Thiếu thương hiệu quốc tế
Năm 2017, Việt Nam đứng thứ 19 thế giới về XK nông sản, đứng thứ 2 ASEAN. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch XK nông - lâm - thủy sản tháng 6/2018 ước đạt 3,45 tỷ USD, đưa tổng giá trị XK 6 tháng đầu năm 2018 đạt 19,4 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, giá trị XK các mặt hàng nông sản chính ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng 9,7%.
Dù kim ngạch tăng đều hàng năm nhưng nông sản Việt Nam có thương hiệu quốc tế không nhiều. Phần lớn sản phẩm nông sản được XK dưới dạng thô và sau khi được nhập về, DN nước ngoài chế biến và bán với thương hiệu của họ. Đây là một điểm bất lợi lớn trong cạnh tranh của nông sản Việt. Theo đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm đồng nghĩa với việc phải tạo ra sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ. Tuy vậy, còn nhiều DN, địa phương chưa quan tâm đến bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm và rất ít nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đạt được uy tín ở tầm quốc tế.
GS-VS. Trần Đình Long - Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam - chia sẻ, nông sản Việt đang chịu sự cạnh tranh gay gắt của nông sản nhiều nước trong khu vực, nhất là Thái Lan, Đài Loan… Do đó, xây dựng thương hiệu mang tầm quốc tế cho nông sản Việt là hết sức cần thiết.
Sự hỗ trợ thiết thực
Theo GS-VS. Trần Đình Long, thách thức lớn hiện nay đối với nông sản Việt là hàng rào kỹ thuật của các nước. Bên cạnh đó, khâu quảng bá, xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam tại thị trường quốc tế còn nhiều hạn chế.
Nhằm hỗ trợ DN chế biến thực phẩm xây dựng thương hiệu, hiện, Bộ Công Thương đang triển khai Chương trình Xây dựng thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam. Một trong những mục tiêu quan trọng của chương trình là đẩy mạnh XK các mặt hàng thực phẩm của Việt Nam ra thị trường thế giới, trong đó, chủ yếu là sản phẩm nông - lâm - thủy sản...
Bộ Công Thương cũng hỗ trợ thiết thực DN và hiệp hội ngành hàng XK nông sản theo chương trình "Nâng cao năng lực cạnh tranh XK cho DN nhỏ và vừa Việt Nam thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương". Đơn cử như quả vải, chè xanh tại miền Bắc; hồ tiêu, cá ngừ tại miền Trung; trái cây và cá tra tại Tây Nam Bộ... Đến nay, 41 DN đã xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển XK và gần 30 trung tâm xúc tiến thương mại, hiệp hội, đơn vị cũng tham gia vào hoạt động huấn luyện và triển khai các hoạt động này.
Phát triển thương hiệu nông sản là hướng đi tất yếu, tuy nhiên, để làm được điều này, bên cạnh sự hỗ trợ của của cơ quan chức năng, DN cần chủ động xác định đối tượng, mục tiêu, xu hướng, nhu cầu, kể cả việc nghiên cứu đối thủ cạnh tranh, ý nghĩa logo thương hiệu…. Có như vậy, phát triển thương hiệu nông sản mới thành công.
Theo Báo Công Thương điện tử