Chủ Nhật, 24/11/2024 01:10:09 GMT+7
Lượt xem: 4032

Tin đăng lúc 30-05-2016

Tăng cường hợp tác vì tương lai của châu Á

Đây là thông điệp quan trọng trong phát biểu của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại phiên khai mạc Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 22 đang diễn ra tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản.
Tăng cường hợp tác vì tương lai của châu Á
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Châu Á đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển mới để vươn lên và tiếp tục khẳng định vị thế của châu lục. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Là diễn đàn đối thoại chính sách uy tín về nhiều vấn đề có ảnh hưởng lớn tới tương lai của châu lục và toàn cầu, chủ đề của Hội nghị Tương lai châu Á lần này là “Vươn lên ứng phó với các thách thức toàn cầu và hiện thực hóa tiềm năng của châu Á”, được đánh giá là chủ đề rất đề phù hợp với bối cảnh châu Á hiện nay.

 

Tham dự Hội nghị hôm nay có khoảng 500 đại biểu là đại diện các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và lãnh đạo của các doanh nghiệp hàng đầu tại Nhật Bản.

 

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch kiểm Tổng giám đốc Nikkei - đơn vị tổ chức của Hội nghị Tương lai châu Á và phát biểu đề dẫn của nguyên Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có bài phát biểu đặc biệt.

 

Châu Á đứng trước nhiều triển vọng

 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, châu Á đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển mới để vươn lên và tiếp tục khẳng định vị thế của châu lục là một động lực của kinh tế toàn cầu trong thế kỷ XXI.

 

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, có 3 điểm sáng trong sự phát triển của châu Á và đây cũng chính là những thời cơ rất lớn để thúc đẩy phát triển.

 

Thứ nhất, các thành tựu và kinh nghiệm phát triển trong hơn 2 thập kỷ qua đã tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển của châu Á trong giai đoạn tới và giúp châu Á ứng phó hiệu quả hơn với các thách thức mới. Hội tụ nhiều nền kinh tế lớn và nền kinh tế đang nổi, với lực lượng lao động dồi dào và khu vực doanh nghiệp năng động, kinh tế châu Á được dự báo sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 6% trong giai đoạn 5 năm tới.

 

Thứ hai, liên kết kinh tế giữa các nước được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua việc hình thành các hiệp định thương mại tự do, mở ra không gian rộng lớn thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Các hiệp định này cũng góp phần quan trọng định hướng cho các quốc gia chuẩn hóa và hoàn thiện cơ chế vận hành nền kinh tế của mình.

 

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) mang đến một thị trường chung, một không gian sản xuất thống nhất với dân số trên 600 triệu người và GDP đạt gần 3.000 tỷ USD. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch và bình đẳng.

 

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã tạo một khuôn khổ hợp tác toàn diện và sâu sắc cho các nước thành viên. Đây vừa là cơ sở, vừa là động lực quan trọng để các nước thúc đẩy các hoạt động kinh tế giữa hai bờ Thái Bình Dương.

 

Thứ ba, yêu cầu cấp bách về chuyển đổi mô hình phát triển, hướng tới phát triển bền vững đã trở thành nhận thức chung của các quốc gia ở châu lục. Chính phủ các nước châu Á đang nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng xanh, nâng cao năng suất lao động.

 

 

Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

 

Việt Nam cải cách và hội nhập để phát triển

 

Trên cơ sở nhận thức rõ những cơ hội phát triển, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, kinh nghiệm đổi mới hơn 3 thập kỷ qua tại Việt Nam cho thấy sự năng động, sáng tạo, khả năng điều chỉnh chính sách kịp thời và tinh thần khởi nghiệp có tính quyết định đối với sự phát triển của nền kinh tế.

 

“Chúng tôi hiểu rằng nắm bắt thời cơ và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết có ý nghĩa sống còn đối với sự thành công của mỗi quốc gia” Phó Thủ tướng khẳng định.

 

Việt Nam đang tích cực thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, tập trung vào các lĩnh vực là đầu tư công, tài chính-ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

 

“Trong 3 năm tới, tổng giá trị cổ phần hoá DNNN ước tính lên tới hàng chục tỷ USD, trong đó một phần sẽ được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đây là cơ hội đầu tư rất tốt và tôi mong rằng các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ không bỏ lỡ”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết.

 

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đặc biệt chú trọng xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và minh bạch; tạo điều kiện để các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư, sản xuất kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng và thành công tại Việt Nam.

 

Để tạo “sức bật” mới cho nền kinh tế, Việt Nam quyết tâm cải cách, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, trọng tâm là đổi mới thể chế kinh tế, ưu tiên phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao.

 

“Chúng tôi hiểu rằng con người chính là cốt lõi, là yếu tố quyết định và sẽ tiếp tục dành nguồn lực thoả đáng, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển”, Phó Thủ tướng khẳng định.

 

Cùng với cải cách trong nước, Việt Nam tiếp tục chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tạo không gian phát triển rộng lớn hơn cho các doanh nghiệp, người dân Việt Nam cũng như nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

 

Phố hợp chính sách giữa các quốc gia

 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, bên cạnh những nỗ lực của từng quốc gia, sự hợp tác và phối hợp chính sách giữa các nước, đặc biệt trong cùng khu vực, là không thể thiếu được.

 

Do đó, để ứng phó hiệu quả với các thách thức và hướng đến sự thịnh vượng chung của cả khu vực, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trước hết cần duy trì hoà bình và ổn định tại châu lục thông qua tăng cường hợp tác và tạo dựng lòng tin giữa các quốc gia, dân tộc; tôn trọng độc lập chủ quyền và lợi ích chính đáng của từng quốc gia; giải quyết bất đồng, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển đảo bằng các biện pháp hòa bình tuân thủ luật pháp quốc tế, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và các cam kết, thỏa thuận khu vực. Thúc đẩy các khuôn khổ hợp tác hiện có, đặc biệt là các diễn đàn của ASEAN, ASEAN với các đối tác, EAS, APEC, ASEM…

 

Bên cạnh đó, các quốc gia cần tăng cường kết nối cứng và mềm, tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại, đầu tư và di chuyển lao động giữa các quốc gia; phát triển nguồn nhân lực và duy trì hài hòa xã hội thông qua các chính sách phát triển lấy con người làm trung tâm.

 

Ngoài ra, cần thúc đẩy hợp tác tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các thách thức an ninh phi truyền thống trên cơ sở bảo đảm cân bằng, hài hòa lợi ích, hướng đến sự phát triển bền vững của cả khu vực. Hợp tác, hỗ trợ các nước kém phát triển hơn trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững 2030 của Liên Hợp Quốc. Thực hiện cam kết về biến đổi khí hậu COP21; thúc đẩy sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ trong ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước…

 

“Ứng phó với các thách thức chung toàn cầu, xây dựng một châu Á hòa bình, thịnh vượng là trách nhiệm của tất cả chúng ta, từ chính phủ đến người dân và doanh nghiệp. Để đảm nhận vai trò trung tâm và động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong bối cảnh hiện nay, các quốc gia trong châu lục cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác mọi mặt, tăng cường đối thoại, trao đổi thông tin, tạo môi trường thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp và phát huy tối đa tiềm năng của từng nền kinh tế và của cả châu lục”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kết luận.

 

Nguồn: Chinhphu.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang