Sở dĩ, tỷ trọng xuất nhập khẩu bị “vênh” là do ngành cơ khí chế tạo nước ta vẫn chỉ dừng ở mức làm gia công cho nước ngoài, chưa làm chủ được công nghệ và chưa có những sản phẩm mang thương hiệu riêng. Thậm chí, ngay cả với việc gia công thì nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam cũng chưa có được hợp đồng ổn định. Với tình trạng hiện nay, một số DN hỗ trợ của Việt Nam còn phải “chiến đấu” với các nước trong khu vực, đặc biệt là một số quốc gia được gọi là “công xưởng” của thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ thì mới có được đơn hàng gia công. Vì vậy, theo thống kê, tỷ lệ nội địa hóa vẫn chỉ ở mức dưới 30%, thấp hơn các nước trong khu vực như Trung Quốc 64%, Thái Lan 53%, Malaysia 42%..
Ông Nguyễn Khắc Thành - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Lilama 18 - đơn vị chuyên gia công chế tạo kết cấu thép cẩu container duy nhất tại Việt Nam cho hãng Kocks Ardelt Kranbau - chia sẻ, thực tế năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam rất kém, vì đa phần là gia công. Thậm chí, khi các DN nước ngoài vào Việt Nam thuê gia công thì họ cũng thẩm định chán chê, rồi thương lượng về giá trên cơ sở lấy giá thành của Trung Quốc vốn rất rẻ để ép giá DN Việt…
Chỉ tính riêng ngành công nghiệp cơ khí, trong khi chúng ta có nhiều nguyên liệu nguồn như quặng sắt, đồng, chì, kẽm… nhưng cả nước hiện chỉ duy nhất Công ty Gang thép Thái Nguyên là sản xuất ra thép thành phẩm từ quặng sắt, so với nhu cầu vẫn chỉ là muối bỏ bể. Trong ngành công nghiệp đóng tàu, để chế tạo ra một con tàu mà Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đang đóng mới thì có tới hơn 80% nguyên vật liệu tàu vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu.
Việc nhập siêu các loại nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước thời gian qua cho thấy, ngành CNHT chưa được chú trọng đầu tư và còn quá non yếu. Muốn hạn chế nhập siêu thì không có cách nào khác là phải phát triển CNHT để giảm nhập nguyên vật liệu cho các ngành sản xuất trong nước.
Là nước công nghiệp hóa đi sau các nước trong khu vực châu Á, chính vì vậy, Việt Nam cần tận dụng lợi thế về kinh nghiệm phát triển CNHT của các nước đi trước để vận dụng ở nước ta. Để làm được điều đó, thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, cần có các chính sách phát triển CNHT phù hợp.
Chính phủ phải nhận diện lại vấn đề phát triển CNHT bằng cách học tập kinh nghiệm của Thái Lan, lập ra một cơ quan đầu mối để hỗ trợ cho các DN cung cấp chi tiết linh kiện.
Ngoài ra, các cơ quan hữu quan sớm xây dựng và công khai chiến lược, quy hoạch đối với CNHT, để tận dụng hiệu quả các nguồn lực còn hạn hẹp. Phải có các chính sách xác định rõ các lĩnh vực cần được ưu tiên để phát triển CNHT. Cần có những điều chỉnh với các DN Nhà nước vì đây là những DN đã tồn tại rất lâu, cần phải tận dụng, định hướng sản xuất theo xu hướng chuyên môn hóa, tập trung vào một ngành.
Thứ hai, phải có các chính sách tạo điều kiện về vốn thúc đẩy phát triển các DN nhỏ và vừa.
Các DNNVV sẽ là một trong những nhân tố quan trọng trong việc đưa nền CNHT của Việt Nam đi lên, do đó cần có những chính sách và biện pháp thích hợp nhằm khuyến khích các DNNVV trong lĩnh vực này như: Tạo điều kiện thuận lợi cho các DNNVV có thể dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn vay dài hạn cho đầu tư phát triển, hỗ trợ các DN về thiết kế mẫu và phát triển mẫu như Thái Lan đã làm, cung cấp thông tin khách hàng cho DN…
Thứ ba, đào tạo nguồn nhân lực.
Nguồn nhân lực của nước ta hiện nay đang mất cân đối về cơ cấu lao động khi thiếu trầm trọng đội ngũ thợ lành nghề và kỹ sư trong các ngành khoa học kỹ thuật (kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật điện, hóa ứng dụng, chế tạo máy, luyện kim, điều khiển tự động…). Do đó, Chính phủ cần cải cách đào tạo đại học theo hướng cân đối lại số lượng tuyển sinh ở các ngành học, tạo điều kiện để sinh viên được nâng cao kỹ năng thực hành và có thái độ đúng đắn với môi trường làm việc của một DN sản xuất. Ngoài ra, thu hút sự hỗ trợ của các nước phát triển như Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU)… để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành CNHT cũng là rất cần thiết.
Thứ tư, hoàn thiện hệ thống thông tin DN.
Các DN trong ngành CNHT gặp khó khăn trong hoạt động, như đã chỉ ra ở phần thực trạng, một phần là do họ có quá ít thông tin về các khách hàng. Do đó, chúng ta cần thiết lập một hệ thống thông tin DN chính thức và xây dựng mạng lưới thông tin nội bộ DN. Hơn nữa, cần tăng cường công tác thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về các DN sản xuất hỗ trợ để làm cơ sở cho công tác giới thiệu, tìm kiếm đối tác.
Thái Anh