Đất gốm thiêng
Theo các nghiên cứu, khảo cổ, làng gốm Kim Lan có từ thế kỉ thứ VII và phát triển rực rỡ vào thế kỉ XII, XIII. Xa xưa, Làng gốm Kim Lan từng là nơi làm gốm, nơi giao thương giàu có. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất gốm của làng Kim Lan lúc thăng, lúc trầm; đã có lúc bị gián đoạn gần 200 năm. Làng Kim Lan bắt đầu sản xuất gốm trở lại và phát triển mạnh mẽ vào đầu những năm 1990. Cụ Nguyễn Việt Hồng – người dân làng Kim Lan – Người đã dày công tìm hiểu về lịch sử làng gốm Kim Lan chia sẻ: Năm 1967, khi vùng đất bãi Kim Lan ở bờ Bắc sông Hồng bị lở, ở độ sâu 5m, người ta thấy lộ nhiều lọ, bát, đĩa, với đủ các cỡ, màu men. Những năm 1980, các nhà ở xóm Chùa đào đất thấy những xâu bát nung quá lửa. Đến năm 1996, trên đất Hàm Rồng lại tìm thấy lộ 4 vò tiền cổ. Sau những trận lụt, bờ sông Hồng sụt lở. Người dân Kim Lan nhặt được nhiều mảnh gốm cổ, thậm chí có cả những món đồ gần như nguyên lành và những chiếc lọ đầy ắp tiền cổ.
Cụ Nguyễn Việt Hồng - Người làm gốm lâu năm là một trong số các cụ cao niên nhất trong làng Kim Lan
Làng gốm Kim Lan thực sự “sống dậy” vào đầu những năm 2000, khi nhà khảo cổ Nhật Bản Nishimura Masanari và các sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội đã tiến hành khai quật di tích Kim Lan. Tại 3 hố đào thám sát đã tìm thấy nhiều mảnh gốm sứ cao cấp, trong đó có gốm sứ Long Tuyền, Việt Châu của Trung Hoa. Đặc biệt, tại đây còn tìm thấy nhĩ bôi (chén uống rượu có tai) từ thế kỷ 11; một mảnh vỡ của đĩa men lam, đường kính 45cm, lòng đĩa vẽ phượng, lần đầu tiên tìm thấy ở Việt Nam; ngoài ra còn thấy dấu tích một lò nấu đường và nền một công trình kiến trúc kích thước 20 x 10m. Đầu năm 2003, di vật tìm được gồm vật liệu kiến trúc, vật liệu trang trí, đồ gốm sứ cổ. Đặc biệt người ta còn tìm thấy các con kê, mảnh bao nung, đồ gốm sống men, đồ phế phẩm... dấu tích của lò gốm thời Trần còn khá nguyên vẹn.
Những mảnh gốm cổ tại không gian trưng bày sản phẩm làng nghề Kim Lan, chứng tích cho làng nghề nghìn tuổi.
Qua quá trình tồn lại, phát triển của làng nghề gốm Kim Lan nhận thấy mảnh đất này hội tu linh khí nghìn năm văn vật để mang lại sức sống, tầm vóc cho nghề gốm. Bởi thế, sau nhiều lần “đứt gãy”, nghề gốm của làng Kim Lan vẫn tìm được cách “phát lộ” thần kì để tạo nên niềm tự hào, tạo sinh khí cho các thế hệ người dân Kim Lan khôi phục và phát triển nghề.
Sản phẩm vẽ tay tinh xảo
Những năm vừa qua, hoạt động sản xuất gốm của làng Kim Lan có thêm nhiều cơ hội phát triển nhờ chính sách, sự quan tâm của thành phố, huyện, xã như: Chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình OCOP.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND xã Kim Lan
Trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND xã Kim Lan được biết: Thời gian quan, thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao gắn với các tiêu chí thành lập phường, đường trục xã, liên xã đã bê tông hóa được 100%; hệ thống chiếu sáng đã được đầu tư đến tận các ngõ xóm; hằng năm, Điện lực Gia Lâm đều có kế hoạch bảo dưỡng cơ sở hạ tầng có sẵn, nâng cấp và ngầm hóa đường điện cao thế, lắp đặt thêm các trạm biến áp để cung cấp điện đáp ứng nhu cầu điện sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. xã có nghề SX thủ công gốm sứ, là ngành sản xuất chủ lực, mang lạ thu nhập, việc làm cho người dân trong xã và các xã lân cận. Có hơn 300 hộ đầu tư công nghệ, sản xuất hàng hóa, nung đốt bằng khí gas công nghiệp, đảm bảo giảm thiểu về ô nhiễm môi trường. Cơ bản, hoạt động sản xuất gốm của làng nghề có nhiều thuận lợi hơn.
Thực tế tại địa phương nhận thấy, hoạt động sản xuất, buôn bán gốm tại làng Kim Lan khá tấp nập. Trong làng có khoảng hơn 400 lò gốm. Các lò gốm sử dụng than đã được thay thế bằng lò điện cho hiệu quả cao hơn và đảm bảo môi trường. Sản phẩm làng nghề đa dạng, từ những sản phẩm gia dụng như chậu cảnh, chum, vại, lọ, bát hương, tiểu sành đến những sản phẩm gốm tinh xảo được vuốt vẽ cầu kỳ, họa tiết sinh động.
Ông Đào Việt Bình - Nghệ nhân, Chủ tịch Hội gốm sứ Kim Lan chia sẻ về những nét vẽ tay trên sản phẩm Lục bình đạt chứng nhận OCOP 4 sao
Ông Đào Việt Bình - Nghệ nhân, chủ tịch Hội gốm sứ Kim Lan cho biết: Kế thừa và phát huy tinh hoa hàng nghìn năm, gốm Kim Lan rất đa dạng về chủng loại và không kém cạnh về độ tinh xảo so với bất kỳ sản phẩm của các vùng gốm khác trong nước. Ở đây, có những sản phẩm gốm được tuốt vẽ bằng tay với công phu và tay nghề cao. Sản phẩm có hồn cốt và đậm chất nghệ thuật.
Thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao, Làng nghề gốm Kim Lan được đầu tư xây dựng không gian trưng bày sản phẩm làng nghề. Không gian trưng bày được thiết kế theo lối cổ, phù hợp với cảnh quan không gian của làng quê Bắc Bộ. Khách thăm quan sẽ được ngắm, trải nghiệm các sản phẩm gốm đặc sắc, bắt mắt
Sản phẩm gốm có họa tiết vẽ bằng tay rất cầu kỳ. Chủ tịch Hội Gốm sứ Kim Lan cho biết, để có được những bức tranh sinh động, có hồn này, các nghệ nhân phải mất rất nhiều thời gian vẽ, có khi lên tới hàng tháng trời
Gốm Kim Lan có nền tảng lâu đời, mảnh đất thiêng này sẽ còn mãi thơm hương gốm. Hiện nay, Gốm Kim Lan chưa có được vị trí xứng tầm nhưng tin rằng, với sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự đam mê, yêu nghề của các thế hệ người dân Kim Lan, Gốm Kim Lan sẽ bước lên vị thế mới, khẳng định tinh hoa gốm nghìn tuổi.
Minh Ngọc
Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội