Thứ Năm, 03/04/2025 10:38:17 GMT+7
Lượt xem: 1383

Tin đăng lúc 30-11-2024

Tận dụng lợi thế, Bắc Ninh đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ

Mặc dù là địa phương có diện tích nhỏ nhất cả nước nhưng Bắc Ninh đã biết cách phát huy tối đa những tiềm năng, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh riêng biệt để vươn mình trong thu hút đầu tư, phát triển KT-XH bền vững. Giờ đây, khi đã trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu của nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới, vấn đề đặt ra là Bắc Ninh phải tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) để tạo ra chuỗi cung ứng phục vụ cho nền sản xuất.
Tận dụng lợi thế, Bắc Ninh đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ
Đại diện Bộ Công Thương, Samsung Việt Nam và UBND tỉnh Bắc Ninh ký biên bản ghi nhớ hỗ trợ 05 doanh nghiệp xây dựng nhà máy thông minh năm 2024

Hình thành từ năm 2015 đến nay, ngành CNHT trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã và đang từng bước phát triển, đóng vai trò quan trọng vào tăng trưởng kinh tế địa phương. Toàn tỉnh hiện có khoảng 500 doanh nghiệp CNHT tham gia vào chuỗi cung ứng, chiếm 10,1% số doanh nghiệp thuộc ngành chế biến, chế tạo, trong đó, có 272 doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp CNHT đã tạo việc làm cho trên 80.000 lao động và chủ yếu tập trung phục vụ các lĩnh vực chính gồm: Lắp ráp sản phẩm điện tử, cơ khí, thực phẩm, đồ uống áp dụng công nghệ cao…

         

Xác định tầm quan trọng của ngành CNHT trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và gia tăng sức cạnh tranh cho các ngành công nghiệp chủ lực, những năm gần đây, Tỉnh ủy đã có nhiều Nghị quyết và UBND tỉnh cũng đã ban hành các Quyết định về thúc đẩy phát triển CNHT phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Trong đó, nổi bật là UBND tỉnh phê duyệt các Quy hoạch, cùng Chương trình phát triển CNHT với những mục tiêu cụ thể, đồng thời chú trọng vào 03 ngành chính là điện – điện tử, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm công nghệ cao. Đồng thời, có định hướng thành lập, chuyển đổi một số cụm công nghiệp thành cụm CNHT và xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp CNHT thuộc 03 ngành trọng điểm trên.

         

Ông Nguyễn Đức Long – Phó Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh cho biết: Thông qua các chính sách này, đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh đã hình thành 02 cụm công nghiệp phát triển CNHT gồm cụm CNHT Cách Bi (huyện Quế Võ) và cụm CNHT Tân Chi 2 (huyện Tiên Du). Đồng thời, địa phương cũng đang đẩy nhanh quá trình xây dựng và hoàn thiện thủ tục thành lập Hiệp hội CNHT tỉnh Bắc Ninh, cũng như Đề án thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển CNHT. Mặt khác, sau hơn 04 năm UBND tỉnh ký kết Biên bản ghi nhớ với Bộ Công Thương và Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (Samsung) về chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, đã có 39 doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung.

         

Đặc biệt, tháng 6/2024, Samsung Việt Nam tiếp tục khởi động chương trình hợp tác phát triển nhà máy thông minh năm 2024 dành cho các doanh nghiệp tại Bắc Ninh. Chương trình được triển khai từ ngày 07/5/2024 đến ngày 09/8/2024 tại 05 doanh nghiệp, bao gồm: Công ty CP Eco Việt Nam, Công ty CP Công nghiệp Kim Sen, Công ty CP Innotek, Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu bao bì Thăng Long và Công ty CP Tiến Thành. Mặt khác, tỉnh Bắc Ninh còn chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng Đề án “Hỗ trợ kỹ thuật để doanh nghiệp CNHT áp dụng công cụ cải tiến liên tục (Kaizen) trong sản xuất”. Hiện đã có 06 doanh nghiệp được hỗ trợ và được các chuyên gia đến từ Nhật Bản tư vấn để tuân theo các phương pháp cốt lõi trong Kaizen, gồm: Đào tạo đa kỹ năng; Khuyến khích và tạo ra động cơ làm việc; Xây dựng tinh thần trách nhiệm trong công việc… nhằm cải tiến và quản trị chất lượng sản phẩm, cũng như tạo ra chuẩn mực mới trong năng suất, hiệu quả công việc.

         

Ông Vương Quốc Tuấn - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh: Theo Chương trình phát triển CNHT tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 – 2025 được UBND tỉnh phê duyệt và ban hành tại Quyết định số 295/QĐ-UBND ngày 31/8/2021, Bắc Ninh xác định hỗ trợ phù hợp cho từng đối tượng sản phẩm, cũng như năng lực của doanh nghiệp để tập trung phát triển các lĩnh vực CNHT có nhu cầu và lợi thế phát triển. Qua đó, đưa Bắc Ninh trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao vào năm 2030 và hướng tới là thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh vào năm 2045.

 

         

 

Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh trưng bày, giới thiệu sản phẩm cung ứng cho Tập đoàn Samsung

 

Trước mắt, tỉnh đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2025, Bắc Ninh sẽ có khoảng 800 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT trên địa bàn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, có 70% doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng các yêu cầu của chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; Giá trị sản xuất công nghiệp của CNHT chiếm khoảng 15% giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; Chỉ số phát triển công nghiệp trong lĩnh vực CNHT hàng năm tăng từ 08% - 09%; Liên kết, xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn, cải tiến doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời, mỗi năm tổ chức tư vấn, cải tiến cho từ 05 - 10 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn tham gia cung ứng cho Samsung và các doanh nghiệp FDI khác.

         

Để hiện thực hóa các mục tiêu này, Bắc Ninh sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành CNHT thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp CNHT, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tập trung phát triển các lĩnh vực có lợi thế phát triển, phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp và CNHT như: Sản xuất, lắp ráp sản phẩm linh kiện điện tử, cơ khí chính xác, CNHT cho các ngành công nghệ cao, chế biến thực phẩm – đồ uống. Trong đó, UBND tỉnh đã đề ra một số giải pháp cụ thể cho lĩnh vực CNHT bao gồm: Xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển cho các ngành công nghiệp, đặc biệt là CNHT thông qua các chính sách, cơ chế hỗ trợ tạo thuận lợi cho các yếu tố đầu vào như công nghệ - đất đai – nguyên vật liệu và vốn; Đẩy mạnh công tác phát triển CNHT, khuyến công, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn. Cùng với đó, địa phương cũng sẽ tiếp tục thực hiện Chương trình phát triển CNHT, Chương trình khuyến công quốc gia, tập trung vào những nội dung hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, cải tiến sản xuất, khuyến khích nghiên cứu phát triển.

         

“Tỉnh cam kết tiếp tục đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, minh bạch, đồng thời chủ động tiếp nhận, lắng nghe và xử lý khó khăn vướng mắc qua mọi kênh thông tin để cùng đồng hành với nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất về tiếp cận thông tin quy hoạch, mặt bằng, kết cấu hạ tầng, đào tạo nhân lực, cơ hội tham gia kinh doanh, các dự án đầu tư ưu tiên để xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, cũng như bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ tăng cường thu hút đầu tư từ mọi thành phần kinh tế vào lĩnh vực CNHT nhằm gia tăng số lượng doanh nghiệp CNHT; Đẩy mạnh liên kết chuỗi cung ứng trong tỉnh giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, cũng như giữa các doanh nghiệp CNHT với doanh nghiệp lắp ráp; Thúc đẩy liên kết với các tỉnh có lợi thế phát triển công nghiệp như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Giang… nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp FDI trên địa bàn”, ông Vương Quốc Tuấn khẳng định.

 

Tuấn Lê


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang