Thứ Năm, 10/10/2024 14:31:25 GMT+7
Lượt xem: 2025

Tin đăng lúc 08-07-2020

Nhìn lại 6 tháng đầu năm 2020 và dự báo “kịch bản” sản xuất kinh doanh thời gian tới

Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc TCT May 10 đã có những chia sẻ đến toàn thể CBCNV trong buổi lễ chào cờ đầu tuần về tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng qua cũng như đưa ra những dự báo trong thời gian tới.
Nhìn lại 6 tháng đầu năm 2020 và dự báo “kịch bản” sản xuất kinh doanh thời gian tới

Đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ, châu Mỹ La tinh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu. Ngành dệt may Việt Nam nói chung và TCT May 10 nói riêng đều chịu tác động ảnh hưởng rất lớn từ tình hình dịch bệnh Covid-19.

 

Tổng kết 6 tháng đầu năm, GDP của Việt Nam chỉ tăng trưởng 1,81%, mức thấp nhất trong 10 năm qua. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may đạt 15 tỷ USD; giảm 16,5 % so với cùng kỳ 2019. Tại Việt Nam, số lượng doanh nghiệp phá sản và giải thể ngày càng tăng. Số doanh nghiệp đăng ký có tăng nhưng không tăng so với cùng kỳ. Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD của ngành dệt may Việt Nam trong năm nay ngày càng trở nên xa vời.

 

Kết quả tình hình sản xuất kinh doanh của TCT May 10 trong 6 tháng qua, doanh thu các mặt hàng may mặc truyền thống chỉ đạt khoảng 70% so với cùng kỳ. Sản lượng sản phẩm thấp hơn khoảng 2 triệu sản phẩm so với cùng kỳ năm trước, giảm khoảng 27%. Năng suất lao động bình quân đạt 94,5%.

 

Ban điều hành TCT dự báo những tháng cuối năm 2020 doanh nghiệp sẽ ở trong tình cảnh hết sức khó khăn, khi việc sản xuất khẩu trang và bộ bảo hộ y tế đã trở nên bão hòa, nhu cầu thị trường giảm; lượng đơn hàng may mặc truyền thống chưa thực sự phục hồi.

 

Tổng Giám đốc Thân Đức Việt chia sẻ:“Đối với sản phẩm may mặc truyền thống, để có được đơn hàng chúng ta phải tăng cường làm những cái mà các đơn vị khác không làm được, đáp ứng các điều kiện về giao hàng, chất lượng sản phẩm, số lượng nhỏ... Trong 6 tháng cuối năm, thời điểm ít việc là chúng ta nên tự đào tạo chính mình và công ty cũng sẽ tổ chức các chương trình đào tạo. Thời điểm tốt nhất để chúng ta rà soát lại toàn bộ thực trạng, các tồn tại và các giải pháp trong 6 tháng cuối năm. Chất lượng tốt nhất để khách hàng đến với chúng ta, năng suất cao nhất để có được những đơn hàng mà giá thị trường đang giảm nhưng năng suất vẫn đảm bảo để có thu nhập. Có cách tính định mức kinh tế kĩ thuật tốt nhất để rà soát lại từng bộ phận, từng người lao động về năng suất, chất lượng, tiết kiệm, về chi phí cho từng đầu người và từng vị trí công việc.

 

Nhờ những quyết sách đúng đắn về việc chuyển đổi sản xuất khẩu trang, bộ đồ phòng dịch trong 6 tháng đầu năm, TCT May 10 đã có thể bảo toàn lực lượng, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.

 

Tổng Giám đốc mong muốn toàn thể CBCNV lấy những thành công tiền đề của 6 tháng đầu năm làm “bệ đỡ” cho những khó khăn trong 6 tháng cuối năm, trong đó quan trọng nhất là sự nỗ lực vượt khó của từng cá nhân, từng nhân viên, từng người lao động, người phục trách đơn vị… để vượt qua được những dự báo khó khăn trong nửa cuối năm 2020.

 

Theo May 10


Tag:May 10

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang