Nhận diện rõ tiềm năng, thế mạnh
Là một trong số ít thủ đô, thành phố trên thế giới có lịch sử hình thành, phát triển lâu đời, Hà Nội - trải qua hơn nghìn năm với bao biến đổi thăng trầm, đã lưu giữ cho mình những giá trị bất biến, trong đó có nguồn lực di sản văn hóa đa dạng, dồi dào, với nhiều đại diện tiêu biểu cho tinh hoa văn hóa dân tộc. Với vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa đất nước, Hà Nội là thị trường lý tưởng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là các sản phẩm văn hóa sáng tạo dựa trên “mỏ vàng” di sản.
Trên thực tế, nhiều ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô, đã và đang đạt được những thành tựu nhất định nhờ vào việc khai thác hiệu quả giá trị di sản văn hóa. Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Hiên, Viện Văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam, du lịch văn hóa ở Hà Nội thời gian qua tương đối phát triển, với nhiều điểm du lịch văn hóa thu hút khách tham quan mang lại nguồn thu lớn. Chẳng hạn, khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long và di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám mỗi năm đón hàng triệu lượt khách, với doanh thu hàng chục tỷ đồng… Nhiều làng nghề thủ công truyền thống cũng trở thành điểm du lịch hấp dẫn và sản phẩm của các làng nghề tham gia cạnh tranh tại các thị trường: Mỹ, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản...
“Thành phố cũng có nhiều chương trình nghệ thuật sáng tạo trên chất liệu truyền thống, phù hợp thị hiếu, hấp dẫn người xem, như: Nhà hát múa rối Thăng Long với hơn 2 nghìn suất diễn, thu hút hàng trăm ngàn lượt khách mỗi năm hay vở thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ đạt nhiều giải thưởng quốc tế danh giá. Việc khai thác giá trị di sản trong phát triển công nghiệp văn hóa ở Hà Nội còn tạo ra nhiều công việc mới cho người dân, tạo cơ hội phát triển cho các tài năng sáng tạo, góp phần bảo vệ và phát huy những di sản văn hóa”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Hiên nói.
Bên cạnh những thuận lợi, việc khai thác giá trị di sản trong phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội còn không ít tồn tại, thách thức, như: Nhận thức của một bộ phận cán bộ, người dân còn hạn chế; cán bộ thiếu kỹ năng chuyên môn trong công nghiệp văn hóa hay sản phẩm văn hóa… “Cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước, Hà Nội chưa nhận diện được giá trị văn hóa từ di sản một cách sâu sắc, gần gũi với sáng tạo văn hóa; chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu, thông tin chuyên ngành cho công nghiệp văn hóa; thiếu liên kết ngành hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước với nhau, giữa cơ quan nhà nước với các nhà sản xuất, doanh nghiệp có năng lực sáng tạo”, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý cho biết.
Tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” góp phần tăng sức hấp dẫn cho điểm đến di sản
Phát huy bản sắc văn hóa Thủ đô
Xác định di sản văn hóa là nguồn lực quan trọng, vốn bền vững của công nghiệp văn hóa, Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra mục tiêu: “Phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa mang bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến”.
Để làm được điều này, nhiều địa phương hay các điểm đến di sản tiêu biểu của Thủ đô đã và đang triển khai nhiều sáng kiến, giải pháp thúc đẩy công nghiệp văn hóa từ nguồn vốn di sản. Theo đó, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn gắn với hoàng cung và lịch sử hình thành, phát triển của Hà Nội. Quận Hoàn Kiếm chú trọng đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích; khôi phục, phát huy giá trị 14 lễ hội đặc trưng, tiêu biểu của khu phố cổ; đẩy mạnh tôn vinh, quảng bá phố nghề, làng nghề truyền thống. Huyện Gia Lâm tập trung xây dựng 3 vùng du lịch trọng điểm; triển khai tu bổ, tôn tạo 38 di tích lịch sử, văn hóa... với kinh phí gần 1.200 tỷ đồng...
Khai thác nguồn vốn di sản cho công nghiệp văn hóa, nhiều chuyên gia cũng hiến kế cho Hà Nội. Đó là cần tập trung nâng cao nhận thức của người dân Thủ đô về tầm quan trọng, ý nghĩa mật thiết giữa phát huy nguồn lực di sản văn hóa với phát triển công nghiệp văn hóa. Đồng thời, có chương trình, hành động cụ thể, thiết thực hơn để nhận diện, đánh giá đầy đủ các di sản văn hóa của Thủ đô, từ đó có phương án gìn giữ, bảo tồn, khai thác có hiệu quả. Ngoài ra, đơn vị quản lý, khai thác cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù nhằm sử dụng hiệu quả tối đa nguồn lực di sản văn hóa cho phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô...
Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý đề xuất, Hà Nội cần ưu tiên xây dựng các sản phẩm văn hóa dựa trên di sản dành cho giáo dục học sinh phổ thông, để đào tạo con người vừa là chủ thể, vừa là khách thể của công nghiệp văn hóa. Còn theo Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam Trịnh Thúy Mùi, Hà Nội cần quan tâm đầu tư xây dựng những đề án mang tính chiến lược đối với một số loại hình nghệ thuật truyền thống đang có nguy cơ thất truyền thông qua các hình thức khác nhau...
Theo Hà Nội mới