Thứ Năm, 21/11/2024 20:30:12 GMT+7
Lượt xem: 1221

Tin đăng lúc 14-08-2021

Startup chọn tăng trưởng nóng hay bền vững?

Startup vẫn có thể vừa tăng trưởng nóng vừa tăng trưởng bền vững, nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu các casestudy để tìm được chìa khóa.
Startup chọn tăng trưởng nóng hay bền vững?
Ảnh minh họa

Mặc dù dịch COVID - 19 còn phức tạp nhưng 6 tháng đầu năm nay, số lượng doanh nghiệp mới có số vốn từ 10 tỷ đồng - 20 tỷ đồng tăng 25%, doanh nghiệp có số vốn đăng ký từ 20 tỷ đồng – 50 tỷ đồng tăng 16,7%, doanh nghiệp có số vốn từ 50 tỷ đồng - 100 tỷ đồng tăng 36,7%, doanh nghiệp có số vốn trên 100 tỷ đồng tăng 52,9%.

 

Con số trên cho thấy, các doanh nghiệp khởi nghiệp không hề mất đi sự hào hứng kinh doanh, mặc dù số doanh nghiệp đóng cửa đang tăng và số doanh nghiệp mới giảm tương ứng. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp vừa khởi nghiệp, sẽ có hai con đường mà họ phải lựa chọn, đó là: Phát triển bùng nổ, nhanh chóng nắm bắt cơ hội hay đi con đường dài hướng tới mục tiêu bền vững?

 

Thực tế cho thấy, với thế hệ doanh nhân đời 5X, 6X, đa số tạo lập doanh nghiệp là để xây dựng một tương lai, thâm chí “sống chết” cùng doanh nghiệp trong một giai đoạn rất dài. Tuy nhiên thế hệ tiếp theo có rất nhiều sự thay đổi, đặc biệt trong giới startup công nghệ và các ngành tương tự, mục tiêu vì thế cũng được xác định rất khác, đó là tăng trưởng rất nhanh, gọi vốn nhanh. Phải chăng xu hướng tăng trưởng nóng đang là xu hướng thịnh hành ngày nay, hay đó là xu hướng của cuộc chơi ngắn hạn?

 

Ông Bùi Thành Đô - Nhà sáng lập và điều hành Think Zone Ventures cho biết: “Các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam đã trải qua đến thế hệ thứ 4. Trong các thế hệ đó, nhiều doanh nghiệp muốn có khoản lợi nhuận tích luỹ lâu dài và tái cấu trúc tăng trưởng, bên cạnh đó cũng có những doanh nghiệp đi theo làn sóng liên tục đốt tiền, nhưng đến bây giờ thì rất nhiều startup đã tập trung vào giá trị cốt lõi nhiều hơn, thay vì tạo ra một mô hình mua bán đơn thuần, sử dụng tiền của các quỹ đầu tư để tăng trưởng".

 

Cũng theo ông Đô, startup vẫn có thể vừa tăng trưởng nóng vừa tăng trưởng bền vững, nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu các casestudy để tìm được chìa khóa. Ông Đô khẳng định: Không có doanh nghiệp nào tăng trưởng bền vững lại có siêu lợi nhuận. Vì các nhà đầu tư có khẩu vị khác nhau, các startup cần xác định rất rõ những vấn đề cần sự hỗ trợ để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp.

 

Với các startup tăng trưởng quá nhanh thì theo ông Đô, sẽ rất dễ chạm trần và không còn room tăng trưởng. Như vậy, mô hình của doanh nghiệp có thể bền vững trong một vài năm đầu nhưng 4- 5 năm nữa sẽ đi ngang, điều này có nghĩa doanh nghiệp không thể tăng trưởng nhanh nữa.

 

Chính vì thế, ông Nguyễn Chí Thanh - Phó tổng giám đốc Viettel Telecom, nhận định hầu hết các startup hiện nay đã cẩn trọng hơn và lựa chọn các mô hình phát triển bền vững. Họ tập trung vào các giá trị lõi để tạo ra các giá trị khác biệt mà không chạy theo xu thế của thị trường và các giá trị cốt lõi mà các doanh nghiệp phần lớn đang hướng đến chính là công nghệ.

 

Ông Thanh thông tin thêm, sau 2 năm tổ chức cuộc thi Viet Solutions, Viettel đã nhận được hơn 600 hồ sơ tham gia và có khoảng 10% trong số đó đã cung cấp được dịch vụ cho trên 120 triệu khách hàng ở các nước và họ là đang là những startup tăng trưởng bền vững. Ví dụ như startup VNN AI đang có những bước phát triển rất ổn định ở mảng AI và họ đã mở rộng lĩnh vực hoạt động để phù hợp hơn với nhu cầu thị trường và tạo bước đi bền vững.

 

Bên cạnh đó là Công ty Cyradar, ngay từ ngày đầu thành lập, doanh nghiệp này đã áp dụng công nghệ mới để giải quyết các bài toán công nghệ cũ và hướng tới công nghệ mới. Và con đường doanh nghiệp này chọn đi cũng là hướng phát triển bền vững.

 

Một con số thực tế cho thấy, cứ 10 doanh nghiệp khởi nghiệp thì có đến 8 doanh nghiệp đã đóng cửa. Tại Việt Nam cũng có nhiều doanh nghiệp như The Kafe, Soya Garden từng là những startup thành công có mức độ tăng trưởng nóng, nhưng cuối cùng đã phải…đóng cửa.

 

Theo ông Thanh, một số doanh nghiệp tăng trưởng nóng bằng cách đốt tiền thì mô hình đó rủi ro. Vì duy trì doanh nghiệp bằng cách đốt tiền để lấy khách hàng thì tăng trưởng nhanh nhưng khi thị trường biến động thì các nhà đầu tư có xu thế thận trọng hơn trong việc đầu tư mạo hiểm. Khi đó, nguồn đầu tư vào các dự án đó cũng giảm xuống. Theo ông Thanh, thế mạnh của người Việt là linh hoạt và "đánh du kích" cho nên doanh nghiệp nên chọn thế mạnh và lối đi ngách để tìm hướng đi an toàn, bền vững thì sẽ phù hợp hơn là đốt tiền.

 

Đồng quan điểm, ông Đô cho rằng, tâm lý của các startup luôn luôn đi theo mô hình mới, mà mô hình mới thì yếu tố rủi ro cao hơn rất nhiều. Một số startup đưa ra mô hình kinh doanh, dịch vụ đơn giản, sau đó đưa ra chính sách chiết khấu giá cao, chấp nhận đốt tiền để thu hút khách hàng, với kỳ vọng khi khách hàng ở lại, họ có thể đẩy thêm các dịch vụ khác, gia tăng số người dùng, nhưng nếu tính toán không đủ tốt thì doanh nghiệp sẽ bị hụt hơi. Bên cạnh đó tại Việt Nam, các startup cũng ít nguồn lực hỗ trợ so với thị trường khác nên tỷ lệ thất bại cũng là dễ hiểu.

 

Theo Diendandoanhnghiep.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang