Phát hiện nhiều vi phạm
Từ ngày 21-23/6/2016, Đội Quản lý thị trường số 3 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) và Đội chống buôn lậu, Phòng cảnh sát kinh tế (Công an TP. Hà Nội) đã ra quân kiểm tra, thu giữ và xử lý nhiều địa điểm kinh doanh thuốc lá điện tử trên địa bàn TP. Hà Nội.
Kiểm tra đột xuất 4 cửa hàng gồm: Vape Club (số 5 Ngô Quyền và 31 Vạn Kiếp); Vape Pro (số 12 Đông Thái) và Pexiga khu X98 (ngõ 97 Hoàng Cầu), lực lượng chức năng phát hiện trên 2.000 sản phẩm là dụng cụ hút thuốc lá điện tử, hút shisha điện tử các loại, các loại tinh dầu tăng hương vị, máy hút, đầu hút,… Cụ thể, tại Vape Club (số 5 Ngô Quyền), 1.198 lọ tinh dầu các loại, 83 máy box, 83 tank dầu hút bị thu giữ; ở cửa hàng Vape Pro, 400 lọ tinh dầu các loại cũng bị tịch thu; tầng 2, Pexiga khu X98, lực lượng chức năng phát hiện 600 lọ tinh dầu, 25 chiếc máy hút thuốc, 40 đầu hút và 100 pin cục (sử dụng để hút thuốc). Tất cả dụng cụ đều do nước ngoài sản xuất, trong đó phần lớn xuất xứ từ các nước châu Âu và Trung Quốc. Thời điểm kiểm tra, đại diện các cửa hàng này đều không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ mặt hàng bày bán.
Thực tế, thuốc lá điện tử đã xuất hiện ở thị trường Việt Nam được vài năm, là một thiết bị dùng để thay thế thuốc lá điếu thông thường. Với ưu điểm được quảng cáo trên các trang web rao bán như: Không gây hôi miệng, hơi thở không có mùi, không gây tác hại như lá thuốc lá, ít gây khả năng mắc ung thư và các bệnh khác liên quan... thuốc lá điện tử đang được giới trẻ ưa dùng.
Nguy cơ tiềm ẩn
Công văn số 1173/BCT-XNK ngày 18/2/2014 của Bộ Công Thương quy định, việc nhập khẩu mặt hàng thuốc lá điện tử được quản lý như đối với mặt hàng thuốc lá nhập khẩu. Thuốc lá điện tử chỉ được phép nhập khẩu vào Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế.
Ngoài ra, thuốc lá điện tử trước khi nhập khẩu phải được thẩm định qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền; đăng ký bảo hộ quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hóa tại Việt Nam; được dán tem thuốc lá nhập khẩu theo quy định; tuân thủ các quy định hiện hành về công bố hợp chuẩn, hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn và hàm lượng chất độc hại.
Tuy nhiên, trên thực tế, thuốc lá điện tử vào Việt Nam chủ yếu qua hình thức xách tay hoặc nhập lậu qua đường tiểu ngạch; không được cơ quan chức năng quản lý kiểm soát, cũng như mập mờ nguồn gốc xuất xứ…
Ông Phạm Ngọc Oanh - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3 - cho rằng, hút thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc xuất xứ rất nguy hiểm vì sản phẩm chưa được kiểm định, nguy cơ chứa chất độc hại.
“Thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội sẽ tiếp tục siết chặt kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh mặt hàng này”, ông Phạm Ngọc Oanh khẳng định.
Thuốc lá điện tử từng được kỳ vọng sẽ giúp cai được thuốc lá và giảm các tác hại, nhưng thực tế lại đang gây nghiện cho giới trẻ. Nhiều công trình nghiên cứu khẳng định, hút thuốc lá điện tử vẫn có nguy cơ gây ung thư và không giúp cai nghiện thuốc lá. |
Theo Báo Công Thương điện tử