Khóa học tập trung vào quy trình và nguyên tắc thiết kế vật lý cho vi mạch tích hợp quy mô lớn (VLSI); bao gồm các kỹ năng tối ưu hóa định thời, diện tích, năng lượng tiêu thụ, độ tin cậy và tính khả thi sản xuất của vi mạch bán dẫn. Ngoài ra, học viên sẽ có kiến thức thực tế chuyên sâu về việc sử dụng các công cụ Tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) chuẩn công nghiệp cho việc thiết kế và phân tích vật lý vi mạch. Đối tượng tham gia chủ yếu là sinh viên năm cuối các trường đại học khối kỹ thuật trên cả nước.
Chương trình đào tạo tuyển chọn được hơn 70 học viên xuất sắc từ các trường đại học lớn trên cả nước để cấp học bổng và tham gia chương trình đào tạo. Kết thúc khóa đào tạo, 67 kỹ sư thiết kế chip vừa được Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cấp chứng chỉ kỹ sư bán dẫn. Ông Võ Xuân Hoài - Phó giám đốc NIC, Bộ KH&ĐT, cho biết 67 học viên được cấp chứng chỉ đào tạo kỹ sư bán dẫn (lĩnh vực thiết kế chip) được các chuyên gia Mỹ đánh giá cao, trong đó có gần 20 học viên có chứng chỉ được các công ty thiết kế chip lớn nhất như Synopsys, Faraday, Marvell, FPT... tuyển dụng vào thực tập và làm việc. Trong số này có những học viên mới học năm thứ 3 đại học, số học viên còn lại đa số tiếp tục nhận học bổng để đi học thạc sĩ bán dẫn tại nước ngoài.
"Dù thời gian đào tạo học viên của NIC không dài nhưng nền tảng công nghệ của các kỹ sư Việt Nam khá tốt, sau khóa đào tạo ngắn hạn tại NIC các kỹ sư có thể vào làm việc luôn tại các công ty nước ngoài. Qua đó thấy rằng, chúng ta hoàn toàn có thể đào tạo những kỹ sư đã tốt nghiệp tại các trường đại học trong nước ở những ngành gần (như cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin...) trở thành kỹ sư bán dẫn, thiết kế vi mạch trong thời gian từ 3 - 6 tháng", ông Hoài nhấn mạnh.
Theo Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC), với mỗi mô hình đào tạo kết hợp giữa 3 Nhà: Nhà nước (bao gồm các cơ quan Trung ương và địa phương) - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp, hằng năm có thể đào tạo được khoảng 540 kỹ sư thiết kế vi mạch. Như vậy, nếu nhân rộng mô hình này tại 10 cơ sở đào tạo và địa phương, mỗi năm sẽ có thể đào tạo được hơn 5.000 kỹ sư thiết kế vi mạch có chất lượng. Đến năm 2030, Việt Nam có thể đào tạo được ít nhất là 25.000 kỹ sư thiết kế vi mạch. Điều này cho thấy mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam sẽ đào tạo 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch trên tổng số 50.000 kỹ sư bán dẫn là hoàn toàn khả thi.
Được biết, ngày 22/8/2024 tới đây, NIC sẽ phối hợp với Siemens tiếp tục khai giảng lớp đào tạo kỹ sư bán dẫn mới, đồng thời công bố chương trình hỗ trợ các trường đại học bản quyền phần mềm thiết kế chip của Siemens.
PV