Thư viện không cho mượn sách!
ThS Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT tỉnh Thái Bình, cho biết trước đây việc đọc sách của học sinh ở trường chỉ có thể diễn ra trong giờ ra chơi với thời gian rất ngắn, khoảng 5 - 7 phút, đó là chưa kể tốn thêm ít nhất khoảng 2 phút để mượn hay trả sách. Không gian thư viện trong trường cũng rất chật hẹp, trong khi số lượng học sinh lại đông nên rất chật chội. Do số lượng sách có hạn, nhà trường không cho học sinh mượn sách về nhà, phụ huynh lại không có thói quen mua sách cho con em mình, ước tính, trung bình mỗi năm 1 học sinh (nhất là ở vùng nông thôn Thái Bình) chỉ đọc tối đa khoảng 2-3 cuốn sách.
Hiểu rõ vai trò quan trọng của hệ thống thư viện trường tiểu học, nhưng trừ các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, tại các địa phương khác, thư viện trường vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Theo Vụ Giáo dục tiểu học thuộc Bộ GD-ĐT, cả nước chỉ có khoảng 17% trường tiểu học có thư viện riêng, gần 80% dùng chung thư viện học sinh và thầy cô. Nghĩa là học sinh không có không gian riêng để đọc sách. Thậm chí, còn đến 4% số trường không có thư viện. Ngay cả với các trường có thư viện thì có đến hơn 1/3 chưa đạt chuẩn về diện tích sử dụng và không có nhân viên thủ thư chuyên môn (thường bố trí 1 nhân viên văn phòng hoặc thầy cô giáo kiêm luôn vai trò thủ thư).
Hạn chế về cơ sở vật chất, nhân lực, vật lực dẫn đến một thực tế là hoạt động của thư viện không có hiệu quả thiết thực. Chỉ khoảng hơn 60% số thư viện mở cửa hoạt động hàng ngày (trong năm học), nhưng gần phân nửa trong số đó không tổ chức bất cứ hoạt động gì liên quan đến sách. Hơn phân nửa số thư viện đang hoạt động thì ngay cả việc cho học sinh mượn sách cũng không có. Nghĩa là thư viện chỉ tồn tại mang tính hình thức.
TS Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhận xét, cán bộ thủ thư, giáo viên sẽ là người tạo hứng thú, đam mê đọc sách cho các em ở trường, chứ không thể trông chờ học sinh tự đam mê. Thế nhưng, rõ ràng với thực tế hệ thống thư viện trường tiểu học hiện nay, việc xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh tiểu học đang là một bài toán nan giải.
Chung tay xây dựng thói quen đọc sách
Đứng trước khó khăn đó, mỗi địa phương mày mò tự tìm một hướng đi riêng. Như tại Thái Bình đã cho ra đời mô hình “Tủ sách phụ huynh”. Tủ sách do các nhà hảo tâm, phụ huynh cùng chung tay đóng góp, học sinh tự quản lý tủ sách.
Đến nay, tại Thái Bình đã có khoảng 4.700 Tủ sách phụ huynh, góp phần nâng cao số sách các em đọc trong năm lên gấp 5 - 10 lần trước đây, với khoảng 1 - 10 đầu sách/năm. Thậm chí, có nơi mỗi học sinh đọc từ 20 - 30 đầu sách/năm. Cách làm này mang lại hiệu quả cao nhưng đồng thời cũng nảy sinh vấn đề như kinh phí mua kệ đựng sách. Và có kệ rồi thì việc quản lý, sắp xếp, phân loại sách, bảo quản sách…. cũng lại là một vấn đề nữa, đặc biệt khi chịu trách nhiệm lại là chính các em học sinh hoặc thầy cô - vốn không có kỹ năng về công việc này.
Chính vì vậy, khi mô hình “Thư viện thân thiện” của tổ chức Room to Read (RtR) được triển khai thí điểm tại nhiều tỉnh, thành đã nhận được những đánh giá tích cực. Theo TS Nguyễn Hữu Độ, điểm nổi bật của RtR là công tác tập huấn cho các cán bộ thư viện, giáo viên cách tạo nên sự thu hút các em đến với sách.
Còn ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, cho rằng điều quan trọng mà RtR mang lại chính là quy chuẩn trong việc chọn lựa sách cho các em. Tuy cùng cấp tiểu học, nhưng sự thay đổi tâm sinh lý, cảm quan, tri thức giữa các cấp/lớp là rất lớn, đòi hỏi có sự chọn lựa sách thích hợp. Trong khi, các thư viện trường học, nhất là những thư viện xã hội hóa, thường chỉ chọn sách theo chủ quan, dựa trên kinh nghiệm, hay các phân loại sẵn có của đơn vị xuất bản. RtR đưa ra một bảng mã màu gồm 6 màu, tương ứng với 6 kệ sách khác nhau như: xanh lá là sách cho lớp 1; đỏ là lớp 1 và 2; cam là lớp 1, 2, 3; trắng là lớp 2,3,4; xanh dương là lớp 3,4,5; và vàng là lớp 4,5. Sự phân loại này, dựa trên các nghiên cứu khoa học cụ thể, có đủ cả định tính, định lượng như dựa vào độ phức tạp của từ, câu, số câu trong 1 trang, số từ trong 1 câu, nội dung, hình ảnh…, ví dụ như xanh lá là sách chỉ có các từ đơn, từ ghép, hay nhóm từ hoặc câu ngắn theo cấu trúc đơn giản. Ngoài ra, Thư viện thân thiện còn đề ra quy chuẩn về diện tích, bố trí không gian, ánh sáng, trang trí… Đây là những kiến thức giúp các trường học thuận lợi khi triển khai hoạt động thư viện.
Ông Huỳnh Tấn Minh, đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Trà Vinh, một trong những địa phương thí điểm thành công mô hình Thư viện thân thiện, cho rằng thư viện đã góp phần thay đổi nhận thức của các trường về hoạt động thư viện. Đặc biệt, dù chưa có đánh giá chính thức, nhưng sau 2 năm triển khai mô hình Thư viện thân thiện, môn Tiếng Việt của các em ở trường tiểu học đã có xu hướng tiến bộ, tỷ lệ hoàn thành tốt tăng, trong khi tỷ lệ chưa hoàn thành giảm. Đây có thể xem là một tín hiệu tích cực cho thấy, thói quen đọc sách có tác dụng thực tế chứ không chỉ đơn thuần là ở tương lai.
Room to Read là tổ chức phi chính phủ được thành lập năm 2000 tại Nepal, hiện trụ sở chính đặt tại Mỹ. Mô hình Thư viện thân thiện của RtR tại Việt Nam đã tổ chức thí điểm ở 16 tỉnh, thành hiện đã xây dựng được 1.357 thư viện, trang bị gần 3 triệu bản sách các loại. Ngoài ra, dựa trên mô hình này, các tỉnh thành đã tự tổ chức, xây dựng thêm được khoảng trên 500 thư viện trường tiểu học khác tương đương. |
Theo SGGP