Cũng trong năm 2015, cuối cùng thì quy định trung tính về mạng lưới cũng đã được cơ quan quản lý viễn thông Mỹ (FCC) thông qua. Nhiều nước cũng đã bắt đầu xem xét và đưa nguyên tắc trung tính về mạng lưới thành luật để các doanh nghiệp viễn thông, Internet không được ưu tiên dữ liệu của dịch vụ này hơn dữ liệu của dịch vụ khác khác nhằm đảm bảo công dân của nước mình có thể truy nhập bình đẳng đến các dữ liệu, ứng dụng trên Internet.
Nguyên tắc trung tính về mạng lưới cũng đã khiến chương trình Free Basics, một thành phần sáng kiến Internet.org của Facebook gặp rắc rối. Ấn Độ đã dừng chương trình Free Basics của Facebook và một đối tác viễn thông của địa phương khi chương trình này chỉ hạn chế cho phép truy nhập miễn phí đến một số nội dung nhất định làm tăng quan ngại ảnh hưởng đến nguyên tắc trung tính về mạng lưới và ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Tiếp sau Ấn Độ, Ai Cập cũng đã dừng chương trình Free Basics khi không cho phép gia hạn chương trình này khi nó hết hạn vào ngày 30-12-2015.
Trong năm 2015, nhiều sự kiện công nghệ thông tin khác cũng được quan tâm như sự xuất hiện của đồng hồ thông minh Apple Watch, Microsoft ra mắt phiên bản Windows 10 được xem là phiên bản cuối cùng của Windows.
Sau đây là bảy bản tin công nghệ của năm 2015 được lựa chọn bởi tờ Top Tech News.
1. Mỹ và EU thông qua quy định trung tính về mạng lưới
Sau nhiều năm tranh cãi xung quanh quy định trung tính về mạng lưới, cuối cùng FCC cũng đã thông qua luật này với ngày 26 tháng Hai năm 2015.
Quy định trung tính về mạng lưới nhằm thiết lập một mạng Internet mở, chống lại việc ngăn chặn, làm chậm hay ưu tiên nội dung này hơn nội dung khác khi chảy qua mạng lưới của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet.
Trong thực tế, nguyên tắc trung tính về mạng lưới cũng đã được áp dụng từ lâu nay cho các doanh nghiệp viễn thông hay các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thiết yếu khác như điện, nước và không phải là một quy định mới. Tuy nhiên, do phát triển quá nhanh nên quy định này dường như chưa được được áp dụng ở trong Internet khi một số doanh nghiệp viễn thông, Internet đã lợi dụng lợi thế mạnh của mình để ưu tiên, giảm giá cho các dịch vụ của mình cung cấp hoặc có tham gia.
Một số nước cũng đã nhìn thấy ưu điểm của quy định trung tính về mạng lưới và ảnh hưởng ngày càng tăng của truyền thông xã hội đến các lĩnh vực khác. Ấn Độ được xem là phép thử đối với các dịch vụ được quảng bá đưa Internet cho cộng đồng chưa được kết nối Internet khi dừng chương trình Free Basics của Facebook. Tiếp theo Ấn Độ là Ai Cập cũng đã dừng chương trình này của Facebook.
Ngày 27-10, Nghị viện châu Âu đã thông qua luật nghiêm cấm các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet làm chậm hoặc ngăn chặn lưu lượng Internet đến các trang web từ tháng 4-2016 và dừng tính cước chuyển vùng quốc tế giữa các nước trong Liên hiệp châu Âu từ tháng 6-2017.
2. Microsoft phát hành bản Windows 10
Sau nhiều lần trì hoãn thì cuối cùng Microsoft cũng đã phát hành bản Windows 10 vào tháng Bảy năm 2015 và hãng này đã mô tả như đây là phiên bản cuối cùng của Windows.
Khác với các phiên bản Windows trước đây, Windows 10 được thiết kế như một hệ điều hành để chạy được trên tất cả các thiết bị. Theo đó, người dùng có thể trải nghiệm hệ điều hành mới theo một trực quan trên cả máy tính xách tay, để bàn hay thiết bị di động.
Trong tháng 10, Windows 10 đã được hơn 110 triệu người tải về cài đặt và hệ điều hành mới có bổ sung thêm tính năng hỗ trợ thông minh Cortana cho phép sử dụng giọng nói để điều khiển thiết bị.
Hãng Microsoft dự báo rằng sẽ có hơn một tỷ thiết bị sử dụng Windows 10 trong vòng hai đến ba năm tới.
3. Chiến tranh mã hóa phiên bản 2: an ninh quốc gia và tính riêng tư cá nhân
Cuộc chiến mã hóa phiên bản 2 được xem bắt đầu vào năm 2013 sau khi cựu nhân viên cơ quan an ninh nội địa Mỹ (NSA) là ông Edward Snowden tiết lộ chính phủ nhiều quốc gia đã nghe xen một cách có hệ thống liên lạc cá nhân.
Nhiều hãng công nghệ đã bắt đầu cung cấp, thiết lập chế độ mã hóa mặt định trên các thiết bị cá nhân để đảm bảo thông tin cá nhân được lưu trữ trên các thiết bị là bảo mật và an toàn.
Nhiều cơ quan chức năng đã cố gắng đẩy lùi trào lưu này như FBI hay CIA. Những người đứng đầu các cơ quan này đã cố thuyết phục cho phép truy nhập vào dữ liệu cá nhân đã được mã hóa. Những nỗ lực này dường như trở nên cấp bách hơn sau nhiều vụ khủng bố xẩy ra trong năm 2015 như vụ khủng bố ở Paris vào ngày 13 tháng 11 làm chết 130 người với chỉ trích như liên lạc của những kẻ tấn công đã được mã hóa tốt nhất.
Chuyên gia phân tích bảo mật Bruce Schneier, người được tạp chí The Economist đánh giá là từ điển bách khoa về bảo mật, cho rằng FBI chưa từng từ bỏ để truy nhập từ cửa sau vào dữ liệu được mã hóa từ thời kỳ đầu của những năm1990 và chưa bao giờ từ bỏ điều này. Ông hy vọng sẽ có nhiều sức ép hơn lên các doanh nghiệp, cả công khai và bí mật, như bóng gió nói rằng khi áp dụng bảo mật mạnh sẽ phải chịu trách nhiệm về tội phạm và khủng bố, và nhiều hơn ở phía sau là các cuộc đàm phán với cánh cửa được đóng kín.
4. Làn sóng của những cố máy tự học
Trong năm 2015, các cỗ máy tự học từ thuật toán tìm kiếm của Google cho đến xe tự lái của hãng Tesla đã trở nên thông minh hơn bao giờ hết. Microsoft cũng đã đưa các cỗ máy tự học cho nền tảng điện toán đám mây Azure và hỗ trợ số Cortana và trong các thiết bị chạy hệ điều hành Windows, iOS và Android.
Google đưa trí tuệ nhân tạo vào trong Gmail để chặn spam. Amazon nâng cấp thuật toán để sắp xếp thứ hạng và ngăn chặn việc giả mạo đánh giá các sản phẩm.
Tesla bắt đầu cập nhật phần mềm qua mạng cho xe hơi phiên bản Model S để cho phép khả năng tự lái cùng với hệ thống lái hiện nay và khả năng tự động tránh các vụ va chạm giao thông.
5. Facebook đạt một tỷ người dùng
Vào tháng Tám năm 2015, Facebook đạt một bước tiến mới khi có một tỷ người dùng mạng xã hội này hàng ngày. Điều này có nghĩa trong vòng mỗi 24 giờ, một phần bảy dân số thế giới đã sử dụng mạng xã hội Facebook để chia sẽ nội dung, video hay các thông tin khác cho bạn bè và gia đình.
Trong suốt diễn đàn F8 cho các nhà phát triển của hãng, người sáng lập Facebook là ông Mark Zuckerberg đã cho biết các mục tiêu của ông là cho phép tất cả mọi người có thể kết nối được đến các công cụ, ứng dụng và dịch vụ của Facebook.
6. Không còn bến cảng an toàn “Safe Harbor”
Cả Facebook và Google đều phải nỗ lực trong đối mặt với các thách thức đến từ các cơ quan quản lý của Liên minh châu Âu khi họ lo ngại về tính riêng tư, nhưng thách thức lớn nhất đã đến vào tháng 10 khi tòa án hiến pháp của Liên minh châu Âu tuyên bố thỏa thuận Safe Harbor có từ năm 2000 là không có hiệu lực.
Thỏa thuận bến cảng an toàn giữa châu Âu và Mỹ cho phép các công ty tự xác nhận phù hợp với các tiêu chuẩn về tính riêng tư của châu Âu. Phán quyết của tòa án cho thấy thỏa thuận này đã cho phép các cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ có thể xâm nhập vào dữ liệu cá nhân của công dân châu Âu mà không theo các quy định của liên minh.
7. Năm của nhãn hiệu Apple
Không như những chỉ trích nhắm vào NSA hay các tổ chức giám sát thông tin khác, Apple đã có một năm 2015 rất thành công. Trong tháng Tư năm 2015, Apple giới thiệu đồng hồ thông minh Apple Watch và CEO của Apple cho biết đây là một chương mới trên con đường chúng ta gắn kết với công nghệ.
Nhiều tính năng công nghệ đã được bổ sung vào chiếc đồng hộ Apple Watch như hỗ trợ trong tập thể hình, nhắn tin, email hay gọi điện thoại khi được kết nối với một chiếc điện thoại iPhone.
Năm tháng sau, Apple ra mắt hai dòng điện thoại mới là iPhone 6s và iPhone 6s Plus để phá vỡ tất cả kỷ lục bán hàng trước đó chỉ trong tuần đầu tiên ra mắt. Thậm chí trước khi Apple Watch và iPhone 6s ra mắt, Apple vẫn đang thống lĩnh thị trường di động.
Trong tháng Hai năm 2015, hãng nghiên cứu thị trường Canaccord Genuity cho biết Apple đã chiếm đến 93% lợi nhuận của toàn thị trường điện thoại di động vào quý cuối cùng của năm 2014.
Theo nhandan.com.vn