Là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Quảng Ngãi hội tụ đủ các lợi thế tạo động lực phát triển như lọc hóa dầu, luyện kim, chế tạo. Quảng Ngãi đang có vị trí, điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển công nghiệp, cảng biển, kinh tế biển và kết nối thuận lợi với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, phía Nam Lào và Đông Bắc Campuchia.
“Nam châm” hút công nghiệp nặng
Dung Quất được đánh giá là một trong những khu kinh tế thành công nhất trong các khu kinh tế hình thành giai đoạn đầu tại Việt Nam. Bởi lẽ, ngay từ đầu, Dung Quất đã có những đặc quyền mà không khu kinh tế nào có được, đó là đơn vị hành chính chịu sự quản lý trực tiếp từ Chính phủ, chứ không phải do địa phương quản lý như hiện nay. Khu kinh tế có diện tích hơn 45.300 ha này được lựa chọn là một trong những khu kinh tế ven biển được Chính phủ ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng trong giai đoạn 2012 - 2015, 2016 - 2020, với những chính sách ưu đãi cao nhất Việt Nam.
Nhờ được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, hiện đại với hệ thống cảng nước sâu kín gió, khu kinh tế Dung Quất nhanh chóng trở thành bến đỗ cho nhiều nhà đầu tư lớn, trong đó có những dự án quy mô, ứng dụng kỹ thuật cao như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Công nghiệp nặng Doosan, Khu phức hợp Công nghiệp - dịch vụ - đô thị VSIP, Khu liên hợp Sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất.
PGS.TS Trần Đình Thiên từng đánh giá: “Ít có địa phương nào trên cả nước lại sở hữu nhiều lĩnh vực công nghiệp như Khu kinh tế Dung Quất của Quảng Ngãi. Lĩnh vực đầu tiên và cũng là cú hích cho địa phương này thực hiện chiến lược đưa công nghiệp thành ngành kinh tế mũi nhọn tập trung thu hút đầu tư là ngành chế biến dầu khí và khâu sau. Sự xuất hiện của Nhà máy lọc dầu Dung Quất đầu tiên của Việt Nam hơn 15 năm về trước đang vận hành ổn định, góp phần điều tiết thị trường, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đã đưa Khu kinh tế Dung Quất trở thành thương hiệu về thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp đầy mới mẻ của Việt Nam”.
Gắn liền với những công trình, dự án này, những cái tên Khu kinh tế Dung Quất, Khu đô thị - dịch vụ VSIP Quảng Ngãi, Khu công nghiệp Tịnh Phong đã không còn xa lạ gì với những nhà đầu tư. Những thương hiệu này đang ngày một lớn mạnh, lan tỏa trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Theo Nghị quyết số 20/2019/NQ - HĐND của HĐND tỉnh Quảng Ngãi về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 cũng đặt mục tiêu tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế các ngành dịch vụ gắn với cảng nước sâu Dung Quất. Chỉ tính riêng năm ngoái, giá trị sản lượng công nghiệp, dịch vụ tại Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp ước tính đạt 143.000 tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm 2018; thu ngân sách nhà nước đạt 13.500 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 740 triệu USD, tăng 89% so với năm 2018; giải quyết việc làm cho 46.200 lao động.
Thêm nhiều dự án với lĩnh vực đầu tư mới
Cuối tháng 2/2020, tại Khu kinh tế Dung Quất, Bộ Công thương đã tổ chức công bố điều chỉnh quy hoạch địa điểm xây dựng Trung tâm Khí điện miền Trung, Trung tâm Điện lực Dung Quất. Theo đó, Trung tâm Điện lực Dung Quất được quy hoạch xây dựng tại Khu kinh tế Dung Quất. Nội dung điều hcinhr, bổ sung Nhà máy Điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất III với công suất khoảng 750MW, sử dụng nhiên liệu khí từ nguồn khí mỏ Cá Voi xanh.
Trung tâm Điện lực Dung Quất sẽ gồm 3 nhà máy tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I, II, III với công suất khoảng 750MW/nhà máy và dự phòng diện tích cho nhà máy thứ tư. Trong đó, Nhà máy Điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I và III do EVN làm chủ đầu tư; Nhà máy Điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất II do Tập đoàn Sembcorp (Singapore) làm chủ đầu tư theo phương thức BOT.
Dẫu vậy, thừa nhận đã nỗ lực phát triển kinh tế, thu hút được nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, nhưng lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi vẫn cho rằng, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nhà nước còn phụ thuộc nhiều vào Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Công nghiệp chế biến, chế tạo phần lớn hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị, sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, sản phẩm công nghiệp mới chưa nhiều.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho rằng, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương phải đổi mới tư duy và cách làm việc, đặt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh lên trên hết. Đồng thời, nghiêm túc thực hiện nguyên tắc nêu cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện các mục tiêu, giải pháp.
“Chúng ta phải xem “sức khoẻ” của doanh nghiệp là “sức khoẻ” của nền kinh tế tỉnh. Phải đổi mới suy nghĩ xem doanh nghiệp, người dân là đối tượng phục vụ của cơ quan quản lý nhà nước, chứ không phải là đối tượng quản lý”, ông Đặng Văn Minh nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần rà soát kỹ lại các cơ chế, chính sách pháp luật do tỉnh ban hành đang gây rào cản sự phát triển của tỉnh, gây khó khăn cho việc đầu tư, hoạt động của các doanh nghiệp để có giải pháp tháo gỡ ngay. Phải hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp, gắn liền lợi ích của nhân dân, doanh nghiệp với lợi ích của tỉnh.
Theo định hướng, những năm tới, Quảng Ngãi chú trọng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo… Bà Bùi Thị Quỳnh vân – Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi chia sẻ: “Phát triển công nghiệp là một trong ba nhiệm vụ đột phát được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XIX. Để công nghiệp Quảng Ngãi phát triển bền vững, hiệu quả, tỉnh đã đề ra một số giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp trong năm 2020, như tiếp tục tập trung thực hiện Kết luận số 18-KL/TU ngày 19/4/2016 của Hội nghị Tỉnh uỷ lần thứ 3 khoá XIX về đẩy mạnh phát triển công nghiệp giai đoạn 2016 – 2020, thực hiện hiện quả Đề án Tái cơ cấu ngành công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án Phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Trong buổi làm việc mới đây với lãnh đạo Quảng Ngãi, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Quảng Ngãi có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế của khu vực và cả nước. Vì vậy, Quảng Ngãi cần đẩy mạnh phát triển kinh tế, sản xuất công nghiệp, nhất là trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương đang giao các cơ quan, đơn vị liên quan trực thuộc Bộ theo chức năng, nhiệm vụ chủ động trao đổi, tích cực hỗ trợ Quảng Ngãi nói riêng cũng như các địa phương khác nói chung đẩy mạnh phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững bằng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể theo lộ trình 5 năm giữa Bộ và địa phương.
Theo Enternews