Theo thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT), từ khi Luật Cạnh tranh ra đời năm 2005, đến nay, Cục QLCT đã tổ chức điều tra 8 vụ việc hạn chế cạnh tranh, trong đó, chuyển 5 hồ sơ vụ việc sang Hội đồng cạnh tranh để xử lý theo quy định của pháp luật. Các cơ quan cạnh tranh đã ra quyết định xử lý, thu về ngân sách nhà nước tổng số tiền phạt và phí xử lý vụ việc cạnh tranh gần 5,5 tỷ đồng. Ngoài ra, trong hơn 10 năm thực thi các quy định về chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, tính đến hết năm 2015, Cục QLCT cũng đã tiếp nhận hơn 300 khiếu nại, tiến hành điều tra tổng số 158 vụ và ra quyết định xử phạt trong 150 vụ đã điều tra.
Bên cạnh những kết quả đạt được, luật sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam - thẳng thắn nhận định, sau hơn 10 năm thực thi luật, số lượng vụ việc vi phạm cạnh tranh lành mạnh được giải quyết còn khá ít. Theo ông Huỳnh, một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là do người dân hầu như không khiếu nại, ngoài những việc ảnh hưởng quyền người tiêu dùng, còn doanh nghiệp thì thường tự thỏa thuận, “đi đêm” với nhau. Ngoài ra, trong quá trình thực thi, một số quy định của Luật Cạnh tranh đã phát sinh những vướng mắc, bất cập. Cụ thể, có nhiều vấn đề liên quan đến tính thống nhất của pháp luật và cơ chế thực thi như tình trạng một hành vi được quy định trong nhiều văn bản pháp luật, được ban hành ở nhiều thời điểm khác nhau, thực thi bởi các cơ quan quản lý khác nhau đã gây nên nhiều bất cập trong khâu xử lý. Cơ quan thực thi vẫn còn hạn chế về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất. Đối với cộng đồng xã hội và các cơ quan liên quan vẫn còn tâm lý ngại khiếu nại va chạm, thiếu tinh thần hợp tác, cung cấp thông tin, chứng cứ.
Trước thực trạng đó, PGS-TS. Phạm Tất Thắng - Nghiên cứu viên cao cấp, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin (Bộ Công Thương) cho rằng, cần phải xác định đối tượng điều chỉnh chính của Luật Cạnh tranh là doanh nghiệp. Luật Cạnh tranh phải “cởi trói” cho thương nhân, kích thích sự sáng tạo. Một hệ thống luật pháp cạnh tranh đúng đắn phải phát huy được tính sáng tạo của doanh nhân, tạo điều kiện thích hợp để doanh nhân tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh của họ trên thương trường, nhạy bén nắm bắt được cơ hội kinh doanh...
Tại Hội nghị đánh giá tình hình thực thi Luật Cạnh tranh Việt Nam và định hướng hoàn thiện, ông Nguyễn Phương Nam - Phó Cục trưởng Cục QLCT - hy vọng, giữa năm 2018, Việt Nam sẽ xây dựng được Luật Cạnh tranh tương đối hoàn chỉnh theo hướng tiệm cận với luật pháp quốc tế. |
Nguồn Báo Công Thương