và làm việc tại Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh để tìm hiểu về hạ tầng phát triển công nghệ cao; trong đó, có công nghiệp bán dẫn mà Hoa Kỳ đang đặc biệt quan tâm.

 

TS. Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng sự có mặt của các ông lớn hàng đầu ngành bán dẫn như Marvell, Synopsys, Renesas… có thể giúp nhân lực của TPHCM phát triển ở tầm cao hơn. Do đó, TPHCM cần tăng cường phối hợp với các công ty này để nâng tầm chất lượng nhân sự cho lĩnh vực nghiên cứu thiết kế chip, tạo tiền đề tốt cho chương trình sản xuất chip bán dẫn của TPHCM. Đồng thời, thông qua các đối tác, TPHCM có thể tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ cao và kêu gọi nguồn vốn FDI trong lĩnh vực này.

 

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành vi mạch bán dẫn toàn cầu đã tăng trưởng 14% mỗi năm từ năm 2001 đến nay và vẫn đang tăng trưởng mạnh mẽ, dự kiến đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Ngành này cần bổ sung gần 1 triệu nhân lực. Việt Nam đặt mục tiêu trở thành trung tâm thiết kế vi mạch của khu vực và thế giới, lọt Top 5 thế giới vào năm 2030, với nhu cầu nhân lực cho ngành này khoảng 50.000 người. 

 

Triển khai nhiệm vụ phát triển công nghiệp vi mạch

 

Mới đây, UBND TPHCM đã có quyết định phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM tại Khu Công nghệ cao giai đoạn 2025-2030. Theo đó, Chương trình có mục tiêu tổng quát là phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Thành phố với hạt nhân là Khu Công nghệ cao có đủ năng lực tham gia vào các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị ngành vi mạch bán dẫn toàn cầu. Đến năm 2030 Khu Công nghệ cao trở thành một trung tâm nghiên cứu, phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của quốc gia, có hệ sinh thái vi mạch bán dẫn mạnh.

 

Để cụ thể hóa mục tiêu này, thành phố sẽ hình thành Trung tâm xuất sắc về vi mạch bán dẫn, cảm biến MEMS (vi cơ điện tử) và Viện Công nghệ tiên tiến và Đổi mới sáng tạo TP HCM. Hai đơn vị này hoạt động hiệu quả tạo ra nền tảng chung để khai thác và triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu vào việc hình thành nên các sản phẩm thương mại có hàm lượng khoa học cao, góp phần phát huy thế mạnh "ba nhà" (nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp) với sự phát triển của TP HCM trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

 

Thành phố hướng đến làm chủ được công nghệ từ thiết kế, chế tạo cảm biến môi trường bằng công nghệ MEMS, ứng dụng xây dựng hệ thống quan trắc chất lượng không khí dựa trên nền tảng vạn vật kết nối và trí tuệ nhân tạo phục vụ cho công tác quản lý môi trường trong Khu Công nghệ cao TP HCM. Các đơn vị nghiên cứu tập trung thiết kế và chế tạo thành công loại linh kiện điện tử công suất như Mosfet hoặc Transistor ứng dụng trong lĩnh vực điều khiển công suất. Đây là cơ sở xây dựng được quy trình và các thông số chế tạo chuẩn làm cơ sở thiết kế và chế tạo các linh kiện vi mạch bán dẫn phức tạp sau này.

 

Để hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp, Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao (thuộc Khu Công nghệ cao TP HCM) được nâng cấp thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo. Trung tâm có vai trò thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp cho các doanh nghiệp nghiên cứu thiết kế lõi vi mạch mềm và phát triển vi mạch Việt Nam. Vườn ươm dự kiến thu hút 60 dự án ươm tạo, tốt nghiệp cho 5 doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp điện tử - vi mạch trong nước. Các dự án ươm tạo tập trung vào vi mạch trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu thông minh, truyền thông bảo mật phục vụ cho chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh.

 

Trong quá trình ươm tạo dự án, thành phố đặt mục tiêu phát triển ít nhất 60 sở hữu trí tuệ/lõi IP, định hướng xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của Việt Nam ra thế giới. Có ít nhất hai doanh nghiệp lĩnh vực thiết kế vi mạch và phát triển sản phẩm trên các vi mạch Việt có khả năng cạnh tranh với các công ty thiết kế nước ngoài.

 

Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế, trong đó Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) tại TPHCM vừa chính thức được khánh thành vào ngày 25/9 được kỳ vọng sẽ là nơi hợp tác nghiên cứu, đề xuất chính sách, huy động nguồn lực, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực chuyển đổi công nghiệp. C4IR cũng có vai trò hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tại TP HCM tiếp cận, hấp thu hiệu quả công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn của thế giới.

 

Để đạt được mục tiêu như kế hoạch nói trên, ngoài hoàn thiện các chính sách, TPHCM nhận định nguồn nhân lực sẽ đóng vai trò cho việc thành hay bại của chương trình. Do đó, lãnh đạo TPHCM giao các sở, ngành liên quan nghiên cứu thành lập Quỹ Phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch quy mô 5 triệu USD. Đây là nguồn quỹ nhằm đào tạo nâng cao kỹ năng cho khoảng 40.000 kỹ sư từ nay đến năm 2030 (tương đương khoảng 6.000 kỹ sư/năm).

 

Phạm Trường


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang