Thứ Năm, 21/11/2024 23:23:58 GMT+7
Lượt xem: 6072

Tin đăng lúc 16-07-2015

Tạo khung pháp lý đầy đủ thi hành Luật đầu tư

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư nhằm góp phần tạo dựng khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ và minh bạch cho việc thi hành Luật này.
Tạo khung pháp lý đầy đủ thi hành Luật đầu tư
Ảnh minh họa

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Luật đầu tư giao Chính phủ quy định chi tiết 13 điều, khoản về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; biện pháp bảo đảm đầu tư; ngành, nghề ưu đãi đầu tư; chính sách hỗ trợ đầu tư; thủ tục quyết định chủ trương đầu tư; thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập tổ chức kinh tế của nhà đầu tư nước ngoài; đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP và một số nội dung khác liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

 

Ngoài Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã được ban hành ngày 14/2/2015 để hướng dẫn thực hiện Luật đầu tư công và Luật đầu tư cũng như 2 văn bản khác quy định về hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài và tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao, Chính phủ cần ban hành Nghị định để quy định chi tiết những nội dung còn lại.

 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo Nghị định nhằm góp phần tạo dựng khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ và minh bạch cho việc thi hành Luật đầu tư. Cụ thể là quy định chi tiết nguyên tắc, cách thức áp dụng và thực hiện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh cũng như cơ chế tập hợp, công bố, giám sát thi hành các quy định về vấn đề này nhằm bảo đảm thực hiện nhất quán nguyên tắc: nhà đầu tư được tự do đầu tư kinh doanh trong tất cả các ngành, nghề mà Luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện.

 

Bên cạnh đó, cụ thể hóa  một số quy định về bảo đảm đầu tư và chính sách ưu đãi đãi đầu tư đối với một số ngành, nghề, địa bàn nhằm tiếp tục củng cố, hoàn thiện cơ chế bảo hộ, khuyến khích đầu tư phù hợp với các cam kết hội nhập của Việt Nam.

 

Đồng thời, hướng dẫn thực hiện một số quy định của Luật nhằm cải cách thủ tục hành chính trong toàn bộ quá trình thực hiện dự án đầu tư từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thành lập tổ chức kinh tế đến triển khai, chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư và các hoạt động kinh doanh. 

 

Dự thảo Nghị định cũng quy định chi tiết nội dung, trách nhiệm và cơ chế phối hợp quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh giữa các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, cơ quan đăng ký đầu tư nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác này.     

 

Để thực hiện những mục tiêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo Nghị định gồm 6 chương, 72 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã nêu rõ những quy định cụ thể về ngành, nghề đầu tư kinh doanh; ưu đãi và hỗ trợ đầu tư; thủ tục đầu tư; quản lý nhà nước về đầu tư…

 

Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh

 

Theo dự thảo, ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh được quy định tại Điều 6 và các Phụ lục 1, 2 và 3 Luật đầu tư.

 

Dự thảo nêu rõ, việc sản xuất, sử dụng sản phẩm quy định tại Phụ lục 1, 2, 3 của Luật đầu tư trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, điều tra tội phạm, bảo vệ quốc phòng, an ninh được thực hiện như sau:

 

1. Các chất ma túy quy định tại Phụ lục 1 của Luật đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sản xuất, sử dụng theo quy định của Chính phủ về danh mục chất ma túy, tiền chất và Công ước thống nhất về chống ma túy năm 1961, Công ước Liên Hợp Quốc năm 1988 về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và chất hướng thần.

 

2. Các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục 2 của Luật đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sản xuất, sử dụng theo quy định của Chính phủ về quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học.

 

3. Mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã quy định tại Phụ lục 3 của Luật đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nuôi trồng, khai thác, sử dụng theo quy định của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng  nguy cấp, quý, hiếm và Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp (CITES).

 

Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang