Năm 2023, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh được phê duyệt 2 đề án khuyến công quốc gia và 16 đề án khuyến công địa phương, tổng kinh phí khoảng 10,270 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 2,620 tỷ đồng, đơn vị thụ hưởng đóng góp là 3,422 tỷ đồng. Khuyến công địa phương thực hiện 16 đề án với số tiền hỗ trợ 2,250 tỷ đồng, đơn vị thụ hưởng đóng góp 1,978 tỷ đồng. Chương trình dự kiến sẽ hỗ trợ cho 17 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nhằm tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí nguyên vật liệu, tiết kiệm năng lượng và giảm ô nhiễm môi trường.
Điển hình như Hộ Kinh doanh Nguyên Phát tại thành phố Sóc Trăng, đầu năm 2023 được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ 01 lò sấy bánh phồng tôm do Việt Nam sản xuất. Theo thiết kế, lò sấy có công suất 50kg/mẻ, thời gian sấy ngắn, tiết kiệm điện năng, chất lượng sản phẩm đồng đều, màu sắc đẹp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tổng kinh phí đầu tư lò sấy là 300 triệu đồng, trong đó nguồn vốn khuyến công địa phương hỗ trợ 145 triệu đồng, phần còn lại do Hộ Kinh doanh đối ứng. Việc đầu tư thiết bị tiên tiến vào sản xuất sẽ giúp hộ kinh doanh sản xuất tăng gấp 2 lần so với thiết bị cũ, chất lượng sản phẩm cũng được nâng cao đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh cũng đã xem xét đầu tư bộ máy hàn nhôm và sắt, máy cắt ống tự động, máy khoan bằng, máy cắt gốc, máy uốn ống và máy dập 10 tấn cho hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp Thanh Phú, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên với tổng kinh phí gần 250 triệu đồng, trong đó nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 120 triệu đồng, phần còn lại do hợp tác xã (HTX) đối ứng. Khi được đầu tư các máy móc mới đã giúp cho HTX sản xuất tăng sản lượng lên 30% so với trước, qua đó góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường, đồng thời tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương.
Theo ông Đào Hoàng Hát - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Sóc Trăng: Chương trình khuyến công địa phương triển khai thực hiện trọng tâm cho 12 cơ sở đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở để đầu tư hiệu quả, nắm bắt thị trường, cạnh tranh tốt. Bên cạnh đó, chương trình khuyến công quốc gia triển khai hỗ trợ 05 cơ sở CNNT đầu tư đổi mới thiết bị, quy trình sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh với tổng kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng. Đến cuối năm 2023, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch đề ra.
Theo quy định, đối tượng được hỗ trợ từ chương trình khuyến công gồm các tổ chức cá nhận trực tiếp đầu tư từ sản xuất CN-TTCN gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa; HTX, tổ hợp tác; hộ kinh doanh thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật trên địa bàn. Các ngành nghề lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ như các đề án chế biến nông lâm thuỷ sản, mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất công nghiệp; đề án hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể đặc biệt là các sản phẩm tham gia chương trình OCOP.
Bên cạnh đó, chương trình khuyến công quy định về 7 nội dung và mức hỗ trợ các cơ sở CNNT gồm: Tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề theo nhu cầu của các cơ sở CNNT; hỗ trợ thành lập doanh nghiệp sản xuất CNNT; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, sản phẩm mới; hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất CN - TTCN, mức hỗ trợ 50% chi phí nhưng không quá 300 triệu đồng/cơ sở; hỗ trợ các cơ sở CNNT tham gia hội chợ triển lãm, mức hỗ trợ 80% giá thuê gian hàng, đồng thời hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường, mức hỗ trợ bằng 30% chi phí nhưng không quá 1,5 tỷ đồng đối với cụm công nghiệp và không quá 300 triệu đồng đối với cơ sở.
Thanh Trà