Từ chiến lược tổng thể đến những bước đi tiên phong
Là đơn vị thành viên của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), PC Cao Bằng xác định CĐS là mệnh lệnh từ thực tiễn, một hướng đi chiến lược đúng đắn. Công ty đã nhanh chóng triển khai mạnh mẽ CĐS trên mọi lĩnh vực, từ sản xuất kinh doanh đến dịch vụ khách hàng, đồng thời bám sát mục tiêu của EVNNPC là trở thành doanh nghiệp số vào cuối năm 2025 và tạo đà cho giai đoạn "bứt phá" 2025 - 2030. Trong bức tranh tổng thể đó, PC Cao Bằng cụ thể hóa các định hướng của Tổng công ty, vận dụng phù hợp với thực tiễn và đặc thù vùng biên cương.
Đặc biệt, sự ra đời của Nghị quyết 57-NQ/TW được xem là "thời cơ vàng", thúc đẩy ngành Điện phát triển. Theo đó, PC Cao Bằng đã chủ động nắm bắt, coi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS là bộ tứ trụ cột cho phát triển bền vững, thể hiện vai trò tiên phong của một doanh nghiệp nhà nước, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương.
Một trong những dấu ấn tiên phong của PC Cao Bằng là hiện đại hóa lưới điện, đặc biệt là tự động hóa các trạm biến áp (TBA) 110kV. Cụ thể, tháng 4/2024, Công ty đã hoàn tất chuyển đổi và đưa vào vận hành 04/04 TBA 110kV theo mô hình không người trực. Đây được xem là sự hưởng ứng tích cực Đề án "Phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam" và mục tiêu 100% TBA 110kV vận hành không người trực của EVN. Hệ thống SCADA được ví như "bộ não" của các TBA, thu thập toàn bộ thông số, trạng thái vận hành và truyền về Trung tâm Điều khiển (TTĐK) theo thời gian thực với tỷ lệ thao tác xa thành công đạt 97%. Qua đó, giúp giảm thời gian vận hành, bảo trì và xử lý sự cố, đồng thời giảm thiểu rủi ro cho con người và thiết bị.
Không chỉ dừng ở đó, PC Cao Bằng còn mở rộng giám sát và điều khiển ra toàn bộ lưới điện phân phối. Đến tháng 6/2025, 196/196 thiết bị đóng cắt thông minh (Recloser, LBS, RMU) trên lưới trung áp đã được kết nối về TTĐK. Đặc biệt, việc vận hành 13 mạch DMS (Hệ thống quản lý lưới điện phân phối) từ tháng 5/2025 đã tạo bước ngoặt, cho phép tự động phát hiện, cô lập vùng sự cố và nhanh chóng khôi phục cấp điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.
Số hóa quản lý vận hành tạo nền tảng cho dữ liệu thông minh
Song song với việc hiện đại hóa hạ tầng, PC Cao Bằng còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào quản lý vận hành. Hệ thống SCADA/DMS giúp lực lượng điều độ nắm bắt và xử lý tình huống nhanh chóng. Mặt khác, việc triển khai công tơ điện tử và hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm từ xa đã chấm dứt hình thức ghi chỉ số thủ công, mở ra kỷ nguyên chính xác và minh bạch. Đến nay, toàn tỉnh đã có 100% khách hàng lắp công tơ điện tử, với tỷ lệ lắp đặt đo xa đạt 99,04%.
Điều độ viên Trung tâm điều khiển xã thực hiện giám sát các TBA 110kV
Ngoài ra, công tác số hóa còn lan tỏa đến công việc ngoài hiện trường. Từ tháng 3/2022, App ứng dụng hiện trường được sử dụng cho quy trình treo tháo công tơ và 100% biên bản được thực hiện trên máy tính bảng. Nhân viên khảo sát dùng máy tính bảng để tiếp nhận yêu cầu, khảo sát và lập dự tính tại chỗ. Các hệ thống quản lý như CMIS (quản lý khách hàng) được sử dụng rộng rãi. Mặt khác, PMIS (quản lý kỹ thuật) và GIS (thông tin địa lý) cũng đang được PC Cao Bằng tiến tới áp dụng nhằm xây dựng hệ sinh thái số toàn diện.
Mặt khác, với phương châm "Khách hàng là trung tâm", 100% dịch vụ điện đã được PC Cao Bằng triển khai trực tuyến cấp độ 4, cho phép khách hàng thực hiện mọi quy trình trên môi trường mạng. Cụ thể, công tác đăng ký cấp điện mới, thay đổi thông tin, gia hạn hợp đồng mua bán điện đều có thể thực hiện qua ứng dụng EVNNPC.CSKH, Cổng Dịch vụ công Quốc gia, hoặc Fanpage EVNNPC. Đặc biệt, điểm nhấn trong CĐS dịch vụ khách hàng là cuộc cách mạng thanh toán tiền điện. Theo đó, PC Cao Bằng đã đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt qua hợp tác với ngân hàng và tổ chức trung gian. Đến nay, đã có trên 88,57% khách hàng trên địa bàn tỉnh áp dụng hình thức này.
Nỗ lực vượt qua thách thức để hướng tới tương lai số
Hành trình CĐS tại Cao Bằng phải đối mặt với không ít những thách thức về địa hình phức tạp, rào cản thay đổi thói quen người dùng, nguồn nhân lực, chi phí đầu tư, yêu cầu an toàn thông tin. Tuy nhiên, PC Cao Bằng đã chủ động vượt khó bằng các giải pháp trọng tâm như: Đầu tư vào TBA không người trực, SCADA/DMS, đo xa công tơ; Tăng cường đào tạo; Đẩy mạnh truyền thông; Ưu tiên an toàn thông tin và học hỏi kinh nghiệm từ đơn vị bạn. Trong đó, tập trung vào tự động hóa được xem là hướng đi chiến lược.
Trong giai đoạn 2023 – 2025, PC Cao Bằng đã đạt được rất nhiều kết quả tích cực trên hành trình CĐS. Nổi bật trong đó là 100% TBA 110kV chuyển sang không người trực; 100% thiết bị đóng cắt quan trọng kết nối điều khiển từ xa; hoàn thiện 11 mạch vòng DMS; 100% khách hàng lắp công tơ điện tử; tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt đạt 88,57%; 100% dịch vụ điện cấp độ 4; 100% HĐMBĐ sinh hoạt được số hóa. Kết quả này là minh chứng cho nỗ lực của tập thể CBCNV-NLĐ trong Công ty và một chiến lược đúng đắn.
Thời gian tới, PC Cao Bằng tiếp tục đẩy mạnh toàn diện CĐS; Tập trung phát triển nguồn nhân lực CĐS trình độ cao; Ứng dụng công nghệ hiện đại cho lưới điện thông minh. Trong đó, ưu tiên các lĩnh vực về nâng cao năng lực quản lý vận hành lưới điện, chất lượng dịch vụ khách hàng, quản lý dự án đầu tư xây dựng, giám sát và phân tích dữ liệu, triển khai phần mềm quản lý chuyên sâu… nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng doanh nghiệp số thông minh, tiên phong, đổi mới sáng tạo, đặt sự hài lòng của khách hàng lên hàng đầu.
Nhìn lại chặng đường đã qua, dấu ấn CĐS của PC Cao Bằng đã minh chứng cho tầm nhìn chiến lược và sự đầu tư bài bản, luôn đặt lợi ích người dân cũng như sự phát triển địa phương lên hàng đầu. Trong bối cảnh cả nước thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, những bước tiến của Công ty đã và đang góp phần thắp sáng niềm tin vào tương lai phồn vinh, thịnh vượng của mảnh đất địa đầu Tổ quốc.
PC Cao Bằng