Theo Tổng cục Thuế, việc sử dụng hóa đơn điện tử nhằm cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hướng tới việc quản lý hóa đơn thống nhất, chống việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp nhằm gian lận, trốn thuế, khấu trừ hoàn khống thuế giá trị gia tăng hoặc rút tiền thanh toán từ ngân sách nhà nước. Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết, các quy định mới về áp dụng hóa đơn điện tử cũng góp phần giúp cơ quan quản lý khuyến khích hộ cá nhân kinh doanh lên doanh nghiệp.
Tuy các quy định trong Nghị định 119 có hiệu lực từ 1/11/2018 song để tạo thuận lợi từ chuyển đổi hóa đơn giấy truyền thống sang hóa đơn điện tử, Nghị định 119 quy định thời hạn 24 tháng kể từ ngày 1/11/2018 để các doanh nghiệp có các chuẩn bị điêu kiện cần thiết để áp dụng hóa đơn điện tử. “Trong thời gian từ nay đến 31/10/2020, các Nghị định 51/2010/NĐ-CP và Nghị định 04/2014/NĐ-CP vẫn được áp dụng”, đại diện Tổng cục Thuế cho biết.
Theo Nghị định 119, hộ kinh doanh có doanh thu từ 3 tỷ đồng/năm trở lên trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp hoặc xây dựng hoặc có doanh thu từ 10 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực thương mại dịch vụ phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã số của cơ quan thuế khi bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ mà không phân biệt giá trị từng lần bán hàng.
“Quy định này không có nghĩa là ngành thuế nhắm vào những hộ kinh doanh nhỏ, có doanh thu chỉ đủ nuôi sống gia đình”, đại diện Tổng cục Thuế khẳng định. Theo đó, Nghị định 119 chỉ tập trung vào những hộ lớn, sẽ phải sử dụng hóa đơn điện tử sổ sách kế toán, nộp thuế theo kê khai. Điều này nhằm thúc đẩy các hộ kinh doanh lên doanh nghiệp và tránh tình trạng doanh nghiệp núp bóng hộ.
Đặc biệt, dịch vụ hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế sẽ được áp dụng mà không thu tiền. Các đối tượng được cấp gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật và hộ, cá nhân kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp trong thời gian 12 tháng kể từ khi thành lập; doanh nghiệp nhỏ và vừa khác theo đề nghị của UBND cấp tỉnh và Bộ Tài chính trừ doanh nghiệp hoạt động tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
Điểm đặc biệt của Nghị định 119 là quy định hóa đơn điện tử hợp pháp được chuyển đổi thành chứng từ giấy trên cơ sở bảo đảm sự khớp đúng giữa nội dung của hóa đơn điện tử và chứng từ giấy sau khi chuyển đổi.
Trong trường hợp khi kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường, cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền sẽ không yêu cầu hóa đơn giấy mà truy cập Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để tra cứu thông tin về hóa đơn điện tử. Nghị định cũng đã đề cập tới việc trường hợp bất khả kháng gây ảnh hưởng đến việc truy cập mạng Internet, người vận chuyển hàng hóa có bản sao bằng giấy không cần ký tên, đóng dấu của người mua, người bán hàng hóa thì xuất trình chứng từ giấy chuyển cho cơ quan nhà nước.
Nguồn Báo Công Thương