Mở rộng phạm vi điều chỉnh
Theo đó, luật gồm 10 chương và 118 điều với mục tiêu nhằm tạo lập, duy trì và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp trên thị trường. Tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, phân bổ hiệu quả các nguồn lực, nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bảo đảm và tăng cường khả năng thực thi thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cho công tác thực thi pháp luật của cơ quan chức năng; tránh mâu thuẫn với các luật chuyên ngành có liên quan và phù hợp với cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Những điểm mới của dự án luật, bao gồm: Mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; thay đổi cách tiếp cận kiểm soát hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh; thay đổi cách tiếp cận kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền; thay đổi cách tiếp cận kiểm soát tập trung kinh tế; điều chỉnh quy định kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh; hoàn thiện mô hình cơ quan cạnh tranh.
Theo Luật Cạnh tranh sửa đổi, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia thông qua các cam kết quốc tế về cạnh tranh trong các hiệp định thương mại song phương, đa phương, có trách nhiệm tiến hành các hoạt động hợp tác với các cơ quan cạnh tranh nước ngoài trong quá trình tố tụng cạnh tranh để kịp thời phát hiện, điều tra và xử lý đối với các hành vi được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường Việt Nam.
Trong trường hợp không có điều ước quốc tế giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác, cơ quan cạnh tranh sẽ hợp tác với các cơ quan cạnh tranh các nước thông qua các diễn đàn quốc tế như ASEAN, APEC, diễn đàn cạnh tranh quốc tế (ICN), diễn đàn cạnh tranh các nước Đông Á và các thỏa thuận hợp tác song phương giữa các cơ quan cạnh tranh.
Luật Cạnh tranh sửa đổi được thông qua với tỷ lệ phiếu thuận cao
Thống nhất một cơ quan cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương
Theo đó, cơ quan cạnh tranh là Ủy ban Cạnh tranh quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương (trên cơ sở hợp nhất Cơ quan quản lý cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh, Văn phòng Hội đồng cạnh tranh hiện nay) là cơ quan bán tư pháp, vừa thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh, vừa thực hiện chức năng tố tụng trong lĩnh vực cạnh tranh là rất cần thiết, là phương án phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay.
Việc không quy định Cơ quan cạnh tranh thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội, một mặt, giúp thu gọn đầu mối các cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh, không làm phát sinh đầu mối cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội, phù hợp với tinh thần giảm đầu mối cơ quan, tổ chức, đổi mới, sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo chủ trương chung của Đảng và Nhà nước nhưng vẫn bảo đảm độc lập khách quan trong xử lý vụ việc cạnh tranh. Mặt khác, Ủy ban cạnh tranh Quốc gia có đầy đủ chức năng quyền hạn, chức danh pháp lý cũng như thẩm quyền để thực hiện chức năng tham mưu quản lý nhà nước về cạnh tranh, đồng thời thực hiện các hoạt động tố tụng trong lĩnh vực cạnh tranh một cách độc lập sẽ tạo điều kiện để thực thi hiệu quả Luật Cạnh tranh, khắc phục những bất cập hiện nay.
Trước đó, trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 24/5 về dự án Luật Cạnh tranh sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã giải đáp những nội dung còn băn khoăn của đại biểu, đồng thời cũng tiếp thu những ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo luật.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, dự luật đã được xây dựng theo hướng kết hợp chặt chẽ hơn giữa tư duy kinh tế và tư duy pháp lý, nhằm đảm bảo trách nhiệm thực thi cao nhất của cơ quan cạnh tranh quốc gia, cũng như tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng và minh bạch.
Để luật sớm triển khai trong thực tế, trong quá trình xây dựng nội dung, Bộ Công Thương cũng đã chuẩn bị xây dựng 3 nghị định để hướng dẫn các chi tiết nội dung, bao gồm cả về bộ máy của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, cũng như các vấn đề về xử phạt vi phạm trong cạnh tranh.
Cũng trong sáng 12/6, Quốc hội cũng bỏ phiếu thông qua nhiều dự luật và nghị quyết quan trọng khác như: Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016; Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019; Luật An ninh mạng, Luật Tố cáo (sửa đổi).
Chiều nay, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Theo Báo Công Thương điện tử