Thứ Sáu, 22/11/2024 11:14:35 GMT+7
Lượt xem: 3750

Tin đăng lúc 25-09-2015

PCI 2014: Những con số nói gì?

Vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã chính thức công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2014. PCI 2014 tiếp tục đo lường và đánh giá thực tiễn điều hành kinh tế của chính quyền các tỉnh, thành phố trên cả nước, qua đó thúc đẩy sự phát triển của các loại hình doanh nghiệp nói chung.
PCI 2014: Những con số nói gì?
Ảnh minh họa

Mặt bằng chung đã khởi sắc

 

Dựa trên kết quả điều tra 9.859 doanh nghiệp dân doanh và 1.491 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cho thấy, niềm tin vào triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp đã có nhiều khởi sắc, đã tăng trở lại sau hai năm sụt giảm mạnh và có thể nói, vấn đề điều hành kinh tế của các tỉnh, thành trên cả nước nói chung đang được cải thiện rõ rệt.

 

Cụ thể, Báo cáo PCI cho thấy điểm trung vị PCI 2014 tăng từ 57,81 điểm năm 2013 lên 58,58 điểm. So với các năm trước khoảng cách điểm số giữa các tỉnh, tiếp tục được thu hẹp. Mặc dù điểm số PCI tăng lên nhưng thứ hạng của các tỉnh dẫn đầu và các tỉnh “chậm tiến” trong cuộc đua này lại có rất ít sự thay đổi (Bảng xếp hạng). Đà Nẵng tiếp tục bảo vệ thành công vị trí quán quân của bảng xếp hạng PCI 2014 với số điểm 66,87, thành công này đến từ việc thực hiện hiệu quả chương trình “năm doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”, khi chính quyền thành phố có nhiều hoạt động thiết thực tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, tiếp đến là Đồng Tháp 65,28 điểm và Lào Cai 64,67 điểm. Cả hai địa phương này đều có những sáng kiến cải cách độc đáo. Đồng Tháp luôn coi doanh nghiệp là bạn đồng hành trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, được nhiều doanh nghiệp đánh giá cao. Lào Cai có sáng kiến đột phá khi xây dựng Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố để tiếp thu ý kiến phản hồi của doanh nghiệp. Kế đó, Vĩnh Phúc và Quảng Ninh cũng đã vượt qua mốc điểm 62 - là ranh giới giữa nhóm được xếp hạng tốt và rất tốt. Ngoài ra, còn có tới 7 tỉnh vượt qua mức 60 điểm để đứng vào nhóm các tỉnh được xếp hạng tốt. Năm nay, cũng là lần đầu tiên trong 10 công bố PCI, TP.HCM bước vào nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước. Các tỉnh đứng cuối bảng xếp hạng dường như cũng ít thay đổi vẫn là Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn, Cà Mau. Các tỉnh nằm ở tốp giữa tuy có thay đổi về thứ hạng song vẫn không có thay đổi lớn. Đặc biệt, PCI 2014 cũng ghi nhận khoảng cách về điểm số giữa tỉnh đứng đầu bảng là Đà Nẵng và tỉnh cuối bảng là Điện Biên chỉ còn 16,55 điểm. Mức chênh lệch điểm số giữa các nhóm rất tốt, tốt, khá, trung bình chỉ còn 1-2 điểm. Vì thế, tỉnh nào đạt mức tăng (dù chỉ vài điểm) cũng có thể mang lại sự cải thiện khá lớn về thứ hạng. So kết quả chỉ số PCI năm trước một tỉnh trung vị cho thấy, thời gian chờ đợi của doanh nghiệp chính thức đi vào hoạt động giảm đi, chất lượng, hiệu quả vận hành của bộ phận một cửa tăng lên, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào quy trình hoạch định chính sách, vai trò của các Hiệp hội địa phương được khẳng định, mức độ hài lòng về chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lao động tăng lên. 

 

 

Bảng tổng hợp năng lực cạnh tranh 2014

 

Phía sau chỉ số PCI 2014

 

Sự thay đổi các chỉ số thành phần cấu tạo nên chỉ  số PCI cho thấy nổi lên hai lĩnh vực có sự cải thiện lớn nhất là các thủ tục đăng ký kinh doanh và việc giảm chi phí thời gian để thực hiện các quy định thủ tục hành chính thanh, kiểm tra.

 

Trước hết, về chỉ số ra nhập thị trường thì thời gian đăng ký kinh doanh được rút ngắn, trung bình từ 15 ngày xuống còn 10 ngày, đăng ký bổ sung từ 10 ngày xuống 7 ngày...

