Tuy nhiên, mặc dù có lợi thế về vị trí địa lý, về tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp, lại có nguồn lao động dồi dào, nhưng điều đáng bàn là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và CNHT đều mới chỉ dừng lại ở một số sản phẩm hay dịch vụ cơ bản. Trong khi các hoạt động công nghiệp còn khá yếu kém và cũng đang trong quá trình phát triển. Các nguyên liệu chính như sắt thép, cao su, hóa chất, kim loại, năng lượng lại được sản xuất chủ yếu tại các vùng khác, khiến cho chi phí đầu vào do cước phí vận chuyển và giá thành sản phẩm tăng khá cao.
Để khắc phục những hạn chế trên, ngày 15/11/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 4601/KH-UBND về phát triển công nghiệp tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025. Theo đó, mục đích của kế hoạch là cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 – 2025; Kế hoạch số 6012/KH-UBND ngày 29/12/2021 của Ủy ban nhân tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp Quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, khai thác hợp lý các nguồn lực để tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp. Trong đó, chú trọng phát triển CNHT và coi đó là một trong những lĩnh vực cần được ưu tiên.
Theo Giám đốc Sở Công Thương Phú Thọ, Chương trình phát triển CNHT đến năm 2025 của tỉnh sẽ tập trung phát triển 6 lĩnh vực CNHT nhằm từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ nhanh, toàn diện và bền vững. Những lĩnh vực sẽ được quan tâm ưu tiên gồm:
Một là, Sản xuất các sản phẩm cơ khí chính xác, khuôn mẫu, phụ tùng, linh kiện máy móc thiết bị. Đây là ngành công nghiệp quan trọng và phù hợp ưu tiên hỗ trợ phát triển. Nhu cầu về sản phẩm CNHT của nhóm ngành này trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và thị trường cả nước là rất lớn và được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh trong những năm tới, nhằm phục vụ cho các dự án lớn trong các lĩnh vực sản xuất và lắp ráp ô tô, xe máy, điện - điện tử, dệt may - da giầy, vật liệu xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm, công nghiệp công nghệ cao...
Hai là, CNHT ngành điện tử - tin học - viễn thông được ưu tiên đầu tư vì đây là ngành công nghệ cao phục vụ cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nên về dài hạn phát triển CNHT ngành này là hết sức cần thiết. Điện tử - tin học - viễn thông là 3 lĩnh vực công nghiệp riêng biệt, nhưng lại có mối liên hệ hết sức chặt chẽ với nhau, có thể ưu tiên phát triển ở cả 3 bước công nghệ gồm: Công nghệ vật liệu chủ yếu là các vật liệu cho sản xuất các thiết bị điện - điện tử; công nghệ chế tạo phát triển sản xuất linh kiện điện tử, chi tiết nhựa; công nghệ lắp ráp cụm tập trung vào các khung vỏ sản phẩm, bảng mạch điện tử ... Hình thành hệ thống nghiên cứu phát triển và sản xuất vật liệu mới, nhất là vật liệu điện tử.
Ba là, CNHT ngành sản xuất các sản phẩm công nghệ cao và vật liệu mới. Tỉnh sẽ ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển các sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển theo Quyết định 66/2014/QĐ-TTg ngày 25/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư và khuyến khích phát triển. Ưu tiên thu hút đầu tư vào sản xuất vật liệu chế tạo như thép chế tạo chất lượng cao, thép không gỉ, thép lá điện từ, vật liệu điện tử, nhựa cao su, composit, gốm phục vụ cho công nghiệp công nghệ cao và các ngành công nghiệp chế tạo.
Bốn là, Lĩnh vực sản xuất bao bì, đóng gói. Đây được coi là lĩnh vực có tiềm năng của địa phương để phát triển và tạo sức cạnh tranh, nên cần tạo điều kiện ưu tiên thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất các sản phẩm vật liệu mới, bao bì cao cấp, vật liệu tự phân hủy... sử dụng cho quá trình đóng gói, hoàn tất sản phẩm cho nhiều ngành công nghiệp hạ nguồn khác nhau như: Dệt may - Da giày (túi đựng sản phẩm, móc áo, các loại bìa lót áo, giấy chống ẩm, khoanh cổ, nơ cổ, các loại cài, kẹp nhựa...); sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng; vật liệu xây dựng (bao bì xi măng); công nghiệp đồ uống...
Năm là, CNHT ngành Dệt may, Da giày. Theo các chuyên gia, ngành Dệt may - Da giày là nhóm ngành cần thiết phải có CNHT để phát triển vì hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có nhiều dự án may mặc đầu tư và nhu cầu thay thế nguyên phụ liệu từ nhập khẩu các sản phẩm này rất lớn. Lĩnh vực sản xuất lựa chọn gồm: Sản xuất xơ, sợi - kéo sợi, dệt vải; các thiết bị cơ khí gồm các chi tiết thiết bị, phụ tùng cơ khí thay thế trong quá trình vận hành bảo dưỡng, sản phẩm cơ khí sử dụng hỗ trợ cho công nghiệp dệt - may như bánh răng, trục truyền động, các chi tiết dẫn sợi, suốt sắt kéo dài, các loại gá lắp, suốt chỉ, kéo cắt vải, kéo cắt chỉ...; cúc các loại; chỉ may, thêu các loại, nhãn mác, logo; khóa kéo; nút áo.... Nguyên liệu chính sản xuất giày dép như: Da thuộc, vải sợi bông, sợi tổng hợp, giả da, cao su, chất dẻo… Giải quyết được lĩnh vực này, còn giúp tạo được nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần bảo đảm trật tự an ninh, an toàn xã hội.
Sáu là, sản xuất các sản phẩm CNHT phục vụ du lịch, dịch vụ, nội thất và đồ gia dụng. Tỉnh Phú Thọ được biết đến là tỉnh có tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch, dịch vụ như Đền Hùng, Đầm Ao Châu, nước khoáng nóng Thanh Thủy...; là tỉnh có nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng tương đối lớn. Bên cạnh đó, hiện nay nhu cầu về các sản phẩm quà lưu niệm, đặc sản địa phương, đồ gỗ, trang trí nội thất... trên thị trường cả trong nước và quốc tế là rất lớn. Trong khi đó khả năng sản xuất, cạnh tranh, đáp ứng được nhu cầu thị trường của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn yếu và thiếu. Do đó, ưu tiên hỗ trợ để phát triển sản xuất các sản phẩm thuộc nhóm ngành là cần thiết và đúng hướng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh toàn diện và bền vững.
Có thể nói, với Chương trình phát triển CNHT do tỉnh Phú Thọ đề ra cho giai đoạn đến năm 2025, Sở Công Thương Phú Thọ - Cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh sẽ có nhiều việc phải làm, với mục tiêu là khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tích cực đầu tư phát triển CNHT, để thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển, tăng sức cạnh tranh. Đặc biệt, là ưu tiên các sản phẩm CNHT phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu, tham gia nhanh và sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sản xuất CNHT, góp phần tăng 20 – 25% tỷ trọng ngành công nghiệp trong cơ cấu kinh tế GRDP của tỉnh trong giai đoạn đến năm 2025.
Như Trang