Nét nổi bật của hoạt động khuyến công ở Thái Nguyên trong những năm qua, đó là những đóng góp không nhỏ trong việc tổ chức công nhận làng nghề, đào tạo và nhân cấy nghề cho lao động ở địa phương. Đặc biệt, hoạt động hỗ trợ cho cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) hiện đại hóa thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, đến xúc tiến thị trường nội địa, khởi nghiệp cho các cơ sở CNNT… Có thể thấy, hoạt động khuyến công ở Thái Nguyên có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng nói chung và trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa CNNT nói riêng. Từ 07 chương trình của Nghị định 134 và nay là 09 chương trình của Nghị định 45 đều được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên (TTKC) triển khai và đạt kết quả nhất định. Giá trị sản xuất công nghiệp địa phương tăng 22% so với cùng kỳ là có sự đóng góp không nhỏ của hoạt động khuyến công.
Qua trao đổi với đại diện của Trung tâm chúng tôi được biết, trong những năm qua bên cạnh việc thực hiện chương trình đào tạo nghề, truyền nghề; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, hoạt động khuyến công Thái Nguyên đã tập trung hỗ trợ chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp; tổ chức hội nghị, hội thảo giới thiệu công nghệ, thiết bị mới, nâng cao nhận thức về tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn cho các doanh nghiệp...
Hỗ trợ xây dựng được mô hình sản xuất ván gỗ ép với công nghệ tiên tiến
Được biết, trong hơn 100 đề án mà Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên triển khai từ năm 2013 đến nay, có tới gần 70 đề án về “Hỗ trợ chuyển giao ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại”, đây chính là động lực, là đòn bẩy cho các doanh nghiệp công nghiệp địa phương đẩy mạnh hiện đại hóa thiết bị theo hướng hiện đại. Điều đáng nói là trong khoảng 70 đề án hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến chủ yếu tập trung trong lĩnh vực chế biến bảo quản chè, chế biến lâm sản, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng.
Cụ thể, trong chế biến chè, TTKC đã phối hợp với các Hộ kinh doanh như: Hà Duy Quyết, xóm Hồng Thái 1, xã Tân Cương, TP Thái Nguyên; Công ty cổ phần Tổ hợp CEO Việt Nam, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên; Hộ kinh doanh Trần Văn Thái, Hồng Thái 2, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên; Hộ kinh doanh Tạ Cao Sơn, xóm Gốc Mít, xã Tân Thái, huyện Đại Từ; Doanh nghiệp tư nhân Thanh Thanh Trà, xóm Trung Thành 1, xã Vô Tranh, huyện Phú Lương....
Năm 2016, Trung tâm thực hiện đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến, bảo quản chè của Hợp tác xã chè Tân Cương – Phúc Linh. Trung tâm hỗ trợ Hợp tác xã mua 01 máy đóng gói hút chân không và 01 máy xào gas, 01 tủ sấy hương theo công nghệ của Đài Loan nhằm ứng dụng tiến bộ khoa học vào khâu chế biến nông sản, để sản xuất ra sản phẩm mới có chất lượng, tiện dụng, phục vụ đông đảo nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời làm phong phú và đa dạng hóa sản phẩm chè Thái Nguyên.
Bên cạnh đó, Khuyến công Thái Nguyên còn trực tiếp tham gia các gian hàng trưng bày sản phẩm CNNT tại “Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc” tại tỉnh Yên Bái; Lào Cai; Hưng Yên, Thanh Hoá, Tuyên Quang, Ninh Bình..
Trong lĩnh vực chế biến lâm sản, Trung tâm đã tiến hành hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng các doanh nghiệp CNNT như: Công ty TNHH Vạn Lâm Phú (xã Yên Trạch, huyện Phú Lương); Hộ kinh doanh Nguyễn Văn Sản (thôn Cổ Pháp xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên); Hộ kinh doanh Hoàng Thị Phương (thôn Giã Trung, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên); Hộ kinh doanh Nguyễn Thanh Chinh (xóm Na Hiên, xã Yên Trạch, huyện Phú Lương)... Năm 2016, với mục tiêu tập trung vào lĩnh vực chế biến lâm sản, Trung tâm đã xây dựng Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc trong sản xuất và gia công đồ gỗ” cho Hộ kinh doanh Dương Văn Sơn (xã Dương Thành, huyện Phú Bình); Hộ kinh doanh Nguyễn Văn Khương (xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên). Được biết, để cơ sở đạt được năng suất lao động cao và chất lượng sản phẩm tốt, cạnh tranh được với các nhà sản xuất khác trên thị trường, năm 2016, hộ kinh doanh Nguyễn Văn Khương đã lập phương án đầu tư mới 01 máy CNC vào sản xuất, nhằm làm tăng dần tỷ trọng khoa học công nghệ trong giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp hộ kinh doanh đứng vững, tồn tại, phát triển và khẳng định mình trong nền kinh tế thị trường… Những hỗ trợ đắc lực của Khuyến công Thái Nguyên đã giúp các doanh nghiệp, cơ sở CNNT đầu tư hoàn thiện dây chuyền và cơ giới hóa trong các khâu sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng và bảo vệ môi trường. Đồng thời, các doanh nghiệp, cơ sở sẽ tổ chức giới thiệu phổ biến nhân rộng mô hình, nhằm phát triển các ngành nghề sản xuất có thế mạnh, tạo việc làm, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Qua các chương trình hoạt động có tính thực tiễn và đạt hiệu quả cao, điều đó cho thấy, cán bộ làm công tác khuyến công của Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên đã kịp thời nắm bắt tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và thúc đẩy cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tăng cường phối hợp với các tổ chức kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh để huy động nguồn vốn hỗ trợ cho hoạt động khuyến công, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia, góp phần thúc đẩy kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn.
Đánh giá cao hoạt động Khuyến công ở Thái Nguyên, không chỉ có dư luận tỉnh Thái Nguyên, mà ngay từ lãnh đạo Cục Công nghiệp địa phương và các đơn vị phối hợp như Trung tâm Khuyến công Khu vực 1, Khuyến công Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang đều có chung nhận xét, những hoạt động khuyến công của Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên được triển khai rất hiệu quả, rộng khắp và có sức lan tỏa cao trong xã hội./.
Hằng Thương