Dễ dàng nhận ra, một trong trọng tâm trong hoạt động khuyến công của tỉnh Thái Bình chính là khuyến khích các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) đổi mới thiết bị, công nghệ, tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt, suy thoái kinh tế thế giới lại tác động tiêu cực tới sức mua như hiện nay, cơ sở, DN nào biết nhìn xa trông rộng, đầu tư nền tảng, đổi mới công nghệ, nâng chất lượng, hạ giá thành thì sẽ đạt được nhiều lợi thế kinh doanh.
Bằng các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, TTKC Thái Bình đã nỗ lực huy động các nguồn lực hỗ trợ DN tập trung đầu tư, đổi mới ứng dụng máy móc, trang thiết bị tiên tiến nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Thái Bình cũng xây dựng chính sách khuyến công tập trung theo hướng hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khách hàng, thân thiện với môi trường, qua đó nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường.
Ví như DN tư nhân điện cơ Thiên Thuận ở xã Thụy Thanh (huyện Thái Thụy) đầu tư 4 cánh tay rô bốt và tiến hành đổi mới dây chuyền sản xuất. Từ năm 2017, Thiên Thuận đã đầu tư hơn 30 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, mở rộng sản xuất trên diện tích hơn 4.000m2. Từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, TTKC Thái Bình đã tư vấn và hỗ trợ 800 triệu đồng cho DN. “Một miếng khi đói bằng cả gói khi no”, với nguồn vốn mồi, Điện cơ Thiên Thuận đã đầu tư nhiều máy móc hiện đại, chú trọng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, tự động hóa dây chuyền sản xuất để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tạo sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường.
Năng suất làm việc của 1 rô bốt thay thế sức lao động từ 8 - 10 công nhân. Cánh tay rô bốt hoạt động hoàn toàn tự động. Thay vì hàng chục lao động kỹ thuật phải làm việc thường xuyên, giờ đây DN chỉ cần 2 lao động, trong đó một lao động đứng máy và một kỹ sư lập trình để điều khiển và sử dụng 3 cánh tay rô bốt. Chất lượng các mối hàn của những cánh tay rô bốt bền, đẹp, bảo đảm kỹ thuật. Ngoài ra, DN còn đầu tư các loại máy móc hiện đại, tự động hóa cao vào sản xuất như: máy cắt, tiện, máy ép thép…
Ngoài 4 rô bốt được nhập về, đơn vị cũng đã đầu tư các loại máy tự động như máy hàn, máy tiện… vào các khâu sản xuất. Việc áp dụng máy móc hiện đại, tự động hóa đã giúp DN giảm chi phí nhân lực, hạ giá thành sản phẩm. Từ 50 lao động, đến nay chỉ còn hơn 30 lao động. Mỗi năm, doanh thu của DN đạt gần 40 tỷ đồng.
Các học viên tham gia khóa đào tạo tiết kiệm năng lượng (năm 2022)
Hướng tới mục tiêu tự động dây chuyền sản xuất máy nông nghiệp, cùng với việc đầu tư các cánh tay rô bốt, Điện cơ Thiên Thuận còn nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống gá định vị cho rô bốt hàn, sơn để ghép các bộ phận gá giúp rô bốt thao tác thuận tiện hơn. Bộ gá được coi là phụ kiện quan trọng giúp các rô bốt hoạt động ổn định, hiệu quả, tăng sản lượng của máy, tiết kiệm chi phí nhân lực, giảm giá thành sản phẩm.
Công ty TNHH Phát triển công nghệ khí sinh học Môi trường xanh (cụm công nghiệp Đông Động, huyện Đông Hưng) chuyên sản xuất giá kệ (pallet) nhựa công nghiệp, thùng đựng rác nhựa, chậu hoa nhựa. Để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, Công ty đã tập trung đầu tư về khoa học công nghệ và máy móc hiện đại. Được hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công, Công ty đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng mua 2 dây chuyền sản xuất với tỷ lệ tự động hóa hơn 90%. Ông Ngô Duy Đông, Giám đốc Công ty cho biết: “Với quy trình sản xuất khép kín, tự động hóa nên chúng tôi giảm được năng lượng tiêu hao, rút ngắn thời gian sản xuất ra thành phẩm, chất lượng sản phẩm đạt độ ổn định cao, đồng đều theo tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu của khách hàng”.
Bà Trần Thị Diễn, Phó Giám đốc phụ trách TTKC Thái Bình chia sẻ: “Trong những năm qua, TTKC đã hỗ trợ nhiều DN đầu tư ứng dụng máy móc, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đây là chương trình trọng tâm trong hoạt động khuyến công nhằm khuyến khích các DN đổi mới thiết bị, công nghệ, tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh cho các cơ sở CNNT. Từ đổi mới công nghệ và máy móc hiện đại, các DN, cơ sở CNNT nhanh chóng thích ứng, tồn tại, phát triển trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay”.
Để trợ sức cho hoạt động khuyến công đạt mục tiêu, Sở Công Thương Thái Bình cũng đề xuất UBND tỉnh tăng thêm nguồn kinh phí sự nghiệp khuyến công địa phương đến năm 2025 là 10 tỷ đồng/năm, để phục vụ mục tiêu hỗ trợ DN CNNT, cơ sở sản xuất tại làng nghề đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất. Thái Bình cũng đề nghị tăng vốn khuyến công để đầu tư phát triển hạ tầng cụm công nghiệp, hệ thống thiết bị thông tin phục vụ cho công tác khuyến công.
Ông Ngô Quang Văn, Chủ tịch Hiệp hội DN thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, Thái Bình chia sẻ: “Chúng tôi hiểu rõ những khó khăn, thách thức mà các DN gặp phải hiện nay. Nhiều DN đang thiếu vốn đầu tư cho khoa học công nghệ, vẫn phải sản xuất trên các hệ thống máy móc cũ, lạc hậu, tiêu hao năng lượng, ô nhiễm môi trường. Điều đó dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp, không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, khiến cho nhiều DN đang có nguy cơ phá sản. Do đó, để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương rất cần có sự vào cuộc của các cấp từ Trung ương đến địa phương, tháo gỡ những khó khăn và hỗ trợ kịp thời giúp các DN phát triển”.
Minh Lê