Đây là sự kiện được tổ chức thường niên từ năm 2018 do Sở Công Thương TP HCM phối hợp Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp (HEPZA) và Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) tổ chức thực hiện, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối, qua đó, giúp các doanh nghiệp sản xuất trong nước nắm bắt các cơ hội thị trường, tiếp cận và từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đến nay, sự kiện đã nhận được sự ủng hộ các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu chuỗi lớn với hơn 1.800 cuộc tiếp xúc trực tiếp với các nhà máy sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nhỏ và vừa có sản phẩm cung ứng phù hợp nhu cầu trong các kỳ hội nghị.
Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2024 tiếp tục được tổ chức nhằm kết nối cung cầu trực tiếp và trực tuyến về sản phẩm tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ B2B. Hội nghị năm nay với chủ đề “Sự sẵn sàng của công nghiệp hỗ trợ trong chuỗi cung ứng các ngành công nghệ mới nổi” với mục đích tạo các cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã sẵn sàng trong các năm qua về năng lực cung ứng, nỗ lực đầu tư cải tiến nhà máy, để tiếp cận các nhu cầu hợp tác sản xuất chế tạo và nội địa hóa của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn của Việt Nam.
SFS 2024 có sự tham gia của 22 doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp công nghiệp quy mô lớn của Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp: Điện tử, điện gia dụng, ô tô, cơ khí chế tạo, hàng không và y tế. Những tập đoàn này sẽ kết nối trực tiếp và trực tuyến với đại diện 130 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Hơn 300 cuộc kết nối trực tiếp 1-1 đã được sắp xếp theo nhu cầu của hai bên trước khi đến dự hội nghị. Các doanh nghiệp FDI là những chuỗi cung ứng từ Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc kết nối với các doanh nghiệp cơ khí, công nghiệp điện-điện tử, điện gia dụng… của Việt Nam.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị còn có các hoạt động như: Hội thảo thông tin về xu hướng thị trường các ngành công nghệ mới nổi như công nghiệp vi mạch bản dẫn; Thị trường các ngành công nghiệp có giá trị cao như ngành hàng không vũ trụ, ngành công nghiệp y tế; Kết nối cung cầu trực tiếp với các chuỗi cung ứng từ các đối tác Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... và các ngành công nghiệp thế mạnh của Việt Nam gồm công nghiệp ô tô, công nghiệp cơ khí, công nghiệp điện - điện tử - điện gia dụng…
Quang Vinh