Được phát động từ tháng 01/2023 đến hết tháng 7/2024, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Yên Bái lần thứ XI, năm 2023 - 2024 đã tiếp nhận 98 giải pháp dự thi. Trong đó, PC Yên Bái đã lựa chọn 12 giải pháp từ các đơn vị gửi tham gia Hội thi bao gồm giải pháp: Quản trị, phân tích nhận dạng sự cố, giảm thời gian khắc phục sự cố, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện tại PC Yên Bái; Giám sát điện áp, dung lượng nguồn một chiều từ xa; Giải pháp kết nối lập trình PLC với hệ thống giám sát từ xa tại Trung tâm Điều khiển để điều khiển các thiết bị trên lưới điện bằng phần mềm New Century EDCS-7000 Power Monitoring System; Ứng dụng công nghệ 4.0 và các phần mềm chuyển đổi số để giảm thời gian khắc phục sự cố trên lưới điện do lũ quét, sạt lở đất gây ra ngày 05/8/2023 tại xã Hồ Bốn – huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái; Hỗ trợ Flycam kiểm tra lưới điện ban đêm; Cải tạo đáy tủ điện phân phối chống động vật xâm nhập; Sử dụng bệ đỡ chân mini khi làm việc trên cột chữ H; Bọc xà đường dây 22kV bằng ống nhựa PVC cách điện để giảm nguy cơ sự cố do động vật xâm nhập; Mã hóa hồ sơ tài liệu bằng mã QR trong quản lý vận hành; Nâng cao năng suất lao động bằng ứng dụng công nghệ số trong công tác chuyển phát tài liệu; Sử dụng cáp cấp nguồn để lắp đặt thiết bị đo xa tự động đầu nguồn các TBA và đầu nguồn đường dây ranh giới; Thay đổi hình thức tuyên truyền các dịch vụ ngành điện.
Trong 25 giải pháp của các tập thể, cá nhân được công nhận và khen thưởng gồm có giải Nhất có 02 giải pháp; giải Nhì có 03 giải pháp; giải Ba có 05 giải pháp và giải Khuyến khích có 15 giải pháp. Trong đó PC Yên Bái có 02 giải pháp của các nhóm tác giả đạt giải Ba và Khuyến khích được vinh danh và khen thưởng. Các giải pháp của PC Yên Bái được Ban giám khảo, Ban tổ chức cuộc thi đánh giá là có tính thực tiễn, tính mới và sáng tạo, khả năng áp dụng rộng rãi, hiệu quả kinh tế kỹ thuật, xã hội.
Cụ thể đối với giải pháp “Giám sát điện áp, dung lượng nguồn một chiều từ xa” (Nhóm tác giả Cao Bình Định, Vũ Duy Khương, Cao Hùng Cường) đạt giải Ba. Với giải pháp này thì chỉ với một thao tác nhắn tin đơn giản, công nhân quản lý vận hành đã nắm bắt được tình trạng acquy để cập nhật thông số nguồn 1 chiều, giảm thời gian khi đi kiểm tra; Đảm bảo tình trạng sẵn sàng vận hành của các MC. Recloser, hệ thống công nghệ thông tin dễ dàng cập nhật phiếu kiểm tra định kỳ, dễ kiểm soát tình trạng của từng acquy để chủ động đưa phương án thay thế chính xác acquy kém chất lượng. Qua đó, tiết kiệm một khoản chi phí lớn so với áp dụng hệ thống BMI, dễ dàng cập nhật khi có thay đổi, bổ xung người, đơn vị quản lý thiết bị. Các nguồn 1 chiều được kiểm tra thường xuyên và được thông báo kịp thời nếu có sụp áp, suy giảm dung lượng, giúp công nhân QLVH có phương án thay thế kịp thời, đảm bảo thông tin liên lạc giữa các MC - LBS và Trung Tâm điều khiển xa, hệ thống công nghệ thông tin của đơn vị được liên tục, thông suốt. Bên cạnh đó, giải pháp này còn xác định được thông tin sự cố, dạng sự cố chính xác một cách nhanh nhất giúp cho trực vận hành và đơn vị vận hành rút ngắn thời gian xử lý sự cố; Tiết kiệm được nhân lực tìm điểm sự cố; Đảm bảo an toàn thông tin liên lạc thông suốt, liên tục cả các đường truyền của phần mềm Scada, CMIS, CRM, OMS và nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm thời gian mất điện, nâng cao hình ảnh trong mắt khách hàng.
Giải pháp “Kết nối lập trình PLC với hệ thống giám sát từ xa tại Trung tâm Điều khiển để điều khiển các thiết bị trên lưới điện bằng phần mềm New Century EDCS-7000 Power Monitoring System” (Nhóm tác giả Cao Bình Định, Vũ Duy Khương, Phạm Hồng Tám) đạt giải Khuyến khích. Với giải pháp này, đa phần được chế tạo từ những linh kiện của những tủ máy cắt thu hồi trong Công ty, do đó tiết kiệm được chi đầu tư phục vụ công tác kết nối điều khiển xa thiết bị (so với chi phí mua sắm hợp bộ mới để phục vụ điều khiển từ xa như trên có giá khoảng 200-300 triệu đồng); Giảm được chi phí nhân công đi lại thao tác tại hiện trường; Đảm bảo các chỉ tiêu ổn định cung cấp điện; Tăng doanh thu bán điện cho Công ty do đã giảm thời gian ngừng cấp điện do sự cố, do thời gian di chuyển của nhân viên vận hành từ trụ sở đến thiết bị trên lưới điện.
Trong những năm qua, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã trở thành phong trào thi đua thường niên của PC Yên Bái nhằm phát huy hiệu quả năng lực của cán bộ, công nhân viên (CBCNV) trong Công ty, nhờ đó, nhiều sáng kiến góp phần tiết kiệm chi phí và mang lại hiệu quả thiết thực trong lao động, sản xuất, kinh doanh của đơn vị.
Từ năm 2015 đến 2024, PC Yên Bái đã tham gia 05 lần Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Yên Bái với 48 giải pháp là những sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong công tác quản lý vận hành - kinh doanh điện. Trong đó, 15 giải pháp của các nhóm tác giả (gồm 40 thành viên) đạt giải, cụ thể: 05 giải Nhì, 01 giải Ba và 09 giải Khuyến khích. Các giải pháp đã áp dụng có hiệu quả trong công tác quản lý vận hành - kinh doanh điện của Công ty.
Mai Ngọc Lương