Thứ Năm, 21/11/2024 19:44:56 GMT+7
Lượt xem: 2160

Tin đăng lúc 20-06-2023

Những thương hiệu giá trị nhất thế giới 2023

Với mức định giá thương hiệu 880 tỉ USD, Apple tiếp tục là thương hiệu giá trị nhất thế giới năm 2023.
Những thương hiệu giá trị nhất thế giới 2023

Theo Bảng xếp hạng các thương hiệu giá trị toàn cầu do Kantar công bố, các “ông lớn” về công nghệ như Apple, Google, Microsoft, Amazon… vẫn dẫn đầu áp đảo và thống lĩnh cuộc đua giá trị thương hiệu.

 

Kantar BrandZ là tổ chức phân tích dữ liệu toàn cầu chuyên đánh giá giá trị thương hiệu, định lượng đóng góp của thương hiệu vào hiệu quả tài chính của doanh nghiệp. Hàng năm, Kantar BrandZ sẽ định giá 100 thương hiệu lớn nhất toàn cầu, đo lường tầm ảnh hưởng và giá trị của nhãn hàng.

 

Việc Apple đứng đầu danh sách Kantar BrandZ không phải là điều gì quá bất ngờ. Hai năm trước, Apple cũng là thương hiệu đắt giá nhất, tiếp nối với thành công của iPhone 13 trong khoảng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

 

Trong năm 2022, Apple tiếp tục thành công rực rỡ khi cho ra mắt một số sản phẩm ấn tượng như MacBook Air M2, iPhone 14, Apple Watch Series 8, AirPods Pro 2… Đáng chú ý, “át chủ bài” iPhone 14 ra mắt vào ngày 7/9 đã giúp Apple bội thu trong quý III/2022 với mức tăng trưởng 8,1% so với cùng kỳ năm 2021, lên mức 90,1 tỉ USD.

 

Với việc tiếp tục giữ vững ngôi đầu trong danh sách những công ty có giá trị thương hiệu lớn nhất toàn cầu, Apple đã chứng tỏ khả năng phục hồi khi đối mặt với các điều kiện thị trường thử nghiệm, biện minh cho mức giá cao với nhận thức tích cực. Điều này cũng chứng minh rằng các thương hiệu có ý nghĩa, khác biệt và nổi bật là những thương hiệu mạnh để vượt qua sự suy thoái kinh tế toàn cầu.

 

Apple đã tạo ra mức độ trung thành tuyệt đối của người dùng với thương hiệu của mình. Chủ yếu là nhờ vào chất lượng của các sản phẩm và việc quan tâm đến người dùng. Sự minh bạch và chính sách quyền riêng tư đã củng cố thêm niềm tin của người dùng với thương hiệu “Táo khuyết”.

 

Hồi 2021, Apple cũng đã cán mốc 3.000 tỉ USD giá trị vốn hóa, trở thành công ty có vốn hóa lớn nhất toàn cầu. Tuy nhiên, giá trị vốn hóa và giá trị thương hiệu không giống nhau. Giá trị thương hiệu có thể được hiểu là số tiền mà một bên thứ ba phải trả để có thể sử dụng nhận diện thương hiệu của Apple, bao gồm cả tên và logo, để bán các sản phẩm của họ.

 

Báo cáo BrandZ cho thấy, tổng giá trị trong năm 2023 của 100 thương hiệu giá trị nhất là 6.900 tỉ USD, giảm 20% so với chỉ số chung của năm ngoái. Lí giải cho sự sụt giảm này, Giám đốc Martin Guerrieria của Kantar BrandZ cho biết: “Mặc dù thị trường có nhiều biến động và chịu sự ảnh hưởng lớn bởi kinh tế vĩ mô toàn cầu, nhưng quan điểm của người tiêu dùng về các thương hiệu vẫn rất ổn định. Những thương hiệu giá trị nhất trên thế giới vẫn được đánh giá cao hơn bao giờ hết”. Tuy nhiên, tổng giá trị của 100 thương hiệu trong bảng xếp hạng năm nay vẫn tăng 47% so với năm 2019 - trước khi Covid-19 xuất hiện.

 

Mặc dù, gần như tất cả các công ty trong Top 10 đều giảm giá trị so với năm ngoái, nhưng khoản lỗ của Amazon là một trong những khoản lỗ lớn nhất với mức giảm ghi nhận gần 237 tỉ USD. Cũng trong bảng xếp hạng Top 10 giá trị thương hiệu của Kantar BrandZ năm 2023, các nhãn hàng theo sau Apple lần lượt là Google, Microsoft và Amazon, trong khi Tencent tụt xuống thứ hạng 7.

 

Trong khi đó, Louis Vuitton dường như là thương hiệu xa xỉ duy nhất trong Top 10 toàn cầu, tăng hai bậc để giành vị trí thứ 8 với giá trị thương hiệu là 124,8 tỉ USD. Điều này cho thấy rằng các thương hiệu cao cấp tiếp tục thu hút người tiêu dùng bất chấp việc giá cả liên tục tăng.

 

Nhìn chung, các thương hiệu Thực phẩm & Đồ uống thể hiện khả năng phục hồi tốt nhất, chỉ giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị thương hiệu của Pepsi đã tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt tổng giá trị 18,8 tỉ USD và đưa Pepsi trở lại bảng xếp hạng toàn cầu ở vị trí thứ 91. Trong khi đó, Coca-Cola đã thể hiện khả năng phục hồi ngoạn mục, tăng 8% giá trị thương hiệu lên 106 tỉ USD, để tái xuất Top 10 sau 7 năm tụt hạng.

 

Những phát hiện từ bảng xếp hạng chứng minh rõ ràng rằng, ngay cả trong thời kỳ suy thoái kinh tế, bất kỳ ngành hay khu vực địa lý nào cũng có thể đạt được sự tăng trưởng bằng cách tập trung vào việc thiết lập và nuôi dưỡng các mối quan hệ chặt chẽ với người tiêu dùng.

 

Bài học quan trọng đối với chủ sở hữu thương hiệu và nhà tiếp thị vẫn là: đầu tư tiếp thị hiệu quả và tư duy chiến lược dài hạn. Đây là hai điều cần thiết cho sự phát triển kinh doanh. Việc các thương hiệu luôn đầu tư vào việc thiết lập các kết nối cảm xúc mạnh mẽ với người tiêu dùng, từ đó gia tăng mức độ trung thành của người dùng và tình cảm của họ dành cho thương hiệu. Do vậy, điều quan trọng đối với các thương hiệu là tiếp tục đầu tư vào việc xây dựng thương hiệu, đổi mới sản phẩm và đa dạng hóa thị trường để thúc đẩy tăng trưởng.

 

Theo DiendanDN


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang