Thứ Sáu, 13/09/2024 06:33:17 GMT+7
Lượt xem: 315

Tin đăng lúc 28-06-2024

Ninh Bình: “Vốn mồi” khuyến công thúc đẩy sản xuất công nghiệp nông thôn

Trong thời gian qua, các chương trình khuyến công (KC) của Ninh Bình đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Nguồn vốn hỗ trợ đúng đối tượng, đúng mục đích, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đến các địa bàn nông thôn.
Ninh Bình: “Vốn mồi” khuyến công thúc đẩy sản xuất công nghiệp nông thôn
Nhiều cơ sở CNNT tại Ninh Bình hoạt động hiệu quả nhờ vốn KC

Năm 2023, KC tỉnh Ninh Bình được phê duyệt triển khai 35 đề án với tổng kinh phí là 7.828 triệu đồng. Số liệu thống kê cho thấy, KC tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành 10 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất với kinh phí 1.730 triệu đồng; 02 đề án hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn với tổng kinh phí hỗ trợ 400 triệu đồng.

 

Có thể nói, các Đề án KC đã khuyến khích cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) thúc đẩy sản xuất, đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ... Nguồn kinh phí KC đã được sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả KT-XH thiết thực, góp phần xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương.

 

Năm 2023, Trung tâm KC và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 đã phối hợp Trung tâm KC xúc tiến thương mại và phát triển CCN Ninh Bình (TTKC) hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến hàng nông sản xuất khẩu cho Công ty TNHH Thanh An, xã Yên Sơn, TP. Tam Điệp; Công ty Cổ phần Thực phẩm Á Châu, phường Nam Sơn, TP. Tam Điệp; Công ty TNHH Chế biến nông sản xuất khẩu Vinasam, xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh. Hay ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất mỳ gạo tại Công ty TNHH Sản xuất và phân phối thực phẩm An Phú, xã Kim Chính, huyện Kim Sơn...

 

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2024, HĐND tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt hỗ trợ 29 Đề án KC với kinh phí 5.488 triệu đồng cho 22 đơn vị, tổ chức, DN trên địa bàn tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở Công Thương, Sở Tài chính đã thẩm định và cấp ứng 70% kinh phí, tương đương khoảng 1.784 triệu đồng. Để sử dụng hiệu quả kinh phí KC được giao, đưa nguồn kinh phí này thực sự trở thành “vốn mồi” để các DN mạnh dạn đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị công nghệ tiên tiến vào sản xuất, Sở Công Thương Ninh Bình khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với phòng Kinh tế/Kinh tế-Hạ tầng các huyện, thành phố và đơn vị thụ hưởng khẩn trương thực hiện đúng tiến độ các Đề án KC đã được phê duyệt.

 

Cùng với đó, TTKC Ninh Bình sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị trong việc thực hiện đề án, giúp tháo gỡ khó khăn, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí KC đúng mục đích, giải ngân kịp thời, thực hiện thanh quyết toán đúng quy định. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung các quy định về xây dựng, quản lý, sử dụng kinh phí KC của tỉnh cho phù hợp với các văn bản pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác KC...

 

Về phía TTKC Ninh Bình, đại diện Trung tâm cũng cho biết sẽ tiếp tục triển khai xây dựng các đề án khuyến công địa phương và khuyến công quốc gia một cách hiệu quả. Qua đó, hỗ trợ tích cực hơn cho các DN, cơ sở CNNT trên địa bàn ứng dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất; đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, khai thác hết tiềm năng lợi thế của địa phương; giảm thiểu ô nhiễm môi trường, làm tăng doanh thu cho đơn vị; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

 

Minh Phương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang