Hội nghị là dịp để hơn 100 đại biểu đại diện cho các tô chức, cá nhân học tập, nghiên cứu các văn bản của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Thái Bình về công tác khuyến công; đây cũng là dịp để các đại biểu tham gia ý kiến đóng góp những thuận lợi, khó khăn và đưa ra giải pháp trong việc thực hiện các chương trình khuyến công trên địa bàn huyện Vũ Thư mà TTKC thực hiện trong thời gian tới; Là cơ hội để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các mô hình sản xuất mới trong lao động sản xuất của địa phương mình
Khai mạc Hội nghị, Bà Trần Thị Diễn – Phó Giám đốc TTKC tỉnh Thái Bình đã báo cáo những kết quả đã đạt được trong quá trình thực hiện công tác khuyến công trên địa bàn của tỉnh trong thời gian qua và nêu ra những nhiệm vụ mới đối với công tác khuyến công mà Trung ương và tỉnh Thái Bình phê duyệt trong năm 2021 và giai đoạn 2021 – 2025, nhằm giúp các tổ chức, cá nhân nhận được hỗ trợ từ Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo ra những sản phẩm có chất lượng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Để công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản của các Bộ ngành, tỉnh Thái Bình có sức lan tỏa rộng rãi, hiệu quả, các tổ chức, người dân, doanh nghiệp, các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn huyện Vũ Thư nắm bắt thực tiễn về chủ trương, đường lối chính sách của Nhà nước về những yêu cầu phát triển kinh tế phù hợp với thực tế tại địa phương, gắn với khai thác tiềm năng, lợi thế của huyện, từng bước tạo ra những đột phá, làm thay đổi diện mạo của một nền kinh tế công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Với tinh thần và trách nhiệm của mình, Tiến sỹ Nguyễn Gia Tín – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lương Thế Vinh, Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định đã hướng dẫn, phổ biến tới các đại biểu những quy định về công tác khuyến công tại Thông tư số: 28/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính; Quyết định số: 11/2020/QĐ-UBND của tỉnh Thái Bình về Quy định quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công trên địa bàn. Ông cho rằng, các tổ chức, cá nhân cần thay đổi tư duy, mạnh dạn ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ vừa tiết kiệm năng lượng và nguồn tài nguyên; Giảm ô nhiễm môi trường phát triển bền vững.
Bên canh đó, để thực hiện thành công chương trình thì các cán bộ làm công tác khuyến công, làm công tác thương mại - dịch vụ tại địa phương rất quan trọng, phối hợp cùng các cấp chính quyền, người dân, doanh nghiệp; Nắm rõ thực trạng của địa phương tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia chương trình khuyến công hiệu quả.
Đối với công tác khuyến công trên địa bàn huyện Vũ Thư trong thời gian qua đã được triển khai đồng bộ, rất hiệu quả thông qua các chương trình tập huấn, đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ, đầu tư máy móc thiết bị, sử dụng tiết kiệm năng lượng hiệu quả… Giúp người dân, doanh nghiệp, các cơ sở công nghiệp đầu tư đúng hướng nâng cao năng suất, chất lượng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gắn vơi bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ.
Tham dự Hội nghị, ông Vũ Văn Tiến – Hội Nông dân xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư nêu vấn đề đối với cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân. Rất cần được đổi mới công nghệ, ứng dụng thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Thông qua hội nghị ông sẽ truyền tải những nội dung, văn bản mà Hội nghị nêu ra tới người dân, doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn hiểu, thấy rõ những lợi ích thiết thực mà các văn bản đem lại, nhằm hỗ trợ họ đầu tư máy móc, chuyển giao công nghệ… tạo ra những sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đặc biệt, tận dụng, khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực là lao động nông thôn của địa phương.
Toàn cảnh Hội nghị
Cũng tại Hội nghị, ông Phạm Văn Uẩn – Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp xã Dũng Nghĩa, huyện Vũ Thư chia sẻ, hiện nay người dân đầu tư mua sắm máy móc hiện đại vào sản xuất nông nghiệp, nhờ đó đã giúp người nông dân giảm dần sức lao động, đảm bảo gieo trồng đúng thời vụ và cho năng suất cao. Tuy nhiên người nông dân lại gặp khó trong khâu bảo quản, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp được làm ra, đòi hỏi các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn cần ứng dụng khoa học kỹ thuật trong khâu chế biến, bảo quản cũng như quảng bá sản phẩm tìm đầu ra cho nông sản… Chính vì vậy, qua các văn bản của các Bộ, ngành, tỉnh Thái Bình được triển khai cũng là cơ sơ tạo động lực, giúp các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh tạo thành dây chuyền trong chuỗi cung ứng sản phẩm chất lượng cao cho người tiêu dung.
Có thể thấy, những chính sách của Nhà nước về công tác khuyến công đã tác động rất tích cực đến đời sống của người dân, sự phát triển cúa doanh nghiệp và cơ sở công nghiệp nông thôn, là nền tảng vững chắc đem đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Các đại biểu mong rằng, trong thời gian tới, Phòng Kinh tế – Hạ tầng tiếp tục phối hợp với TTKC tỉnh triển khai nhiều hoạt động khuyến công, nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp được tiếp cận nhanh với khoa học kỹ thuật, cùng chính sách của nhà nước, kịp thời chuyển đổi mô hình sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo kịp với thị trường trong và ngoài nước.
Thu Hằng