Cụ thể, từ năm 2008 đến năm 2017, TTKC đã hoàn thành 226 đề án khuyến công, với tổng kinh phí thực hiện gần 84,5 tỉ đồng để hỗ trợ hơn 180 cơ sở công nghiệp. Riêng trong 7 tháng đầu năm 2018, trung tâm đã hoàn thành 17/28 đề án khuyến công với tổng số tiền hơn 9 tỉ đồng.
Đặc biệt, trong số các đề án được hỗ trợ thì những đề án về ứng dụng máy móc tiên tiến, dây chuyền sản xuất, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã mang lại nhiều thành quả, đây được xem là một trong những nhân tố quyết định đến sự thành công của doanh nghiệp, giúp nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cho sản phẩm. Riêng đối với ngành chế biến thực phẩm, các cơ sở thuộc nhóm ngành này sau khi nhận được hỗ trợ vốn để đầu tư máy móc, thiết bị mới đã nâng cao năng suất sản xuất và lợi nhuận từ 10% - 50% và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Chị Lợi Phương Tố Ngọc - đại diện hộ kinh doanh Tố Ngọc (Châu Thành), chuyên sản xuất lạp xưởng chia sẻ: ‘‘Nhận được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, cơ sở chúng tôi đã đầu tư cụm máy sấy lạp xưởng liên tục, nhờ đó sản lượng lạp xưởng của cơ sở tăng từ 200 tấn/năm lên 250 tấn/năm. Ngoài ra, cụm máy sấy trên còn giúp giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng của sản phẩm, tiết kiệm từ 30% - 35% điện năng tiêu thụ”.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Minh Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Sóc Trăng cho biết: “Hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh triển khai đa dạng, phong phú, hỗ trợ phát triển nhiều ngành nghề, đề án khuyến công ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp; từng bước khẳng định vai trò, vị trí trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh. Qua đó, đã góp phần vào sự phát triển chung của ngành công thương, tạo nên diện mạo đổi khác cho các xã đặc biệt, các xã nghèo vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn, góp phần xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả”.
Với những hỗ trợ thiết thực, hoạt động khuyến công thời gian qua đã phát huy hiệu quả, tháo gỡ những khó khăn về vốn đầu tư cho doanh nghiệp cũng như góp phần tạo nền tảng để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho sản phẩm địa phương. Thời gian tới, TTKC sẽ tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ tiên tiến vào sản xuất, áp dụng sản xuất sạch hơn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên nhiên vật liệu, giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường đồng thời nắm bắt nhu cầu hỗ trợ để xây dựng kế hoạch khuyến công phù hợp với quy định, sát với thực tiễn và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở công nghiệp nông thôn.
Nguyễn Hoa