Theo đó, đề án được hỗ trợ đầu tư các thiết bị tiến tiến, hiện đại bao gồm: 01 thiết bị sấy bơm nhiệt, 01 máy làm viên và 01 tủ tiệt trùng với tổng kinh phí thực hiện đề án là 405,4 triệu đồng, trong đó có 200 triệu đồng từ kinh phí khuyến công quốc gia. Thay thế dây chuyền sản xuất thủ công cũ, sau khi được đưa vào vận hành, các thiết bị mới đã giúp Cơ sở Chế biến thực phẩm Viết Nghi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, làm tăng năng suất, giá trị sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, tiết kiệm chi phí thuê lao động, giảm giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Hiện nay, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận phát triển chủ yếu với quy mô nhỏ lẻ, mang tính tự phát, chưa có định hướng sản xuất hàng hóa, các sản phẩm chỉ mới dừng lại ở mức sản xuất tiêu thụ trong tỉnh. Phát triển tiểu thủ công nghiệp chưa tận dụng được tiềm năng và lợi thế của từng địa phương để tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng, các cơ sở sản xuất ít chú ý đến mẫu mã, bao bì, thương hiệu, quảng bá sản phẩm, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế dẫn đến chất lượng không đồng nhất, giá thành sản phẩm còn cao, chưa liên kết chặt chẽ các yếu tố đầu vào với sản xuất… Lao động có trình độ tay nghề thấp, khó có thể tiếp nhận, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất cũng như tổ chức quản lý sản xuất đạt hiệu quả cao và bền vững. Điều này dẫn đến thực tế là trong tỉnh có rất ít sản phẩm tiểu thủ công nghiệp đặc trưng, cao cấp, tinh xảo, đủ sức cạnh tranh với các tỉnh lân cận. Chính vì vậy, UBND tỉnh Ninh Thuận đã họp bàn triển khai “Kế hoạch hỗ trợ phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020” với những nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể: Khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm, gốm nung; Tiếp tục tạo điều kiện phát triển nghề sản xuất sản phẩm từ mây tre, mộc và mộc mỹ nghệ. Đến năm 2020, ưu tiên hỗ trợ phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ từ hạt cây rừng; Phát triển công nghiệp chế biến từ nguyên liệu là đặc sản của tỉnh như rượu nho, nho sấy, mật ong, măng khô…; Hỗ trợ các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp hình thành 1-2 cụm liên kết cùng ngành nghề, trong đó ưu tiên hỗ trợ nghề thủ công mỹ nghệ, chế biến hải sản, nước mắm.
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống đang được UBND tỉnh Ninh Thuận chú trọng phát triển
Để thực hiện tốt kế hoạch được đề ra, UBND tỉnh đã tiến hành xác định mục tiêu, triển khai các hoạt động cần thiết như: Hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất; Hỗ trợ tư vấn thiết kế mẫu mã, bao bì cho sản phẩm; Tổ chức các lớp đào tạo nghề tiểu thủ công nghiệp; Tập trung huấn luyện nghiệp vụ ngành nghề chế biến hải sản…
Việc hỗ trợ phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh: Tạo ra nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm việc di dân từ nông thôn ra thành phố, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới; thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, hướng người dân vào kinh tế thị trường, tạo ra hướng đi mới, tăng sức cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp đặc trưng có lợi thế ở khu vực nông thôn góp phần phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh nhà theo hướng hiệu quả và bền vững.
Bích Ngọc