 

Thứ hai, liên quan đến chỉ số chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước, hầu hết các tỉnh đạt điểm số thấp ở chỉ số này vào năm trước thì năm nay đều vượt lên, trong khi các tỉnh đã đạt điểm số cao thì tiếp tục duy trì thành công. Tuy nhiên, cũng trong chỉ số này, số doanh nghiệp phải bỏ ra trên 10% thời gian hoạt động để thực hiện các thủ tục hành chính vẫn đứng ở mức trên 20%, số lần kiểm tra của tỉnh trung bình là một lần trong năm và thời gian trung bình cho hoạt động kiểm tra thường xuyên nhất (kiểm tra về thuế) là 8-10 tiếng.

 

Thứ ba, sự thay đổi lớn nhất trong chỉ số minh bạch là số doanh nghiệp thừa nhận phải thương lượng với cán bộ thuế giảm dần, từ 50% của năm trước xuống còn khoảng 30% của năm nay. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả trên các doanh nghiệp cũng cho rằng việc tiếp cận các văn bản chính sách cần thiết cho hoạt động kinh doanh vẫn chưa mấy dễ dàng. Ngoại trừ một số tỉnh đã công khai các văn bản này, ở các tỉnh được xếp hạng trung bình có tới trên 20% số doanh nghiệp tin rằng không thể tiếp cận được những văn bản nói trên, trong khi gần 40% doanh nghiệp khác cho rằng có thể tiếp cận được nhưng sẽ rất khó khăn.

 

Thứ tư, dù chỉ số thành phần về thiết chế pháp lý đã có tiến bộ nhưng vẫn tiếp tục là chỉ số thành phần có điểm số thấp nhất so với các chỉ số còn lại. Số doanh nghiệp tin tưởng vào cơ chế giải quyết tranh chấp của tòa án còn rất thấp chỉ khoảng 15%, cao nhất cũng chỉ đạt trên dưới 30%. Điều này cho thấy, việc cải cách hệ thống pháp lý vẫn là mục cần được ưu tiên trong quá trình phát triển đất nước.

 

Cuối cùng, đáng lo ngại hơn là ở lĩnh vực: Chi phí không chính thức, tính năng động và tiếp cận đất đai. Đánh giá cả 3 lĩnh vực này, doanh nghiệp tại tỉnh trung vị thể hiện rõ tâm lý bi quan, bởi những chi phí không chính thức dường như vẫn là ẩn số khó kiểm soát, trên 60% số doanh nghiệp của tỉnh thuộc nhóm trung bình tin rằng, các doanh nghiệp trong cùng ngành phải trả các khoản “lót tay”, 15% doanh nghiệp thừa nhận phải trả trên 10% doanh thu hàng năm của đơn vị cho các khoản chi phí không chính thức… các tỷ lệ trên dường như vẫn “ổn định” trong vài năm trở lại đây.

 

Những vấn đề đặt ra

 

Một trong những thách thức được đặt ra là sự xuất hiện tình trạng phát triển không đồng đều giữa các tỉnh. Chỉ số PCI năm nay cho thấy hiện tượng tụt hậu của một số tỉnh có điều kiện truyền thống kém và năng lực điều hành kinh tế còn hạn chế. Nếu xu hướng này tiếp diễn e rằng sẽ nẩy sinh không ít lo ngại về các chính sách phân bổ nguồn lực ở tầm vĩ mô cũng như ảnh hưởng tới sự tăng trưởng kinh tế. Qua các số liệu PCI cho thấy, tỉnh nào có thực trạng điều hành kinh tế tốt sẽ thúc đẩy hàng loạt hộ kinh doanh cá thể “chính thức hóa” hoạt động kinh doanh của mình, một quyết định có ảnh hưởng quan trọng về mặt tài chính và kinh tế. Bên cạnh đó, cũng phải nói đến kết quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước mới được cổ phần hóa gần đây trong mối liên hệ với sự điều hành kinh tế được PCI đo lường. Kết quả cho thấy, các doanh nghiệp cổ phần hóa hoạt động hiệu quả hơn ở các tỉnh có điểm số PCI cao hơn, trong khi các tỉnh hàng “sao” chững lại, chưa thể hiện được sự bứt phá, trong khi các nhóm cuối tiếp tục thu hẹp sự chênh lệch thông qua các lĩnh vực dễ cải cách như: đăng ký doanh nghiệp; rút ngắn thời gian thực hiện cải cách thủ tục hành chính… Tất cả, đang là những vấn đề cần được khẩn trương xem xét, khắc phục.

 

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung các doanh nghiệp thể hiện được tinh thần lạc quan về triển vọng kinh doanh trong tương lai. Năm 2014 có tới 46,1% doanh nghiệp dự kiến sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong vòng hai năm tới, tăng mạnh so với mức 32,5% của năm trước; Tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch giảm quy mô hoặc đóng cửa giải thể chỉ chiếm 8,3%... Điều này cho thấy, niềm tin của doanh nghiệp đã có dấu hiệu hồi phục, mang lại tín hiệu vui cho nền kinh tế nước nhà./. 

 

 Hoàng Anh Thư


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang