Báo cáo tại cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Đức Thanh - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận cho biết, được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã thuê tư vấn nước ngoài là Tập đoàn Monitor của Mỹ và Tập đoàn Arup của Anh lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1222/QĐ-TTg ngày 22/7/2011.
Trên cơ sở quy hoạch tổng thể, tỉnh đã tập trung cụ thể hóa các nội dung, hoàn thành 94 quy hoạch các loại. Trong đó, tập trung quy hoạch dải ven biển, TP. Phan Rang - Tháp Chàm và quy hoạch các ngành, lĩnh vực quan trọng như phát triển năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến; phát triển nông lâm - thủy sản; phát triển du lịch; đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm cơ sở cho việc đề xuất các chủ trương, chính sách, xây dựng đề án, dự án; thu hút, phân bổ nguồn lực thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội đã được phê duyệt.
Nhìn chung, trong giai đoạn 2011-2015, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Thuận tiếp tục phát triển ổn định, một số mặt có chuyển biến khá tích cực: Tổng sản phẩm nội tỉnh tăng bình quân 10,3%/năm; thu ngân sách tăng khá, tăng bình quân 15,5%/năm. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng từ 22% năm 2010 lên 26,4% năm 2015, ngành dịch vụ tăng từ 36,1% lên 39,8%, ngành nông-lâm-ngư nghiệp giảm từ 41,9% xuống còn 33,8%... Tuy nhiên, một số chỉ tiêu về kinh tế còn nhiều khó khăn, không đạt mục tiêu Nghị quyết đã đề ra.
Đánh cao những nỗ lực của Ninh Thuận trong khắc phục những khó khăn do hạn hán, biến đổi khí hậu, góp phần hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực của thiên tai, Trưởng Ban kinh tế Trung ương ghi nhận, Ninh Thuận đang bước đầu thực hiện tốt việc tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bền vững, đã triển khai thực hiện công tác quy hoạch, trong đó có chỉ đạo tập trung quy hoạch dải ven biển và quy hoạch các ngành, lĩnh vực quan trọng như phát triển năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến; phát triển nông lâm - thủy sản; phát triển du lịch; đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trưởng Ban kinh tế Trung ương đề nghị tỉnh Ninh Thuận cần làm tốt công tác quy hoạch phát triển nông nghiệp, đặc biệt hệ thống hồ đập chống hạn hán để phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ sinh hoạt, ổn định đời sống của nhân dân.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã phân tích, làm rõ những lợi thế của Ninh Thuận trong phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió và năng lượng mặt trời. Toàn tỉnh hiện có 14 vùng gió tiềm năng, khoảng 8.000ha, tập trung chủ yếu ở 3 huyện Ninh Phước, Thuận Nam và Thuận Bắc. Đặc biệt là Ninh Thuận ít có bão và lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng với tốc độ từ 6,4-9,6m/s, đảm bảo ổn định cho turbin gió phát điện. Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2020 tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt xác định tiềm năng phát triển điện gió tỉnh Ninh Thuận gồm 5 khu vực với tổng diện tích 21.432ha, tổng công suất dự kiến 1.429 MW, khả năng khai thác đến năm 2030 khoảng 2.500 MW với sản lượng 5.475 triệu kWh. Ninh Thuận có độ cao mặt trời lớn, thời gian chiếu sáng dài và đồng đều nên có điều kiện tiếp nhận hàng năm một lượng bức xạ mặt trời rất lớn. Theo WB, bình quân lượng bức xạ mặt trời của Ninh Thuận trên 320 kcal/cm2/năm, trong đó tháng ít nhất là 14 kcal/cm2. Số giờ nắng trung bình cả năm khoảng 2.600-2.800 giờ, phân bố tương đối điều hòa quanh năm, cũng là tỉnh có tiềm năng về năng lượng mặt trời lớn nhất cả nước.
Với những lợi thế này, Ninh Thuận cần xây dựng chính sách để đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước, tạo sự phát triển đột phá - Trưởng Ban kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Ninh Thuận, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình và đoàn công tác đã đến khảo sát địa điểm dự kiến triển khai xây dựng dự án điện năng lượng mặt trời tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.
Trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình: Ủng hộ sớm ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ cho các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trong đó có đề án về “Cơ chế đặc thù hỗ trợ xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội tổ chức sản xuất, ổn định đời sống nhân dân tỉnh Ninh Thuận”. |
Nguồn Báo Công Thương điện tử