Tuy nhiên, cùng với tin vui đó, giới DN vẫn luôn mong muốn, Chính phủ cũng như các cơ quan, tổ chức hữu quan sẽ đồng thời có những giải pháp tháo gỡ, xóa bỏ những rào cản khó khăn cơ bản hiện nay để DN có thể tồn tại cũng như có những điều kiện phát triển tốt nhất.
Ở mỗi quốc gia, DNNVV luôn giữ vai trò quan trọng và đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Ở Việt Nam, số lượng DN này chiếm phần lớn, góp phần tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động... Theo những số liệu báo cáo vừa qua về tình hình phát triển doanh nghiệp của Cục Phát triển Doanh nghiệp, Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), hiện số lượng DNNVV chiếm 98% tổng số DN ở Việt Nam, đóng góp 41% nguồn thu ngân sách, 78% chỗ làm và tạo ra 49% GDP toàn nền kinh tế. Với tầm quan trọng đó, theo Nghị quyết số 35/NQ-CP, ban hành ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Chính phủ đã đặt mục tiêu tới năm 2020, Việt Nam sẽ có trên 1 triệu DN hoạt động. Như vậy, hiện nay và những năm tới, mỗi năm sẽ có thêm khoảng 100.000 DN thành lập mới.
Thực trạng và một số nguyên nhân cơ bản
Có thể nói, số DN mới tăng là tín hiệu vui, nhưng những DN đó có tồn tại và phát triển được hay không lại là vấn đề đáng quan tâm. Năm 2016, đã có 110.000 DN mới thành lập, tăng 16,2% so với năm trước, nhưng cũng có 12.478 DN phá sản (tăng 31,8% so với năm 2015). Bên cạnh đó, cũng trong năm qua, một số lượng lớn các DN lâm vào cảnh bi đát, phải tạm ngừng hoạt động có thời hạn và không thời hạn lên đến 60.600 đơn vị. Vậy là, chỉ tính năm 2016, cả DN phá sản với DN tạm ngừng hoạt động lên đến trên 73.000 đơn vị. Điều đó cho thấy, cứ 10 DN thành lập mới thì có đến 6,6 DN bị phá sản hoặc tạm ngừng hoạt động. Còn 5 tháng đầu năm 2017, cả nước có thêm 50.534 DN thành lập mới, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái; Nhưng số DN đăng ký tạm ngừng hoạt động, kinh doanh hoặc chờ giải thể của cả nước là 32.148 DN, bằng hơn một nửa số DN thành lập mới.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên? Theo các nhà phân tích, chuyên gia kinh tế, số lượng lớn DNNVV bị phá sản, hoặc tạm dừng hoạt động có rất nhiều lý do, nhưng tựu trung, có một số rào cản với các nguyên nhân cơ bản sau: Một là, quy mô, nguồn vốn nhỏ. Hai là, công nghệ thấp. Ba là, trình độ quản lý và chất lượng nguồn lao động kém. Bốn là, môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản. Khẳng định điều này, tại Hội nghị “Đồng hành cùng doanh nghiệp” diễn ra vào tháng 5/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng ghi nhận thẳng thắn: “Chính phủ hiểu rằng, những kết quả đạt được sau một năm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ chỉ là những bước đi đầu tiên, kết quả khiêm tốn. Doanh nghiệp còn nhiều rào cản”.
Giải pháp
Trước thực trạng trên và để đạt được mục tiêu có 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020, các chuyên gia kinh tế đã đề xuất một số giải pháp tháo gỡ cơ bản sau:
Một là, giải cứu về vốn cho các DNNVV. Để làm tốt điều này, Chính phủ cần sớm hoàn thiện khung pháp lý cho các quỹ như: Quỹ Phát triển DNNVV, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV... để các quỹ này có thể hỗ trợ cho DN nhiều hơn về vay vốn...
Hai là, hỗ trợ đổi mới công nghệ. Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia cần mở rộng hình thức hỗ trợ cho DN như: Hỗ trợ lãi suất vay, cho vay ưu đãi, bão lãnh vốn vay để giúp DN xây dựng và thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ; Thúc đẩy hợp tác và phổ biến công nghệ thông qua việc hợp tác giữa các học viện, viện nghiên cứu, ngành Công nghiệp và Chính phủ với DN; Tổ chức thường xuyên các Hội chợ công nghệ và thiết bị mang tầm quốc gia, vùng, địa phương, thậm chí là cả các sàn giao dịch công nghệ điện tử để phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu kết nối cung cầu về công nghệ.
Ba là, tăng cường hỗ trợ các kiến thức về quản lý, quản trị, hội nhập cho các chủ DN. Hiện nay, cơ quan thuế vẫn thường tổ chức những lớp tập huấn, cập nhật các chính sách mới về thuế. Mô hình này có thể học tập, áp dụng qua việc hỗ trợ về kiến thức quản lý, quản trị cho các DNNVV. Việc tổ chức các khóa đào tạo có thể giao cho các cơ quan quản lý Nhà nước về DN như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các hiệp hội thực hiện. Tất nhiên, song hành với điều đó, các chủ DN cũng cần tích cực, chủ động tự đào tạo, nâng cao trình độ cho mình, “tự cứu mình trước khi trời cứu”...
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh. Chính phủ cần thực hiện quyết liệt các Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, Nghị quyết số 35-2016/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp... Bởi sự nỗ lực của Chính phủ thời gian qua là rất lớn, song khi triển khai các chính sách ở địa phương lại rất chậm chạp, dẫn đến tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Điều này phải sớm chấm dứt và có biện pháp xử lý mạnh mẽ. Đặc biệt, vừa qua, Quốc hội đã ban hành Luật hỗ trợ DNNVV. Đây là món quà quý giá với DN, cần được thực hiện tốt trong thời gian tới, bởi môi trường kinh doanh có thuận lợi thì DN mới có điều kiện để khởi nghiệp, tồn tại, phát triển và đóng góp ngày một lớn cho nền kinh tế.\
Hương Việt