Để đồng hành, tiếp sức cho các cơ sở CNNT trong sản xuất, kinh doanh, trong năm 2022, TTKC tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp với phòng kinh tế, kinh tế hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành 19/19 đề án, đạt 100% kế hoạch, với tổng kinh phí thực hiện là 6 tỷ 68,3 triệu đồng. Trong đó, chương trình khuyến công quốc gia hỗ trợ thực hiện 2 đề án với số tiền là 900 triệu đồng; chương trình khuyến công địa phương hỗ trợ thực hiện 17 đề án với số tiền hỗ trợ là 2 tỷ 162,8 triệu đồng, kinh phí đối ứng của đơn vị thụ hưởng là trên 3 tỷ đồng.
TTKC cũng đã hỗ trợ 15 cơ sở CNNT đầu tư ứng dụng các máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì mẫu mã, sử dụng hiệu quả nhiên liệu, nguyên vật liệu, hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo vệ và cải tiến chất lượng môi trường, sức khỏe người lao động, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động tại địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp trong tỉnh.
Được thụ hưởng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2022 cho đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến xay xát lúa gạo”, hộ kinh doanh Ba Đẹp tại tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư 1 Cụm máy đánh bóng gạo, 1 thiết bị phân loại gạo sàng đảo, 1 thiết bị cân đóng bao tự động. Việc đầu tư máy móc thiết bị mới đã giúp hộ kinh doanh này nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Trước đây, Hộ kinh doanh Ba Đẹp sản xuất dựa trên việc thuê mướn gia công xay xát lúa gạo tại các nhà máy trên địa bàn tỉnh, sau đó đem về phân loại đóng gói thành sản phẩm với năng suất, chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường.
Qua khảo sát thị trường, bà Trần Ngọc Hiếu – Chủ hộ kinh doanh nhận thấy người tiêu dùng có xu hướng sử dụng các loại sản phẩm ngon và an toàn. Bởi vậy, hộ kinh doanh của bà đã quyết định đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất 45 tấn gạo/tháng (tăng 30%) so với mức thông thường.
Với “vốn mồi” từ chương trình khuyến công là 300 triệu đồng, Hộ kinh doanh Ba Đẹp đầu tư số vốn đối ứng 343 triệu đồng để đầu tư máy móc, dây chuyền hiện đại. Hộ kinh doanh quyết định đầu tư lắp đặt dây truyền khép kín, cân tự động tránh các mối nguy không an toàn trong phân loại đóng bao gạo gồm: 1 Cụm máy đánh bóng gạo, 1 Thiết bị phân loại gạo sàng đảo, 1 Thiết bị cân đóng bao tự động. Tất cả đều cho công suất: 2,5 tấn/giờ và xuất xứ Việt Nam để phục vụ cho việc sản xuất gạo với công suất 45 tấn/tháng.
Bà Trần Ngọc Hiếu, chủ hộ kinh doanh cho biết: “Việc đầu tư, cụm máy đánh bóng gạo (RS40) vận hành cho ra hạt gạo có độ bóng cao, tỉ lệ gãy vỡ thấp, dễ dàng lắp đặt, sử dụng và thay thế phụ tùng, hoạt động với hệ thống phun nước tự động nước sẽ tự động phun sau khi gạo đã vào trong buồng máy từ 10 - 20 giây và tự động ngưng phun nếu mức gạo trong thùng chứa gần hết, khí nén được dùng để đóng mở van cấp liệu và phun sương”.
Cùng với đó là thiết bị phân loại gạo sàng đảo (SF40) hoạt động dựa trên nguyên lý chuyển động xoay tròn tạo hiệu suất phân giải hạt gạo được tăng lên. Thiết bị có kết cấu ổn định, dễ sử dụng, tách triệt để tấm ra khỏi cám.
Anh Huỳnh Thượng Đoàn, công nhân tại hộ kinh doanh Ba Đẹp nói: “Trước đây, việc cân, đóng bao gạo chúng tôi đều phải làm thủ công rất tốn thời gian và nhân công, năng suất lao động không cao. Nhưng từ khi chủ cơ sở đầu tư máy thiết bị cân, đóng bao tự động (TC15) chúng tôi chỉ dùng thao tác hứng túi vào miệng xả và đưa túi tới máy hàn miệng hoặc may bao gạo giúp nâng cao năng suất lên đáng kể”.
Từ khi ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến xay xát lúa gạo, hộ kinh doanh Ba Đẹp đã nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 7 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Góp phần làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp tại địa phương.
Theo lãnh đạo TTKC tỉnh Sóc Trăng, các chương trình khuyến công đã cụ thể hóa các giải pháp hỗ trợ các cơ sở CNNT phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh. Phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2023 và những năm tiếp theo, TTKC sẽ tiếp tục tranh thủ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương để tiếp tục hỗ trợ các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất theo hướng bền vững, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh Sóc Trăng.
Minh Phương