Thứ Sáu, 22/11/2024 02:00:26 GMT+7
Lượt xem: 4242

Tin đăng lúc 04-02-2016

Quy tắc xuất xứ: Doanh nghiệp cần ứng phó hợp lý

Khi thực thi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại hàng hóa Asean (ATIGA), quy tắc xuất xứ là vấn đề gây trở ngại nhiều nhất cho doanh nghiệp Việt Nam khi hội nhập.
Quy tắc xuất xứ: Doanh nghiệp cần ứng phó hợp lý
Ngành dệt may vẫn phụ thuộc khá nhiều vào nguyên phụ liệu nhập khẩu

Phức tạp trong xác định xuất xứ

 

Quy tắc xuất xứ (QTXX) được xem là các quy tắc cần thiết để xác định xuất xứ hay “quốc tịch” của một sản phẩm nhằm mục đích áp dụng thuế quan thích hợp. Trên thực tế, việc xác định xuất xứ hàng hóa khá phức tạp, không phải lúc nào cũng thống nhất vì mỗi nước phải đưa ra các tiêu chí cụ thể để xác định nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển và bảo hộ ngành kinh tế trong nước.

 

Theo TS. Nguyễn Thị Thùy Dương - Viện Ngân hàng Tài chính (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) - nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam hiện nay không đáp ứng được QTXX do chủ yếu thực hiện gia công đơn giản; việc sản xuất hàng hóa xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ các nước ngoài TPP như Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước Asean. Do đó, thực hiện QTXX của TPP sẽ không được hưởng lợi từ QTXX nội khối, đặc biệt với các sản phẩm xuất khẩu như mía đường, dược, thức ăn chăn nuôi, da giày, may mặc…

 

Nghiên cứu của nhiều chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng: Việt Nam chỉ chủ động được 20-40% nguyên liệu sản xuất ở các khâu, riêng da vẫn phải nhập khẩu tới 70%. Thậm chí trong 10 DN da giày lớn nhất của Việt Nam, duy nhất một DN nội địa, còn lại là liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài. “Điều này làm cho các lô hàng xuất khẩu có thể không thể hiện đầy đủ chi tiết mặt hàng, gặp khó khăn trong việc xác định QTXX và thủ tục xác minh xuất xứ”, TS. Thùy Dương nhấn mạnh.

 

Ngoài ra, sự khác biệt về QTXX khiến DN phải vận hành hệ thống kế toán khác hệ thống thông dụng, nhằm vừa đảm bảo đáp ứng các quy định pháp lý nội bộ, vừa phải cung cấp được thông tin về chi phí và thay đổi mã số hàng hóa. Điều này khiến phí tổn phát sinh khi vận hành một hệ thống kế toán song song có thể lớn hơn lợi ích đạt được từ ưu đãi thuế.

 

Ứng phó hợp lý

 

Những khó khăn đối với DN Việt Nam khi thực hiện QTXX trong ATIGA và TPP là không hề nhỏ. Để tránh “mắc cạn” trên đường hội nhập, DN Việt Nam phải hiểu rõ QTXX hàng hóa của từng khu vực để ứng phó hợp lý.

 

Việc tận dụng được lợi thế QTXX khi tham gia các hiệp định thương mại không chỉ phụ thuộc vào chính DN, mà còn nhờ vào các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Theo TS. Nguyễn Thị Thùy Dương, DN cần chủ động nắm vững các quy định về QTXX; xây dựng riêng hệ thống lưu trữ chứng từ, các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu như kê khai nguồn gốc, giấy chứng nhận, kiểm soát chất lượng… Nhà nước cũng cần xây dựng một chương trình đào tạo về QTXX cho cộng đồng DN, trong đó phân tích rõ quy tắc cho từng nhóm ngành hàng, đồng thời xây dựng quy trình và biểu mẫu tính toán giá trị nguyên vật liệu để DN có căn cứ tuân thủ QTXX một cách thống nhất.

 

DN Việt Nam khi xuất khẩu sang các nước tham gia TPP cần tìm hiểu kỹ về nhà nhập khẩu và thị trường xuất khẩu; phối hợp chặt chẽ cùng nhà nhập khẩu trong việc xác định xuất xứ hàng hóa và lưu giữ chứng từ theo quy định để phục vụ xác minh nếu cần thiết. Doanh nghiệp gia công chế biến các mặt hàng như: Dệt may, da giày, điện tử, gỗ… hiện đang nhập khẩu phần lớn nguyên liệu từ các nước ngoài TPP phải thay đổi chiến lược về chính sách đối với hàng phụ trợ.

 

 

TS. Nguyễn Thị Thùy Dương - Viện Ngân hàng Tài chính (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân):

 

Bộ Công Thương cần đơn giản hóa các thủ tục cấp C/O hiện nay và tiến tới chuyển đổi hoàn toàn sang hệ thống “doanh nghiệp tự cấp chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa xuất xứ Asean” sau thời gian triển khai thí điểm.

 

 

Nguồn: Báo Công Thương điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang